Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 24/5 /2021 đến ngày28/5/2021

TIN KINH TẾ VĨ MÔ 

Theo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Số lượng Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.

Trong tháng 5/2021, cả nước có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người, giảm 22% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 23,7% về số lao động so với tháng 4/2021. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 13 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so với tháng trước và giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 26,1% và tăng 1,7%; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,5% và tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17% và tăng 33%.

            Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 975,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 19,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2021 là 1.753,4 nghìn tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 22,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 78,3 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 Thị trường Tiền tệ       

- Thị trường ngoại tệ

            Trong tuần từ 31/05 - 04/06, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm mạnh đầu tuần, sau đó tăng trở lại. Chốt phiên cuối tuần 04/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.138 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.782 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 04/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.046 VND/USD, giảm 09 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng biến động nhẹ. Chốt tuần 04/06, tỷ giá tự do giảm 15 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.170 – 23.200 VND/USD.

            Tỷ giá USD tiếp tục phục hồi khi các nhà giao dịch điều chỉnh các danh mục đầu tư vào cuối tháng và dữ liệu thống kê chỉ ra những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19. Hiện tại, USD Index đang trên đà tăng trưởng hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 4. Trong phiên giao dịch cuối tuần, USD Index tăng 0,09% lên 90,040. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,02 lên 1,2194. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,11% xuống 1,4189. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,05% lên 109,86.

- Thị trường nội tệ

            Có thể thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành tiền tệ theo hướng nới lỏng kể từ đầu năm để hỗ trợ tăng trưởng, trong bối cảnh yếu tố vĩ mô tiếp tục gặp thuận lợi. Giữ bộ khung lãi suất điều hành không đổi so với cuối năm 2020 và tiếp tục duy trì các chính sách trợ giúp doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 có lẽ là những điểm nhấn quan trọng của chính sách tiền tệ. Điều hành chính sách tiền tệ luôn gắn liền với bối cảnh vĩ mô. Hai biến số quan trọng là lạm phát và tỷ giá đều có diễn biến tương đối thuận lợi. Với tỷ giá, diễn biến ổn định tiếp tục duy trì trong phần lớn thời gian từ đầu năm tới nay. Có thể nói việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ thông qua duy trì lãi suất mục tiêu cận 0% và mua vào trái phiếu 120 tỉ đô la Mỹ/tháng đã triệt tiêu đáng kể nhu cầu nắm giữ đô la Mỹ trên thế giới, cũng như tại Việt Nam và là một điều kiện tốt để tỷ giá Việt Nam tiếp tục ổn định. Đây là cơ sở vĩ mô thuận lợi để NHNN có thể điều hành tiền tệ theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế sau dịch, với những điểm nhấn đáng chú ý sau: Lãi suất điều hành không thay đổi kể từ đầu năm tới nay là bộ công cụ lãi suất điều hành tiếp tục được NHNN giữ nguyên so với cuối năm 2020, bao gồm trần lãi suất huy động, cho vay, bộ lãi suất cho vay các ngân hàng thương mại trên thị trường mở, hay thông qua cửa chiết khấu. Lãi suất điều hành luôn gửi gắm thông điệp về triển vọng kinh tế dưới góc độ của nhà điều hành tiền tệ. Không thay đổi lãi suất là xu hướng chung của các ngân hàng trung ương kể từ đầu năm, nhằm thúc đẩy tổng cầu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi tăng trưởng. Với vai trò định hướng lãi suất liên ngân hàng (LNH), nghiệp vụ thị trường mở là kênh chủ đạo để NHNN điều tiết lãi suất này trong các năm qua, với hai công cụ là cho vay mua kỳ hạn giấy tờ có giá (repo) để bơm tiền và phát hành tín phiếu để hút tiền. Kể từ đầu năm, kênh repo luôn mở cửa khi các ngân hàng thương mại cần thanh khoản, trong khi kênh tín phiếu không phát hành mới. Điều này cho thấy NHNN sẵn sàng cung ứng đầy đủ thanh khoản cho hệ thống và muốn duy trì lãi suất LNH ở mức thấp khi không thực hiện phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản. Như vậy, thông qua việc sử dụng lãi suất điều hành cho thấy NHNN đang điều hành theo hướng nới lỏng. Lãi suất LNH thường xuyên ở mức rất thấp kể từ đầu năm (ngoại trừ một vài ngày thanh khoản thiếu hụt bất thường, dẫn tới lãi suất tăng nóng). Điều này góp phần rất lớn để ngân hàng duy trì lãi suất huy động, cho vay ở mức hợp lý, nhằm kích thích nền kinh tế gia tăng sản xuất, đầu tư. Lợi suất TPCP ổn định ở mức thấp giúp cho Kho bạc Nhà nước huy động được nguồn vốn với chi phí hợp lý, tạo thuận lợi cho chính phủ trong việc mở rộng đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 về việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với thời hạn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến ngày 31-12-2021. Như vậy, việc cơ cấu nợ trong năm 2020 tiếp tục được gia hạn đến hết năm 2021. Việc giãn thời hạn trả nợ sẽ giúp doanh nghiệp ổn định về thanh khoản, song trên lý thuyết sẽ đẩy ngân hàng vào trạng thái thiếu thanh khoản, do cơ cấu nguồn vốn có phần lớn là nguồn tiền gửi, với tỷ trọng lớn từ tiền gửi ngắn hạn. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, NHNN đang gián tiếp đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chính thức vượt qua vùng dao động 1,2%. Sau tuần đầu tiên tháng 5 tăng nóng, lãi suất liên ngân hàng có hai tuần liên tiếp đi ngang ở mặt bằng mới. Các mức lãi suất trên liên ngân hàng đã cao hơn 0,4 – 0,55 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 4. Trên thị trường tuần từ 24/5 – 28/5, lãi suất VND liên ngân hàng tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Mức tăng khá mạnh, giao động từ 0,18 điểm phần trăm đến 0,24 điểm phần trăm. Diễn biến này tiếp tục được kéo dài trong phiên giao dịch cuối tháng 5 (31/5). Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm. Theo đó, các mức lãi suất hiện đang ở mức qua đêm 1,54%; 1 tuần 1,59%; 2 tuần 1,73% và 1 tháng 1,75%. Như vậy, mức lãi suất này đã cao hơn 0,4 – 0,55 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 4. Như vậy, tại kỳ hạn có doanh số giao dịch lớn nhất và chủ yếu trên liên ngân hàng (qua đêm) đã vượt khỏi vùng dao động quanh 1,2%. Hiện tại, ở kênh cầm cố (hỗ trợ nguồn), Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì  chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5% trong nhiều phiên nhưng không tổ chức tín dụng nào tiếp cận, khối lượng lưu hành vẫn ở mức 0.

 Thị trường Vàng

Trong tuần qua, giá vàng trong nước biến động tăng giảm liên tục với xu hướng chính là đi lên theo xu hướng thế giới. Dữ liệu mới nhất được công bố cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 4 và thúc đẩy đà tăng giá của vàng. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,05 – 56,42 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 25/5 và cao nhất 56,15 – 56,57 triệu đồng/lượng ngày 27/5.

            Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.140 đồng), giá vàng thế giới tương đương 52,74 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,93 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

 Thị trường Bất động sản

Thị trường BĐS TP.HCM đang khan hiếm nguồn cung nhà ở trung cấp. Vẫn còn một số dự án chung cư nhỏ lẻ tầm giá 35-40 triệu/m2 có nguồn hàng từ chủ đầu tư, tuy nhiên số lượng rất hạn chế và phần nhiều là các căn hộ diện tích lớn. Một vài dự án khác có kế hoạch ra hàng nhưng đều phải trì hoãn vì vấn đề pháp lý và ảnh hưởng dịch bệnh. Đồng thời giá nhà chung cư tại tp. HCM được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay dù vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid 19. Có nhiều yếu tố đang tác động lên giá nhà và sự tác động này đều theo chiều hướng buộc thị trường phải tăng giá bán trong tương lai. Giá trị tiền sử dụng đất và chi phí phát triển dự án là hai yếu tố chủ chốt sẽ khiến giá nhà tăng cao trong các năm tới đây. Thêm vào đó, quỹ đất TP.HCM và các khu vực liền kề đang ngày càng ít dần đi, giá trị tiền sử dụng đất gia tăng kéo theo chi phí phát triển của doanh nghiệp leo thang.

Tại thị trường BĐS Hà Nội, người mua nhà đang có xu hướng đầu tư về phía Đông Hà Nội vì lợi ích từ những chính sách quy hoạch đã được phê duyệt, hạ tầng giao thông đã rất hoàn thiện, sắp tới đây sẽ trở thành quận tâm điểm mới của thủ đô, đã được đầu tư sẵn hệ thống tiện ích đa dạng và đặc biệt là những dự án căn hộ rất chất lượng tại đây.

 Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

S&P 500 ghi nhận chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (28/5) để kết thúc tháng leo dốc thứ 4 liên tiếp, trong bối cảnh lạc quan ngày càng tăng về sự phục hồi kinh tế Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 nhích 0.1% lên 4,204.11 điểm, chỉ còn cách 0.8% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số S&P 500 cộng 64.81 điểm lên 34,529.45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.1% lên 13,748.74 điểm. Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 0.9% và 1.2% trong tuần này, đều chấm dứt chuỗi 2 tuần sụt giảm liên tiếp. Nasdaq Composite cộng 2.1% và ghi nhận tuần có thành quả tốt nhất kể từ ngày 09/4/2021. Trong tháng 5, Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 1.9% và 0.6%, đồng loạt đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, Nasdaq Composite đã mất 1.5% trong tháng này, ghi nhận tháng lỗ đầu tiên trong 7 tháng. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000, vốn được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tái mở cửa kinh tế, đã tăng nhẹ trong tháng này, lần đầu tiên ghi nhận 8 tháng leo dốc liên tiếp kể từ năm 1995. Một chỉ báo lạm phát quan trọng – chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi – vọt 3.1% trong tháng 4/2021, nhanh hơn dự báo tăng 2.9%, nhưng không quá nóng như nhiều người trên Phố Wall đã lo ngại. Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm vẫn tăng ở mức 14.9% trong tháng trước, trong khi chi tiêu tiêu dùng cộng 0.5%, trùng khớp với dự báo. Cổ phiếu Salesforce vọt hơn 5% vào ngày thứ Sáu để dẫn đầu đà tăng của Dow Jones. Cổ phiếu này nhảy vọt sau khi báo cáo lợi nhuận quý 1 cao hơn kỳ vọng của Phố Wall. Nhóm cổ phiếu “meme” được đẩy lên bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ trên diễn đàn Reddit’s WallStreetBets đã có một phiên giao dịch biến động khác vào ngày thứ Sáu với cổ phiếu AMC vọt 38% và khép phiên mất 1.5%. Cổ phiếu GameStop xóa sạch đà tăng trước đó và giảm 12.6%.

-Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 24-28/05/2021 thiết lập đỉnh mới. Bất chấp những thông tin về dịch bệnh Covid-19, VN-Index kết thúc tuần giao dịch ở mức cao nhất trong lịch sử. Dòng tiền khá dồi dào thể hiện qua khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 phiên. Các chỉ số thị trường kết thúc tuần với tín hiệu tích cực. VN-Index tăng 2.85% đạt mức 1,320.46 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1.97% dừng tại 310.46 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn duy trì mức cao trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 679 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 0.46% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 133 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5.09%. Tiếp nối đà tăng cuối tuần trước, VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tăng hơn 11 điểm. Diễn biến tiếp tục tích cực với hai phiên tiếp theo tăng mạnh. Tuy có sự điều chỉnh sau đó nhưng VN-Index vẫn kết phiên tuần tại mức cao nhất trong lịch sử. Trong top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index tuần qua cũng thể hiện được sức mạnh của mình khi là tác nhân chính góp phần cho đà tăng của thị trường. Ở chiều ngược lại  là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. Xét theo nhóm ngành trong tuần qua, nhóm ngân hàng tiếp tục chuỗi tăng giá ấn tượng khi có tới 8 mã nằm trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất chỉ số VN-Index. Nhóm dầu khí có tuần giao dịch khá tích cực cùng đạt mức trên 3%. Bất chấp những thông tin về dịch bệnh Covid-19, VN-Index kết thúc tuần giao dịch ở mức điểm cao nhất trong lịch sử. Dòng tiền tiếp tục dồi dào thể hiện qua khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 phiên. Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng gần 299 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 473 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 174 tỷ đồng trên sàn HNX.

Thị trường Upcom

Thị trường chứng khóa Upcom tuần giao dịch thứ 4 của tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thăng hoa so với cuối tuần trước đó. Đóng cửa tuần có phần khởi sắc hơn, chỉ số của sàn UPCoM tăng 5,49%. Trong tuần (24 – 28/5), thay vì những tuần bán ròng cả nghìn tỷ đồng trước đó. Trên UPCoM trạng thái mua ròng được thiết lập.

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,320.46

768,849,713

24,798.51

721,893,747

23,091.29

HNX-Index

310.46

171,376.189

4.046.94

141,119,677

3,224.34

UpCom-Index

86.11

162,215.710

1.975,00

108,968.851

1,710,4

 (Nguồn: P.PT - DB tổng hợp*) 

    *Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, SRTC không chịu trách nhiệm với bất kỳ ảnh hưởng nào có liên quan đến việc sử dụng các thông tin này