Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 31/5 /2021 đến ngày 4/6/2021

TIN KINH TẾ VĨ MÔ

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách nhà nước 5 tháng vừa qua tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ kinh tế dần phục hồi và tăng thu từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...Riêng trong tháng 5, thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý, ước đạt 73.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 3.500 tỷ đồng, thu nội địa tăng gần 17% ước đạt 69.500 tỷ đồng.

          Luỹ kế 5 tháng, tổng số thu ngân sách nhà nước ước đạt 562.360 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020 và cao nhất trong ba năm. Năm ngoái, thu ngân sách giảm gần 10% từ hơn 512.000 tỷ xuống còn 500.00 tỷ đồng, do ảnh hưởng khi dịch Covid-19 mới bùng phát.

         5 tháng, thu từ dầu thô ước đạt hơn 15.950 tỷ đồng, giảm mạnh gần 20% so với cùng kỳ do sản lượng dầu thanh toán 5 tháng thấp hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cùng kỳ phát sinh một số khoản thu mà các tháng đầu năm nay không phát sinh nhưng thu từ kết dư chi phí của Liên doanh Vietsovpetro hơn 2.700 tỷ đồng, thu từ chênh lệch quyết toán năm 2019 hơn 1.000 tỷ đồng.

Thu nội địa 5 tháng ước đạt 546.400 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thuế, nhờ vào tình kinh tế có xu hướng phục hồi từ cuối năm 2020, cùng với phát sinh các nguồn tăng thu khá từ các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... Bên cạnh đó, 5 tháng đầu năm có các nguồn thu đột biến từ sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn.

            5 tháng đầu năm, cơ quan thuế cũng đã tăng thu qua các cuộc thanh, kiểm tra số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 402 tỷ đồng, giảm lỗ là 8.600 tỷ. Do đó, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là hơn 1.130 tỷ đồng.

 Thị trường Tiền tệ       

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 24/05 - 28/05, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng giảm qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 28/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.135 VND/USD, giảm 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.781 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua biến động nhẹ. Chốt ngày 28/05, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.055 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 28/05, tỷ giá tự do giảm 45 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.185 – 23.210 VND/USD.

            Tỷ giá USD đã có dấu hiệu giảm sau khi giữ gần mức cao nhất trong 3 tuần trong bối cảnh báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sắp được công bố. Các nhà đầu tư tiền tệ đang tìm kiếm các dấu hiệu về sức mạnh phục hồi của nền kinh tế Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, điều được coi là có tác động tích cực đối với đồng USD. Trong phiên giao dịch cuối tuần, USD Index giảm 0,41% xuống 90,127. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,36% lên 1,2168. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,40% lên 1,4160. Tỷ giá USD so với Yen Nhật giảm 0,67% xuống 109,55.

 - Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biên pháp hỗ trợ khác, đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Đây là một trong những nội dung của văn bản số 3947/NHNN-TD do NHNN ban hành ngày 03/06/2021 về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt là tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, ...) triển khai. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 hướng dẫn Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 50/2010/QĐ-TTg. Công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quy trình, thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở khu vực có dịch, vùng cách ly y tế không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn. Có giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các chi nhánh TCTD trên các địa bàn bị cách ly, phong tỏa. Ngoài ra, thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên đia bàn các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 3/6/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng 0,1 - 0,3%/năm trong tuần qua, nâng mức tăng so với đầu tháng 5 lên 0,3 - 0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 1,39%/năm, 1 tuần lên 1,51%/năm, 2 tuần lên 1,82%/năm, 1 tháng 1,69/năm, 3 tháng lên 2,77%/năm, 6 tháng lên 3,00%/năm, 9 tháng lên 2,88%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Các nhà băng huy động lãi suất không kỳ hạn chỉ từ 0,1 - 0,2%/năm, dưới 6 tháng từ 2,5 - 4%/năm và từ 6 tháng trở lên, lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn khi nhảy vọt lên cao. Trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước huy động tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng 3,8 - 3,9%/năm thì các ngân hàng cổ phần huy động lãi khá cao

 Thị trường Vàng

Trong tuần qua, giá vàng trong nước tăng mạnh theo giá vàng thế giới. Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng mạnh sau khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp Mỹ không tăng nhiều như dự kiến và đồng USD suy yếu. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,39 – 56,89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 31/5 và cao nhất 56,95 – 57,67 triệu đồng/lượng ngày 2/6.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.150 đồng), giá vàng thế giới tương đương 52,12 triệu đồng/lượng, thấp hơn 5,18 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

 Thị trường Bất động sản

Dù chịu ảnh hưởng nhất định từ dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn đang trên đà tăng trưởng. Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp (KCN) ghi nhận đang tăng cao và là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Nguồn cung tại một số phân khúc nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ,… đang ngày càng hạn chế, bất động sản (BĐS) công nghiệp lại đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra đòn bẩy khiến chi phí thuê đất KCN leo thang. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này trong quý đầu năm vừa qua cũng tốt hơn. Với 260 KCN đang hoạt động và 75 KCN đang xây dựng, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN Việt Nam đạt bình quân trên 70%; giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước  khoảng 60.000 - 80.000 đồng/m2 và giá mua đất KCN đã có hạ tầng giao động trong khoảng 3 - 5 triệu đồng/m2.

 Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

S&P 500 tăng 2 tuần liên tiếp, chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Sáu (04/6), khi báo cáo việc làm quan trọng trong tháng 5 cho thấy đà tăng vững chắc, qua đó thúc đẩy niềm tin vào đà phục hồi của nền kinh tế. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0.9% lên 4,229.89 điểm, chỉ còn thấp hơn 0.2% so với mức cao mọi thời đại đã ghi nhận vào tháng trước. Chỉ số Dow Jones cộng 179.35 điểm lên 34,756.39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng gần 1.5% lên 13,814.49 điểm. Các chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng nhẹ trong tuần. Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 0.7% và 0.6%, đánh dấu 2 tuần tăng liên tiếp. Nasdaq Composite chỉ tiến 0.5% trong tuần này, tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 559,000 việc làm trong tháng 5, thấp hơn một chút so với dự báo 671,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones, nhưng vẫn cho thấy sự phục hồi vững mạnh trên thị trường lao động. Đó là sự cải thiện so với số liệu điều chỉnh 278,000 việc làm được tạo ra trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 6.1% xuống 5.8%, tốt hơn so với dự báo 5.9%. Nhiều người tin rằng báo cáo việc làm, mặc dù vững chắc, nhưng không đủ mạnh để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm chương trình mua lại trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ sau báo cáo việc làm. Lợi suất trái phiếu Mỹ đã nhảy vọt trong những tháng gần đây trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát leo cao. “Trong khi tăng trưởng việc làm có phần khiêm tốn so với kỳ vọng, tin tốt là con số này đã phục hồi từ sự suy giảm đáng thất vọng của tháng trước”, Charlie Ripley, Phó Chủ tịch quản lý danh mục tại Allianz Investment Management, nhận định. “Nhìn chung, báo cáo ngày hôm nay cung cấp tiến triển đang đi đúng hướng”. Các cổ phiếu meme tiếp tục biến động giá mạnh vào ngày thứ Sáu, nhưng lần này là lao dốc. Cổ phiếu AMC Entertainment khép phiên sụt 6.7%, nhưng vẫn vọt hơn 80% trong tuần này. Cổ phiếu BlackBerry rớt 12.7% vào ngày thứ Sáu, xóa bớt đà leo dốc trong tuần này xuống còn 37%.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 31/5-04/06/2021 tiếp tục lập kỷ lục. Tuần qua, tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục gây khó khăn cho nhà đầu tư nhưng giá trị giao dịch vẫn tiếp tục lập kỷ lục. Chỉ số VN-Index tăng điểm ổn định và tạo những đỉnh cao mới. Các chỉ số thị trường kết thúc tuần với tín hiệu tích cực. VN-Index tăng 4.06% đạt mức 1,374.05 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 6.22% dừng tại 329.76 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn duy trì mức cao trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 760 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 12% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 198 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 48.97%. VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần khá lạc quan khi tăng gần 8 điểm. Diễn biến tiếp tục tích cực sau đó với chuỗi tăng điểm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng gần 54 điểm, đạt mức điểm cao nhất trong lịch sử. Xét theo nhóm ngành trong tuần qua, nhóm chứng khoán tiếp tục dẫn dắt thị trường khi leo dốc chóng mặt, tăng 17.14%. Ngân hàng cũng duy trì tín hiệu tích cực tuần qua khi tăng 6.89%. Các cổ phiếu trong ngành đều nằm trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Tuần qua tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục gây khó khăn cho nhà đầu tư nhưng giá trị giao dịch vẫn tiếp tục lập kỷ lục. Chỉ số VN-Index tăng điểm ổn định và tạo những đỉnh cao mới. Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng gần 6,126 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 5,946 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 180 tỷ đồng trên sàn HNX. Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều tuần.

- Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 3/6. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,66 triệu đơn vị, trong khi tuần trước đó bán ròng 185.370 đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 63,11 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,3 lần so với tuần trước.Trong đó, khối này đã mua vào 5,96 triệu đơn vị, giá trị 273,84 tỷ đồng (tăng 71,66% về lượng và 48,26% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 4,3 triệu đơn vị, giá trị 210,73 tỷ đồng (tăng 17,62% về lượng và tăng hơn 27% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,374.05

943,329.047

31,308.23

802,789,692

26,793.02

HNX-Index

329.76

209,019.483

4,744.55

206,053,874

4,782.50

UpCom-Index

90.59

182,756.556

2,533.00

131,580,065

2,226.8

(Nguồn: P.PT - DB tổng hợp*) 

    *Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, SRTC không chịu trách nhiệm với bất kỳ ảnh hưởng nào có liên quan đến việc sử dụng các thông tin này