Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 14/6/2021 đến ngày 18/6/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

So với các quy định hiện hành, Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng vào diện quản lý và thực thi.

Trong đó, một nội dung được sự quan tâm khá lớn của dư luận thời gian qua là hoạt động quản lý, thu thuế GTGT, thuế TNCN với: Hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; Người chuyển nhượng tên miền “.vn”.

Theo Thông tư 40, ngoài quy định sàn thương mại điện tử phải kê khai và thu thuế thay cho các cá nhân bán hàng trên sàn đang được quan tâm, Thông tư cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh với những cá nhân có phát sinh thu nhập trên môi trường mạng như chuyển nhượng tên miền hay thu nhập từ các nền tảng số.

Cụ thể, từ ngày 1/8 tới, các đối tượng là cá nhân chuyển nhượng tên miền Internet quốc gia Việt Nam “.vn” và cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nhưng không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ thực hiện nộp thuế theo từng lần phát sinh.

Theo quy định mới, những tổ chức là đối tác tại Việt Nam của các nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (có thỏa thuận thực hiện chi trả thu nhập cho cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thông qua tổ chức đối tác tại Việt Nam) thì phải khai và nộp thay cho cá nhân trên toàn bộ doanh thu hợp tác kinh doanh.

Quy định này tương tự như việc sàn thương mại điện tử phải kê khai và đóng thuế thay cho cá nhân bán hàng hay các nền tảng gọi xe phải kê khai đóng thuế thay cho tài xế.

Doanh thu tính thuế là số tiền mà cá nhân nhận trực tiếp từ YouTube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của YouTube tại Việt Nam) không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp.

Đối với cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập. Theo đó,  mức thuế phải nộp là 7%, trong đó thuế GTGT là 5% và thuế TNCN 2%.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 14/06 - 18/06, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.148 VND/USD, tăng mạnh trở lại 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.792 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng (LNH) tuần qua cũng trong xu hướng tăng. Chốt phiên cuối tuần 18/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.010 VND/USD, tăng mạnh 65 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trong tuần, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng qua hầu hết các phiên. Chốt tuần 18/06, tỷ giá tự do tăng 65 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.095 – 23.165 VND/USD.

Tỷ giá USD tiếp tục đà tăng sau khi được thúc đẩy bởi tuyên bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về khả năng tăng lãi suất trong tương lai. Mặc dù chính sách tiền tệ hiện tại vẫn được giữ nguyên nhưng kế hoạch tăng lãi suất vào năm 2023 của Fed đã thúc đẩy đồng bạc xanh. USD Index  tăng 0,49% lên 92,235 trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,36% xuống 1,1863. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,79% xuống 1,3809. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,03% lên 110,24.

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm ‘room’ tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu. NHNN sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý. Trước đó, một số ngân hàng có tình trạng hết “room” tín dụng và thắt chặt giải ngân nhằm kiểm soát không vượt trần. Đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng "room" tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn tổng thể cả năm trước. Các ngân hàng có thể hạn chế giải ngân các khoản vay dài hạn và tập trung vào các khoản vay ngắn hạn để đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ. Tình trạng khan hiếm dư địa cho vay cũng có thể dẫn đến sự tăng trưởng tích cực của các sản phẩm bán chéo, đặc biệt là bancassurance, vốn sẽ cải thiện khả năng tiếp cận khoản vay của những người mua bảo hiểm hoặc giúp thúc đẩy thủ tục giải ngân. Nguồn cung cho vay hạn chế cũng có thể khiến lãi suất cho vay cao hơn, điều này đã diễn ra ở một số ngân hàng tư nhân và thậm chí cả ngân hàng quốc doanh, tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cá nhân. Trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm. hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực do NHNN kiểm soát thông qua đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng và đặt trần lãi suất cho vay và tiền gửi. IMF cũng cho rằng Việt Nam nên dỡ bỏ dần trần tăng trưởng tín dụng đồng thời nới lỏng quy định về trần lãi suất huy động và cho vay nhằm cải thiện tính hiệu quả chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, chuyên gia tài chính cũng kiến nghị NHNN quản lý tín dụng theo hệ số an toàn vốn (CAR) gồm cả chuyện huy động vốn và cho vay để toàn diện hơn. NHNN cũng đã có lộ trình để áp dụng những chính sách đó. Với những diễn biến hiện tại, tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 11-13% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. 

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 17/6/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,95%/năm, 1 tuần lên 1,17%/năm, 2 tuần lên 1,45%/năm, 1 tháng 1,57/năm, 3 tháng lên 1,89%/năm, 6 tháng lên 2,68%/năm, 9 tháng lên 3,24%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn khi nhảy vọt lên cao.

Thị trường Vàng

Tuần qua, xu hướng bán đã diễn ra trên thị trường vàng thế giới cũng như trong nước sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố về khả năng tăng lãi suất trong tương lai. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,15 – 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 18/6 và cao nhất 56,60 – 57,20 triệu đồng/lượng ngày 14/6. Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá vàng SJC giảm khoảng 330 nghìn đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.110 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,08 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,87 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Tổng cục Thuế vừa có phản hồi về một số quy định liên quan chính sách thuế đối với hoạt động cho thuê nhà tại Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính. Theo cơ quan Thuế, cho thuê nhà là hoạt động kinh doanh theo hợp đồng ký kết, thời hạn cho thuê thường là 6 tháng đến một năm hoặc nhiều năm. Pháp luật thuế quy định, hoạt động này sẽ khai thuế theo từng lần phát sinh và có những đặc thù riêng, nên cần có hướng dẫn cụ thể về khai thuế, tính thuế, nộp thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế, chống thất thu ngân sách. Thông tư 40 chỉ quy định về mặt thủ tục hành chính thuế; các nội dung về chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân vẫn đảm bảo theo đúng quy định của các Luật thuế có liên quan. Theo đó, cá nhân kinh doanh, bao gồm cả cá nhân cho thuê tài sản có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế. Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021.  Như vậy, cá nhân cho thuê tài sản phát sinh thuế TNCN phải nộp trong năm 2021 sẽ chưa phải nộp thuế cho đến ngày 31/12/2021.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có kiến nghị nâng mức doanh thu tối thiểu của cá nhân cho thuê nhà lên trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế, thay vì mức trên 100 triệu/năm như quy định tại Thông tư 40. Theo HoREA, việc nâng mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế GTGT, thuế TNCN sẽ tạo điều kiện để khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê, hỗ trợ người có nhà cho thuê và cũng là hỗ trợ gián tiếp cho người thuê nhà vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị cần có quy định miễn trừ gia cảnh với phần thu nhập từ cho thuê nhà của các cá nhân, tương tự như cách miễn trừ gia cảnh đối với người đóng thuế và người phụ thuộc.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Dow Jones giảm thêm 500 điểm, khép lại tuần tồi tệ nhất từ tháng 10/2020, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Sáu (18/6), với chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 533.37 điểm (tương đương 1.6%) xuống 33,290.08 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1.3% xuống 4,166.45 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức đáy trong phiên ở những phút giao dịch cuối cùng và đóng cửa quanh mức này.

Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.9% còn 14,030.38 điểm. Các cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế dẫn đầu đà sụt giảm của thị trường. Tuần qua, Dow Jones sụt 3.5%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.9% và 0.2% từ đầu tuần đến nay. Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, Jim Bullard, nói với hãng tin CNBC vào ngày thứ Sáu rằng việc Fed nghiêng một chút sang hướng “diều hâu” trong tuần này là bình thường và rằng đợt nâng lãi suất đầu tiên từ Fed có thể diễn ra vào năm 2022. Những nhận định của ông đưa ra sau khi Fed vào ngày 16/6 đã dự báo sẽ nâng lãi suất 2 lần vào năm 2023 và nâng kỳ vọng lạm phát trong năm nay, qua đó gây sức ép lên giá chứng khoán. “Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Fed thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến để giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát, thì điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tương lai”, Giám đốc chiến lược thị trường Keith Lerner của Truist Advisory Services cho biết trong một lưu ý. Ông Lerner cũng nói rằng còn quá sớm để từ bỏ giao dịch giá trị ngay bây giờ. Những cổ phiếu nhạy cảm nhất với sự phục hồi kinh tế đã dẫn đầu làn sóng bán tháo trong tuần này. Lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc S&P 500 lần lượt giảm 5.2% và 3.8% trong tuần qua. Trong khi, lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu đều sụt hơn 6%. Những nhóm ngành này đã dẫn đầu đà tăng của thị trường từ đầu năm đến nay nhờ kinh tế phục hồi trở lại. Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi những động thái của Fed gây bằng phẳng hóa đường cong lợi suất trái phiếu. Điều này có nghĩa là lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn – như kỳ hạn 2 năm – tăng trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 10 năm lại giảm.

 Đà giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài cho thấy sự kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế, trong khi đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn thể hiện kỳ vọng Fed nâng lãi suất. Hiện tượng này đặc biệt làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng vì lợi nhuận có thể chịu tổn thất khi chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn bị thu hẹp. Cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 2% vào ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Citigroup mất 1.8%, lao dốc 12 phiên liên tiếp. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, vào ngày 16/6 cho biết các quan chức đã thảo luận về việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu và một lúc nào đó sẽ bắt đầu làm chậm chương trình mua tài sản. Trong khi đó, giá hàng hóa đã chịu sức ép trong tuần này khi Trung Quốc cố gắng hạ nhiệt đà tăng giá và khi đồng USD mạnh hơn. Giá đồng, vàng và bạch kim tiếp tục giảm vào ngày thứ Sáu. Ngày thứ Sáu cũng trùng với sự kiện ngày “Quadruple witching”, ngày mà các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, quyền chọn chỉ số chứng khoán, các quyền chọn cổ phiếu và hợp đồng tương lai đơn lẻ cùng đáo hạn. Sự kiện này có thể góp phần làm giao dịch biến động hơn trong phiên.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 14-18/06/2021 vượt đỉnh lịch sử, khối lượng giao dịch của chỉ số đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần, cùng với mức tăng ấn tượng vượt đỉnh lịch sử. Chúng ta có thể thấy tình hình của chỉ số đang khá tích cực. Các chỉ số thị trường kết thúc tuần với tín hiệu tích cực. VN-Index tăng 1.93%, lên 1,377.77 điểm; HNX-index đóng cửa tuần tăng 0.64%, đạt 318.73 điểm. Khối lượng giao dịch trên cả hai sàn cùng giảm trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 725 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 6.18% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 155 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 12.99% so với tuần giao dịch trước. Tiếp nối đà tăng từ cuối tuần trước, VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tăng gần 10 điểm. Tuy tâm lý nhà đầu tư thận trọng ở các phiên giữa tuần nhưng tổng kết cả tuần, chỉ số vẫn tăng gần 17 điểm. Nhóm sản xuất thủy sản tiếp tục giao dịch tích cực trong tuần vừa qua. Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5/2021, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD. Theo đó, kết quả xuất khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3,27 tỷ USD.

Việc triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ đã mang lại động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này hồi phục “thần tốc” không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí. Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và do chính quy định kiểm soát Covid-19 của nước này. Điều này giúp triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành chế biến thủy sản trở nên rất tích cực. Giá dầu thô tăng mạnh nhiều phiên liên tục giúp cho các cổ phiếu ngành dầu khí tăng trưởng tốt ở các phiên giữa tuần. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, các cổ phiếu đã quay đầu giảm nhẹ. Sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung - cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47.64% trong 5 năm. Điều này góp phần thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành đường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 114 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 23 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 137 tỷ đồng trên sàn HNX.

Thị trường Upcom

Trên thị trường chứng khoán UPCoM nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng hơn 4 triệu đơn vị, trong khi phiên trước đó mua ròng 982.470 đơn vị. Tổng giá trị là mua ròng 19,49 tỷ đồng, giảm 89,66% so với tuần trước mua ròng 188,57 tỷ đồng. Trong đó, khối này đã mua vào 1,82 triệu đơn vị, giá trị 119,28 tỷ đồng (giảm 70,28% về lượng và 65% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 5,83 triệu đơn vị, giá trị 99,79 tỷ đồng (tăng 13,38% về lượng nhưng giảm 34,7% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,377.77

809,465.947

23,734.88

770,888,235

23,888.95

HNX-Index

318.73

139,506.713

3,033.78

173,740,067

4,312.17

UpCom-Index

90.22

169,720.831

2,456.00

114,306,091

2,097