Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 9/8/2021 đến ngày 13/8/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính) cho biết, ngay sau khi có ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết theo Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 5/8 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đến 13/8, Chính phủ đã chính thức có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết để cho ý kiến và đề nghị thông qua Nghị quyết theo quy trình một phiên họp. Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chính sách.

Trước tiên là chính sách tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.

Ngoài ra, có 3 nhóm chính sách chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam gồm:

- Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế;

- Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình, thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...;

- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019 và 2020.

Theo dự tính, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

"Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138.000 tỷ đồng", đại diện Vụ Chính sách thuế nêu con số tính toán.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 09/08 - 13/08, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 2 phiên đầu tuần và giảm mạnh 3 phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.145 VND/USD, giảm mạnh 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết trong 2 phiên đầu tuần ở mức 22.975 đồng, sau đó NHNN niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.789 VND/USD. Mặc dù tăng khá mạnh phiên cuối tuần, tỷ giá liên ngân hàng vẫn giảm mạnh trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 13/08, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.840 VND/USD, giảm 86 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá USD có xu hướng suy yếu vào cuối tuần trước áp lực lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh, nhưng kỳ vọng vào đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng trong bối cảnh Fed đang hướng đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, trên thị trường đang xuất hiện những lo lắng mới về mối đe dọa gia tăng từ dịch COVID-19 đến sự phục hồi kinh tế. USD Index giảm 0,56% xuống 92,517 tại phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,59% lên 1,1796. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,45% lên 1,3866.

- Thị trường nội tệ

Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng.  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 12/2021 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước. Theo quy định, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu DN và/hoặc giấy tờ có giá khác ghi trong giấy phép do NHNN cấp. Bên mua, bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Giấy tờ có giá được mua, bán thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi. Bên bán có cam kết giấy tờ có giá không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang được chiết khấu, tái chiết khấu.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD, Luật Chứng khoán, Nghị định của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản khác hướng dẫn Luật Chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan. Đặc biệt, Thông tư 12 cũng quy định rõ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại là khoảng thời gian được xác định từ ngày thanh toán tiền mua đến ngày đến hạn thanh toán gốc và lãi của giấy tờ có giá đó. Đối với giấy tờ có giá của công ty tài chính hoặc công ty cho thuê tài chính, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua bán với tổ chức (bao gồm cả TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Mọi giao dịch mua, bán giấy tờ có giá phải được thể hiện bằng hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Thỏa thuận về mua, bán giấy tờ có giá phải bao gồm tối thiểu các nội dung: 1- Thông tin về bên mua, bên bán; 2- Tên gọi giấy tờ có giá; TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; thời hạn giấy tờ có giá; ngày đến hạn thanh toán hết gốc, lãi của giấy tờ có giá; giá trị theo mệnh giá giấy tờ có giá; 3- Ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá; 4- Số tiền thanh toán tiền mua giấy tờ có giá; 5- Quyền và nghĩa vụ của bên bán, bên mua.

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất theo sự đồng thuận đã được công bố của các ngân hàng thương mại, theo dõi việc cam kết đó thực hiện kết quả được bao nhiêu, thực hiện như thế nào, có thực sự, thực chất không, giám sát thông qua nhiều hình thức và trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên báo cáo kết quả việc giảm lãi suất. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự khó khăn cấp bách của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 12/08/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,79%/năm, 1 tuần lên 0,95%/năm, 2 tuần lên 1,26%/năm, 1 tháng 1,33%/năm, 3 tháng lên 1,76%/năm, 6 tháng lên 2,97%/năm, 9 tháng lên 3,14%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn.

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới và trong nước cùng diễn biến với xu hướng chính là tăng giá. Giá vàng tăng khi giới đầu tư đã bớt lo ngại hơn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm chương trình mua tài sản, sau khi một khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng ở Mỹ đã giảm vào đầu tháng 8. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,20 – 56,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 11/8 và cao nhất 56,40 – 57,10 triệu đồng/lượng ngày 12/8.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.930 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8,56 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn liên tiếp đón nguồn cung mới tại nhiều tỉnh thành có lợi thế về du lịch trong nửa đầu năm 2021. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm cho biết chỉ trừ rất ít dự án có tỉ lệ hấp thụ 30-40%, còn lại đa phần các dự án nghỉ dưỡng có giao dịch rất thấp. Đây là tỉ lệ giao dịch thấp nhất trong những năm qua. Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho biết quý 2/2021 nhấn mạnh giá cho thuê bình quân phòng khách sạn ghi nhận mức giảm 20-25% so với Quý trước. Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh gây nên, trong nửa đầu năm, hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng từ vùng biển đến miền núi trên cả nước vẫn được giới thiệu hoặc tung hàng mạnh mẽ. Đơn cử như The Holiday Ha Long, Sun Marina, Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (Quảng Ninh); Selavia Phú Quốc, Sun Grand City Hillside Residence Phú Quốc, Long Beach Resort Phú Quốc (Kiên Giang); I-Tower Quy Nhơn, Takashi Ocean Suite Kỳ Co, Casa Marina Premium Quy Nhơn, Grand Center Quy Nhon (Bình Định), Vega City (Nha Trang, Khánh Hòa), Thanh Long Bay (Bình Thuận), Ivory Villas & Resort Hòa Bình, Legacy Hill Hòa Bình, Sakana Spa & Resort Hòa Bình, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi (Hòa Bình), Nhật Lệ Riverside, Dolce Penisola (Quảng Bình); Sapa Garden Hills (Lào Cai).

Tình hình dịch bệnh tái bùng phát vào giữa tháng cũng như việc áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh giáp ranh khiến lượng sản phẩm chào bán và nhu cầu tìm mua bất động sản giảm mạnh. Nhiều chủ đầu tư phải tạm hoãn kế hoạch bán hàng, truyền thông giới thiệu sản phẩm ra thị trường còn khách hàng và giới đầu tư án binh bất động do không thể thực tế thị trường để giao dịch. Nguồn hàng chào bán giảm mạnh kéo theo nhu cầu mua cũng đi xuống khá nhanh. 

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đạt mức cao nhất mọi thời đại mới vào ngày thứ Sáu (13/8), khi cả 2 chỉ số này đều ghi nhận mức tăng nhẹ trong tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones cộng 15.53 điểm lên mức cao kỷ lục 35,515.38 điểm, còn chỉ số S&P 500 tiến 0.16% lên 4,468.00 điểm, mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Chỉ số Nasdaq Composite chỉ nhích 0.04% lên 14,822.90 điểm. Cổ phiếu Disney tăng 1% sau khi báo cáo thu nhập tài chính quý 3 bùng nổ, qua đó giúp đưa Dow Jones lập kỷ lục mới. Gã khổng lồ truyền thông đã vượt qua kỳ vọng của Phố Wall về tăng trưởng người đăng ký kênh Disney+ cũng như doanh thu và lợi nhuận chung. Trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, hàng tiêu dùng thiết yếu và tiện ích có thành quả vượt trội khi cổ phiếu Tyson Foods cộng 2.3% và cổ phiếu NRG Energy tiến 1.3%. Lĩnh vực năng lượng và công nghiệp lại có thành quả kém với cổ phiếu Diamondback sụt 4.7% và cổ phiếu United Rentals mất 2.2%. Cổ phiếu Ebay vọt 7.4%. Dow Jones và S&P 500 đã khép lại tuần qua với mức tăng nhẹ, lần lượt tăng 0.8% và 0.7%, trong bối cảnh khối lượng giao dịch mùa hè thấp. Trong khi, Nasdaq Composite hạ gần 0.1%. Nhà đầu tư đã tiếp nhận nhiều dữ liệu kinh tế trái chiều trong tuần qua. Theo đó, chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan trong tháng 8 chỉ ở mức 70.2, yếu nhất kể từ tháng 12/2011. Chiến lược gia Ian Lyngen của BMO Capital Markets cho biết con số này thấp không chỉ phản ánh giá cả đang leo cao, mà còn ở số ca nhiễm biến thể Covid-19 Delta gia tăng. 

Vào ngày 12/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 375,000 người trong tuần trước, trùng khớp với dự báo và giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất PPI, không bao gồm các thành tố năng lượng, dịch vụ thương mại và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 0.9% trong tháng trước, cao hơn so với dự báo tăng 0.5%. Chứng khoán Mỹ đã liên tục leo lên mức cao kỷ lục sau một mùa báo cáo lợi nhuận xuất sắc. Theo Refinitiv, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 92.9% so cùng kỳ năm trước. Cho đến nay, có khoảng 90% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 2, và khoảng 88% số công ty này có lợi nhuận cao hơn dự báo từ các nhà phân tích Phố Wall.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 09-13/08/2021 chật vật nhưng vẫn có tuần tăng điểm. Trong phiên cuối tuần, VN-Index có lúc giảm sâu hơn 15 điểm nhưng đã có pha lội ngược dòng đầy ấn tượng về cuối phiên. Qua đó giúp VN-Index tăng nhẹ 4 điểm để kết thúc tuần ở mức 1,358.05 điểm. Khối lượng giao dịch trung bình tuần qua cải thiện mạnh mẽ trên cả hai sàn cho thấy đây là tuần giao dịch hết sức sôi động của VN-Index. Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 0.3% lên mức 1,357.05 điểm; HNX-Index tăng tốt hơn ở mức 0.79%, đạt mức 336.96 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 1.16% và HNX-Index tăng khá mạnh 3.53%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 704 triệu cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 13.42%. Sàn HNX còn ấn tượng hơn nữa khi đạt trung bình gần 150 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 23.79%.

VN-Index hứng khởi khi khởi đầu với phiên giao dịch tăng tích cực 1.37% với sắc xanh lan tỏa khắp thị trường. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong cả tuần, VN-Index ở các phiên giao dịch còn lại giao dịch khá thận trọng với phiên tăng giảm nhẹ đan xen nhau. Diễn biến này của thị trường có thể do tác động từ việc các tổ chức uy tín như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chartered... hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam. Khối ngoại trong tuần qua có tới 4/5 phiên bán ròng trên cả hai sàn HOSE. Ở phiên cuối tuần, VN-Index giao dịch khá khó lường khi có thời điểm giảm mạnh hơn 15 điểm tuy nhiên sau đó chỉ số đã bật tăng mạnh mẽ để kết phiên ở mức 4 điểm tăng, qua đó giúp giữ được đà tăng cả tuần cho thị trường.

Trong tuần qua, có 4 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất, khi đóng góp tổng cộng hơn 10 điểm tăng cho VN-Index. Nhóm chế biến thủy sản có tuần tăng điểm mạnh mẽ ở mức 6.98% khi hàng loạt cổ phiếu thủy sản trong ngành đồng loạt bật tăng. Dù nhiều thông tin có phần thiếu lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp thủy sản trong nửa còn lại năm 2021. Nhóm bất động sản cũng là một trong những nhóm đáng chú ý dù chỉ tăng nhẹ 0.8%. Trong nhóm này tuần qua chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa mã tăng và giảm giá. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản lớn khác như BCM, NVL lại quay đầu giảm nhẹ quanh mức 2%. Đáng chú ý, cổ phiếu DIG tăng mạnh 17.04% với nhiều phiên bứt phá mạnh mẽ trong tuần qua. Trong phiên giao dịch ngày 13/08/2021, giá cổ phiếu DIG đã vượt lên trên mức giá cao nhất lịch sử (tính theo dữ liệu điều chỉnh). Khối lượng giao dịch cũng ở mức rất cao và liên tục nằm trên mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy dòng tiền thị trường đang bơm mạnh vào DIG. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 2,231 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 2,153 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 78 tỷ đồng trên sàn HNX.

  • Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4 phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 9/8. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 2,1 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 86,32 tỷ đồng, tăng 143,43% về lượng và 118,8% về giá trị so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 3,69 triệu đơn vị, giá trị 172,79 tỷ đồng (tăng 8,76% về lượng và 3% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 1,58 triệu đơn vị, giá trị 86,47 tỷ đồng (giảm 37,34% về lượng và 32,55% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,357.05

744,146.512

24,628. 63

739,490.413

23,859.19

HNX-Index

333.96

158,259.492

3,802.44

159,182,520

3,804.90

UpCom-Index

92,17

158.031.957

2.311,00

106,726,545

1918,6

                                                                                                                          Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC