Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 19/4 /2021 đến ngày 23/4/2021

TIN KINH TẾ VĨ MÔ 

Mới đây, Dự thảo sửa đổi Luật BHXH vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung trình Chính phủ xem xét.

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thống kê của BHXH Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng bình quân 70,1% .

Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm. Năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỷ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1. Tỷ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên .

Tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao, mức tối đa là 75% , tương ứng với tỷ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ. Tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới và chính sách hưu trí của Việt Nam được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là thuộc loại hào phóng nhất thế giới.

Theo thông lệ quốc tế, với mô hình hưu trí như Việt Nam hiện nay, để người nghỉ hưu hưởng lương hưu trong 20 năm thì thời gian đóng góp bình quân ít nhất là 40 năm thì mới đảm bảo cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn.Riêng giai đoạn 2007-2014 tỷ lệ này có xu hướng giảm do quy định của Luật BHXH năm 2006 quy định lộ trình tăng tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động.

Hầu hết các nước đều quy định sau 40 năm đóng góp, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa không quá 60% như Trung Quốc, Hàn Quốc…Bộ này đánh giá, quỹ hưu trí và tử tuất sẽ khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Do chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do NSNN đảm bảo. 

Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác thì chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.

Thị trường Tiền tệ       

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 19/04 - 23/04, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng giảm tương tự tuần trước đó. Chốt phiên 23/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.179 VND/USD, giảm mạnh 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 23/04 ở mức 23.824 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua tăng nhẹ 2 phiên đầu tuần và giảm trở lại ở các phiên cuối. Chốt ngày 23/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.058 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng trở lại ở hầu hết các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 23/04, tỷ giá tự do tăng 95 đồng ở chiều mua vào và 75 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.730 – 23.770 VND/USD.

Tỷ giá USD tiếp tục duy trì ở mức thấp do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, kéo theo nhu cầu đầu tư vào đồng USD đi xuống. USD Index giảm 0,01% xuống 91,267 điểm vào phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá EUR so với USD đạt 1,2014. Các nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (EBC). Bất kỳ tin tức tích cực nào từ ngân hàng trung ương về triển vọng kinh tế hoặc gợi ý về vấn đề giảm mua trái phiếu sẽ thúc đẩy tỷ giá đồng EUR so với USD. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,03% lên 1,3840.

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo báo cáo của NHNN thì đầu năm 2021, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân, như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thế nhưng, sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và thế giới thời gian qua cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động các ngân hàng. Theo thống kê của NHNN, đến ngày 16/4, tín dụng đã tăng trưởng 3.34% so với cuối năm 2020.  Đà tăng của tín dụng đã bắt đầu chững lại trong nửa tháng 4, tín dụng chỉ tăng 0.41% (theo thống kê, tháng 1 tăng trưởng tín dụng 0.76%, đến tháng 2 còn 0.66%, sau đó đến tháng 3 cầu tín dụng tăng mạnh, đạt mức 2.93%). NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tại Chỉ thị 01/CT-NHNN. NHNN chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. NHNN sẽ tập trung điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2021, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm là 12%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Tính đến ngày 5/4, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262,000 khách hàng với dư nợ 357,000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663,000 khách hàng với dư nợ 1.27 triệu tỷ đồng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi từ 21/1/2020 tới nay là 2.16 triệu tỷ đồng với hơn 456,000 khách hàng được vay. Về gói hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động để trả nợ lương ngừng việc, đến 31/1, có 42,900 tỷ đồng đã được NHNN giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng này đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42,000 tỷ đồng. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh, đến ngày 31/3, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh internet tăng 55.9% về lượng và 28.4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về lượng và 103% về giá trị giao dịch, giao dịch qua kênh QR code tăng 83% về lượng và 146% về giá trị.

Thị trường Vàng

Giá vàng tuần qua tiếp tục xu hướng chính là tăng nhờ đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 55,18 – 55,64 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 19/4 và cao nhất 55,63 – 56 triệu đồng/lượng ngày 20/4.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.155 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,81 triệu đồng/lượng, thấp hơn 6,01 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Ngày 20/4/2021, Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức hội thảo Kết thúc và bàn giao sản phẩm dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030". Năm 2018, được sự cho phép của Chính phủ hai nước, Bộ Xây dựng và KOICA hợp tác thực hiện dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” trong thời gian 3 năm. Dự án tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam, qua đó đề xuất cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và giải quyết những vấn đề nhà ở xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới. Sau 3 năm thực hiện, với sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia hai nước, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều sáng kiến, đề xuất được Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham khảo, vận dụng vào công tác xây dựng chính sách nhà ở xã hội như: đề xuất về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; cải cách thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hoàn thiện các quy định về ưu đãi và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… Đây cũng là những nội dung được thể hiện trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Ngày 23/4/2021, Bộ Xây dựng đã có công văn 1339/BXD-QLN gửi Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho ý kiến về việc phân bổ chi phí xây dựng diện tích đỗ xe vào giá bán, giá cho thuê căn hộ nhà ở xã hội CT4 tại ô đất CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Liên quan đến việc xác định diện tích để xe tại dự án nhà ở xã hội thì tại điểm b,c mục 2.2.17.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà ở chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) quy định: Diện tích chỗ để xe (bao gồm đường nội bộ trong gara/bãi để xe) tối thiểu là 25 m2 cho 4 căn hộ chung cư, nhưng không nhỏ hơn 20 m2  cho 100 m2 diện tích sử dụng căn hộ chung cư, trong đó đảm bảo tối thiểu 6 m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư. Nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thu nhập thấp thì diện tích chỗ để xe được phép lấy bằng 60 % định mức nêu trên đồng thời đảm bảo tối thiểu 6 m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư”.

Ngày 23/4/2020, Bộ Xây dựng đã có công văn 1340/BXD-QLN gửi Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có nhiều tòa nhà chung cư. Theo đó, Sở Xây dựng hoặc cơ quan có chức năng thẩm định giá của địa phương có trách nhiệm thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua cho cả dự án nhà ở xã hội. Liên quan đến tổng chi phí đầu tư xây dựng trong việc xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội: theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì tổng chi phí đầu tư xây dựng của dự án sẽ là tổng chi phí đầu tư xây dựng phân bổ cho phần diện tích sử dụng nhà ở xã hội để bán, để cho thuê, để cho thuê mua. Đối với những hạng mục công trình kinh doanh thương mại thì chi phí đầu tư xây dựng không được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Đối với những hạng mục công trình phải có theo tiêu chuẩn quy chuẩn nhà ở thì sẽ được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội và các hạng mục công trình này thuộc sử dụng chung của các hộ dân.

 Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Phố Wall ngập sắc xanh, Dow Jones lấy lại mốc 34,000 điểm. Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 23/04, trong đó S&P 500 lên sát mức kỷ lục sau khi số liệu nhà máy và doanh số bán nhà mới cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh. Cùng với đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá trước kỳ vọng về các báo cáo lợi nhuận khả quan trong tuần tới. Thị trường phục hồi sau phiên bán tháo ngày thứ Năm khi thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định tăng gấp đôi thuế thặng dư vốn đã khiến nhà đầu tư sợ hãi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đà sụt giảm này không phải là một phản ứng và vẫn đưa ra dự báo khả quan. Khi cả ba chỉ số chính trên Phố Wall tăng vọt, chỉ số biến động thị trường (hay còn gọi là chỉ số sợ hãi) CBOE giảm gần 10%, cho thấy nhà đầu tư đã bớt lo lắng về các rủi ro trong thời gian tới. Mùa công bố báo cáo tài chính sẽ đi vào giai đoạn quan trọng vào tuần tới khi các doanh nghiệp chiếm 40% tổng vốn hóa của S&P 500 sẽ công bố kết quả kinh doanh từ ngày thứ Ba đến thứ Nam, bao gồm các tập đoàn công nghệ và các “ông lớn” khác như Microsoft, Alphabet, Apple và Facebook. Các tập đoàn tên tuổi này, kể cả Amazon.com đều đóng góp lớn nhất vào đà tăng của thị trường, qua đó giúp số cổ phiếu tăng giá dễ dàng vượt qua số cổ phiếu giảm giá. Kỳ vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp liên tục tăng trong các tuần gần đây, trái với xu hướng suy giảm thường thấy trước đó khi mùa công bố báo cáo tài chính bắt đầu. Theo số liệu của IBES Refinitiv, lợi nhuận quý 1 có thể nhảy vọt 33.9% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ cao nhất kể từ quý 4/2010. Hoạt động tại các nhà máy của Mỹ tăng trưởng mạnh vào đầu tháng 4. Chỉ số PMI sản xuất sơ bộ của IHS Markit đã tăng lên mức 60.6 trong nửa đầu tháng, mức cao nhất kể từ khi số liệu này được thu thập vào tháng 5/2007. Thêm một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu tiêu dùng khả quan, doanh số bán nhà mới trong tháng 3 phục hồi mạnh hơn dự báo. Ron Temple, Trưởng bộ phận cổ phiếu Mỹ tại Lazard Asset Management, cho biết nền kinh tế có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 50 năm với đà tăng hơn 6% trong năm nay và năm tới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cho phép nền kinh tế tăng trưởng nóng hơn trong quá khứ, qua đó gia tăng triển vọng đạt được đà tăng trưởng cao.

Tất cả 11 lĩnh vực lớn của S&P 500 đều mang sắc xanh, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, Dow Jones tăng 0.67% lên 34,043.49 vv và S&P 500 nhận 1.09% lên 4,180.17 điểm, gần bằng mức đóng cửa cao kỷ lục trước đó là 4,185.47 vào ngày 16/04. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.44% lên 14,016.81 điểm. Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 0.13%, Dow Jones lùi 0.46% và Nasdaq hạ 0.25%. Số cố phiếu tăng vượt số cố phiếu giảm trên sàn NYSE theo tỷ lệ 3.62:1, trên sàn Nasdaq tỷ lệ này là 2.82:1.

- Thị trường chứng khoán trong nước

Chứng khoán tuần 19-23/04/2021 tiếp tục quan sát, VN-Index kết thúc tuần giao dịch vẫn giữ được đà tăng. Dù vậy, việc thanh khoản suy giảm có thể do các nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch mạnh trước nhiều nguồn thông tin đan xen. Vị thế quan sát vẫn nên được ưu tiên trong giai đoạn này. Các chỉ số thị trường kết thúc tuần biến động ngược chiều. VN-Index tăng 0.79% đạt mức 1,248.53 điểm, HNX-Index đóng cửa tuần giảm 3.23% dừng tại 283.63 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động giảm trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 747 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 14.51% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 153 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 18.62%. Thị trường mở cửa đầu tuần bằng một phiên giao dịch với đà bứt phá mạnh mẽ. Những tin tức tiêu cực về dịch bệnh Covid-19 ở các nước láng giềng đã gây nên sự lo ngại cho cộng đồng nhà đầu tư tại Việt Nam khiến chỉ số VN-Index chìm sâu trong sắc đỏ ở phiên 22/04/2021, đồng thời chứng kiến rất nhiều mã nằm sàn. Thị trường khép lại tuần giao dịch bằng một phiên tăng tốt hơn 20 điểm. Sự suy yếu của các cổ phiếu Large Cap là nguyên nhân chính tác động tiêu cực lên thị trường. Ngược lại, một số cổ phiếu khác vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động không quá lạc quan. Dù bật tăng tốt và đóng vai trò là trụ chính cho thị trường trong một vài phiên giao dịch. Tổng kết tuần, hầu hết các cổ phiếu nhóm này có sự phân hóa. VN-Index kết thúc tuần giao dịch vẫn giữ được đà tăng. Dù vậy, việc thanh khoản suy giảm có thể do các nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch mạnh trước nhiều nguồn thông tin đan xen. Vị thế quan sát vẫn nên được ưu tiên trong giai đoạn này. Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng hơn 1,134 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 1,109 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 25 tỷ đồng trên sàn HNX.

Cổ phiếu tăng giá mạnh trong tuần qua là VIX trên sàn HOSE, VIX tăng 17.53% VIX đang test đường SMA 50 ngày. Đây sẽ là thử thách gần nhất của giá cổ phiếu. Nếu vượt hoàn toàn được vùng này thì đà tăng của cổ phiếu sẽ được củng cố mạnh mẽ. Chỉ báo MACD đã cho tín hiệu mua trở lại. Nếu chỉ báo tăng vượt lên trên ngưỡng 0 thì tình hình sẽ còn khả quan hơn nữa. Bên cạnh đó, chỉ báo Relative Strength Index cũng đã vượt lên trên mức 50.

Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2 phiên và mua ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 464.240 đơn vị, giảm 78,28% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, tổng giá trị là mua ròng 2,39 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó bán ròng 52,24 tỷ đồng. Trong đó, khối này đã mua vào 2,28 triệu đơn vị, giá trị 127,62 tỷ đồng (giảm 47,21% về lượng và 46,35% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 2,74 triệu đơn vị, giá trị 125,23 tỷ đồng (giảm 57,5% về lượng và 56,84% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,248.53

716,518,668

20,089.97

786,868,299

20,913.29

HNX-Index

283.63

138,844,216

2,388.35

159,599,053

2,995.16

UpCom-Index

80,4

113,751.334

911

791.576

962.25

(Nguồn: P.PT - DB tổng hợp*) 

 * Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, SRTC không chịu trách nhiệm với bất kỳ ảnh hưởng nào có liên quan đến việc sử dụng các thông tin này