Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 5/7/2021 đến ngày 9/7/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Theo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu và xây dựng các giải pháp, hệ thống quản lý hóa đơn điện tử nhằm đáp ứng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ, hướng đến lộ trình “khai tử” hóa đơn giấy vào ngày 1/7/2022.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện nay trên cả nước có 255 doanh nghiệp thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và hơn 550.000 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Số lượng hóa đơn điện tử doanh nghiệp sử dụng trong 1 năm khoảng gần 1,3 tỷ hóa đơn. Cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sử dụng. Nhìn chung, số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hoá đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế các trường hợp gian lận hóa đơn. Đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí in ấn, đặc biệt là chi phí lưu trữ hóa đơn.

Doanh nghiệp không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không mất thời gian để lập tờ khai thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, mức độ bảo mật của hóa đơn điện tử còn tốt hơn so với hóa đơn giấy nên sẽ khó để làm giả hóa đơn hơn.

Trong giai đoạn 2017 - 2019, ngành thuế đã phát hiện 7.474 doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với gần 500.000 hóa đơn vi phạm, truy thu gần 200 tỷ đồng tiền thuế. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp giảm mạnh, nhưng mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, số tiền mà ngành thuế đã truy thu được từ việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp lên tới 6.599 tỷ đồng.

Việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử cũng góp phần giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số khi tiến hành số hóa tất cả các quy trình làm việc để thay thế phương thức làm việc thủ công trước đây. Mọi hoạt động của doanh nghiệp từ sản xuất, quảng bá, tiếp thị, bán hàng, thanh toán cho tới xuất hóa đơn sắp tới đây sẽ được số hóa, đồng bộ, nhằm tối ưu quy trình quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí.

Thị trường Tiền tệ

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 05/07 - 09/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng nhẹ. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.201 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.847 VND/USD. Tỷ giá LNH ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 09/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.005 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá USD đã giảm từ mức cao nhất trong 3 tháng trước bối cảnh thị trường lo ngại về sự lan rộng của các biến thể COVID-19. USD Index tăng đạt 92,268 trong phiên cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,05% lên 1,1847. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,05% lên 1,3792. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,07% lên 109,87

- Thị trường nội tệ

Trong khi các ngân hàng vẫn liên tục "khoe" lãi cao thì tình hình kinh doanh của của các doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Với áp lực tài chính cộng thêm tình hình dịch bệnh phức tạp, khó khăn kéo dài sẽ đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng phá sản. Họ đang rất cần được hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi suất để vượt qua giai đoạn này.

Trái với bức tranh của ngành ngân hàng, nhiều doanh nghiệp dự kiến lỗ, lợi nhuận tiếp tục suy giảm do dịch bệnh. Giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1% có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19, dịch bệnh kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng, đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương. Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, ngành Ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua. Như việc Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.

Lãi suất tiền gửi diễn biến trái chiều trước tình hình phức tạp dịch Covid-19. diễn biến lãi suất huy động tiền gửi cá nhân tại các ngân hàng diễn ra bất nhất dù các dự báo trước đó đều cho thấy sẽ vẫn diễn ra ổn định. Các ngân hàng có động thái tăng lãi suất tiền gửi, dù không nhiều, chỉ từ 0.1-0.2 điểm phần trăm, nhưng đa phần nằm ở nhóm nhà băng có lãi suất cao nhất. một số nhà băng vẫn tiếp tục cắt giảm nhẹ lãi suất tiền gửi cá nhân từ 0.1-0.2 điểm phần trăm.

Dù có sự điều chỉnh ở một số ngân hàng nhưng chênh lệch lãi suất không lớn, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân phổ biến ở mức 2.8-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 3.5-5.4%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 4.6-6.5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng. vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số cơ quan quản lý khác đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm cũng như đưa ra một số giải pháp kiến nghị để dẫn lãi suất về 0%. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng việc này là không khả thi và sẽ có thể gây ra tình trạng mất thanh khoản cho ngân hàng.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 08/7/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên ,94%/năm, 1 tuần lên 1,08%/năm, 2 tuần lên 1,19%/năm, 1 tháng 1,23/năm, 3 tháng lên 1,77%/năm, 6 tháng lên 1,97%/năm, 9 tháng lên 3,74%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới tăng khi đồng USD giảm và lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý, dẫn tới giá vàng trong nước cũng tăng theo. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,65 – 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 5/7 và cao nhất 56,90 – 57,60 triệu đồng/lượng ngày 9/7.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.100 đồng), giá vàng thế giới tương đương 50,06 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,51 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Trong tuần qua, các đơn vị nghiên cứu thị trường đã đưa ra các báo cáo, dữ liệu tổng hợp của quý II/2021, hầu hết nguồn cung mới ở các phân khúc đều giảm do nhiều dự án trì hoãn mở bán vì ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Thị trường văn phòng và thị trường bán lẻ Hà Nội đều chịu các tác động của đại dịch Covid-19 khi nhiều dự án văn phòng đẩy lùi kế hoạch mở cửa sang quý sau hay một vài trung tâm thương mại phải hoãn kế hoạch khai trương đến nửa cuối năm. Thị trường bán lẻ Hà Nội khá im ắng trong quý này do không có nguồn cung mới nào gia nhập thị trường. Tình hình dịch bệnh phức tạp cùng với chính sách giãn cách xã hội đã khiến một vài trung tâm thương mại phải hoãn kế hoạch khai trương đến nửa cuối năm. Do vậy, tính đến quý 2/2021, tổng nguồn cung của thị trường bán lẻ Hà Nội giữ ổn định với con số 962,000 m2 sàn cho thuê ở các trung tâm thương mại.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP HCM. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại nhiều khu đô thị như: Khu đô thị Sài Gòn Bình An (22 ha), Khu dân cư Tầm nhìn (hơn 6 ha), Khu dân cư Lacasa (gần 6 ha), Khu nhà ở Phước Long B (hơn 6,5 ha),...Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP HCM xử lý khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để về kinh tế, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm về trách nhiệm theo quy định của pháp luật liên quan đến các vi phạm trong việc quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP HCM kiểm tra, rà soát việc xác định giá đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định  khởi công công trình khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước tại từng dự án.

Cục Thuế Hà Nội vừa có văn bản gửi các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục mua, bán, đăng ký nhà và chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Theo đó, Cục thuế cho biết, bất động sản nhà, đất luôn là tài sản lớn, lâu dài với mỗi gia đình, cá nhân. Tài sản này ngoài là nơi để ở, còn có thể được sử dụng cho các giao dịch dân sự khác như chuyển nhượng, góp vốn, vay vốn ngân hàng, thừa kế hoặc chứng minh thu nhập để phục vụ nhu cầu du học, du lịch,...Cục thuế Hà Nội khuyến nghị các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi phát sinh các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản cần thực hiện các thủ tục cẩn thận, chính xác, đúng quy định, trung thực về việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cũng như khi kê khai các nghĩa vụ thuế phát sinh để bảo vệ chính quyền lợi của người mua và người bán bất động sản.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào ngày thứ Sáu (09/7), phục hồi từ đà sụt giảm trong phiên trước đó do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 448.23 điểm (tương đương 1.3%) lên mức đóng cửa cao kỷ lục 34,870.16 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1.1% lên mức cao mọi thời đại 4,369.55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1% lên 14,701.92 điểm, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục. Đà phục hồi trong ngày thứ Sáu đã đưa cả 3 chỉ số chứng khoán chính chuyển sang sắc xanh trong tuần. Dow Jones tiến 0.2% trong tuần qua. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0.4% và 0.4% kể từ ngày 05/7. Những cổ phiếu dẫn đầu đà giảm điểm trong ngày 08/7, bao gồm nhóm cổ phiếu ngân hàng và hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế, đã khởi sắc vào ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Bank of America vọt 3.3%, dẫn đầu đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành tài chính. Cổ phiếu Royal Caribbean cộng 3.6% và cổ phiếu Wynn Resorts tiến 2%. Cổ phiếu American Airlines và United Airlines đều tăng hơn 2%. Cổ phiếu General Motors vọt 4.8% sau khi Wedbush cho biết cổ phiếu này được khuyến nghị mua và có thể bứt phá hơn 50% khi nhà đầu tư nhận ra mức độ phát triển của công nghệ và xe điện.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đã bị kìm hãm vào ngày thứ Sáu, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh mới nhắm vào các hoạt động cạnh tranh của những ông lớn ngành này. Cổ phiếu mất 0.3% sau khi chạm mức cao mọi thời đại mới vào ngày 08/7. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng 7 điểm cơ bản lên 1.36%, xoa dịu lo ngại về sự chững lại trong tăng trưởng kinh tế (1 điểm cơ bản tương đương 0.01%). Lãi suất giảm gần đây đã khiến nhà đầu tư hoang mang, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1.25%, ở mức thấp nhất vào ngày 08/7.

Chứng khoán Mỹ đã chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Năm (08/7), với Dow Jones sụt gần 260 điểm, khi sự bùng phát biến thể Covid-19 Delta có khả năng lây nhiễm cao cũng làm tăng lo ngại về đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Thế vận hội Olympic đã thông báo cấm khán giả đến xem các trận đấu mùa hè ở Tokyo, khi Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm hạn chế sự lây lan Covid-19. Ngoài ra, báo cáo thất nghiệp mới nhất công bố vào ngày 08/7 cũng cho thấy khả năng suy giảm trong thị trường lao động.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 05-09/07/2021đà giảm sẽ còn tiếp tục, VN-Index có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 01/2021 với khối lượng giao dịch cải thiện trên cả hai sàn nhờ hệ thống giao dịch mới chính thức được đưa vào hoạt động. Khối ngoại quay lại mua ròng gần 2,400 tỷ đồng. Các chỉ số có tuần giao dịch rất tiêu cực khi tất cả các chỉ số thị trường đều giảm mạnh. Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 2% xuống còn 1,347.17 điểm; HNX-Index giảm 2.93% xuống còn 306.73 điểm. Với việc hệ thống mới chính thức đi vào hoạt động, thanh khoản trung bình trên cả hai sàn có sự cải thiện đáng kể so với tuần giao dịch trước đó. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 647 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 7.34%. Sàn HNX đạt trung bình gần 132 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5.41%.

Trong tuần qua, thông tin về việc TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trong 15 ngày, bắt đầu từ ngày 09/07/2021, đã có tác động rất tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm ở những phiên cuối tuần cũng góp phần vào đà giảm mạnh của VN-Index. Chỉ số VN-Index trong tuần qua giảm tổng cộng 73.13 điểm, với mức giảm cả tuần là 5.15%. Đây là mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 01/2021. Cả tuần có tới 4/5 phiên giảm, trong đó đáng chú ý nhất là phiên thứ 3 và thứ 6, khi chỉ số VN-Index mất lần lượt 56.34 điểm và 27.54 điểm. Dù có những đóng góp tích cực với lần lượt 2.7 và 1.1 điểm tăng cho VN-Index, nhưng đà tăng này là không đủ để ngăn cản đà giảm mạnh mẽ của thị trường. Ngành vật liệu xây dựng thuộc nhóm giảm mạnh nhất thị trường, với mức giảm cả tuần ở mức 9.4%. Đến đầu tháng 07/2021, mỗi tấn thép trong nước đã giảm gần 2 triệu đồng so với cao điểm tăng giá phi mã giữa đầu tháng 05/2021. Theo dự báo của giới chuyên gia, giá thép xây dựng trong quý 03/2021 sẽ giảm do nhu cầu trong nước yếu vì vào mùa mưa, là mùa thấp điểm xây dựng.

Đầu tuần, nhóm cổ phiếu chứng khoán được giới đầu tư kỳ vọng sẽ có tuần giao dịch tích cực. Tuy nhiên, nhiều thông tin bất lợi tác động lên thị trường trong tuần qua khiến nhóm cổ phiếu này cũng không thoát khỏi cảnh giảm mạnh. Nhờ đà tăng mạnh của các cổ phiếu này, ngành bán lẻ kết phiên tuần tăng tổng cộng trên 9%. Nhà đầu tư nước ngoài: mua ròng hơn 2,352 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 2,441 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 89 tỷ đồng trên sàn HNX.

- Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 673.230 đơn vị, giảm 64,85% so với tuần trước. Tổng giá trị là mua ròng 2,44 tỷ đồng, giảm 91,96% so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 1,9 triệu đơn vị, giá trị 118,75 tỷ đồng (cùng giảm hơn 17% cả về lượng và giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 2,57 triệu đơn vị, giá trị 116,31 tỷ đồng (giảm 38,98% về lượng nhưng tăng 2,74% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,347.14

760,341.110

25,709.97

743,662,631

25,842.74

HNX-Index

306.73

126,047.251

2,819.15

149,191,342

3,477.41

UpCom-Index

87.08

118,615.581

1,536.00

87,305,520

1,502.8

 

Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC