Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 7/6/2021 đến ngày 11/6/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng có biến động lớn, nhiều chủng loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến. Chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7,6% so với tháng trước đó, tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50 - 60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15 - 25%... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng. Đối với nhà thầu thi công các hợp đồng đã ký theo “đơn giá cố định” hoặc “trọn gói” không được điều chỉnh vốn, giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu. Ví dụ như, tại dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp. Hoặc tại dự án Cầu Rào 1 tại Hải Phòng, đơn giá thép tròn khi dự thầu theo giá công bố quý 3/2020 là 10.900 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), nhưng hiện nay giá bán đã tăng gần 55% lên 16.845 đồng/kg. Trong khi đó, đơn giá mà liên danh nhà thầu đang áp dụng vào công trình này là 12.084 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), chênh lệch gần 5.000đồng/kg so với giá bán. Với tổng khối lượng sắt thép sử dụng cho công trình này lên khoảng 6.200 tấn, chênh lệch giữa giá thép áp dụng cho gói thầu và giá thị trường hiện tại đã lên gần 30 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% - 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng từ 40-45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%. Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng. Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và phải tự giải quyết khoản thâm hụt này.
“Nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động... thì đầu tư công là động lực rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tăng vốn đầu tư công có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2021-2025.
“Tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này còn phản ánh tính lan toả của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019 vì khi đó giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, thấp hơn 0,19 đồng so với năm 2021”, ông Lâm phân tích. Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan toả của vốn đầu tư công đối với nền kinh tế, bản thân đầu tư công  đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.
“Với tầm quan trọng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, nếu giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao, có loại tăng đột biến, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây ngừng trệ sản xuất và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra”, ông Nguyễn Bích Lâm lo ngại.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, hiện không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng đã làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. “Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng thậm chí hàng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp”, TS. Cung nói.
Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và TP.HCM... gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.
“Chính phủ cần chỉ đạo thật nhanh để giải quyết tình trạng này; thậm chí có thể cần tới cả quyết định phi truyền thống hướng dẫn về thủ tục, thẩm định dự án... để điều chỉnh đồng loạt những quy định liên quan tới tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư”, TS. Cung kiến nghị. Về dài hạn, theo ông Cung, phải tiến tới sửa Luật Đầu tư công cũng như những quy định liên quan tới chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó tránh “bó cứng” tổng mức đầu tư của dự án. “Nếu được, bỏ luôn quy định liên quan tới điều chỉnh chủ trương đầu tư vì trong năm 2021 và vài năm tới, động lực tăng trưởng vẫn đến từ đầu tư công. Có như vậy, chủ đầu tư và nhà thầu mới yên tâm khi tham gia dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước”, TS. Cung nêu ý kiến./.
Thị trường Tiền tệ    
- Thị trường ngoại tệ
Trong tuần từ 07/06 - 11/06, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm qua hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần 11/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.101 VND/USD, giảm mạnh 37 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD vào phiên đầu tuần, sau đó được giảm 150 đồng xuống mức 22.975 đồng các phiên còn lại. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.744 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua giảm mạnh phiên đầu tuần, các phiên sau biến động tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 11/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.945 VND/USD, giảm mạnh 101 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm qua các phiên. Chốt tuần 11/06, tỷ giá tự do giảm 140 đồng ở chiều mua vào và 120 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.030 – 23.080 VND/USD.
Tỷ giá USD tăng trong bối cảnh Fed giữ vững quan điểm rằng tình trạng lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời. USD Index, tăng 0,47% lên 90,505 trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,49% xuống 1,2109. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,47% xuống 1,4106. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,34% lên 109,68. Trong khi đó, các dữ liệu chỉ ra sự biến động của đồng euro trong 6 tháng đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2020, gần như trở lại mức trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu.
- Thị trường nội tệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp, căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác, đồng thời công bố rõ ràng mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ. Có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành và có diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề lên các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp đối mặt thêm nhiều khó khăn, người lao động bị giảm sút thu nhập, nhà điều hành đang “sốt ruột” hơn bao giờ hết khi e ngại đà phục hồi đạt được trong thời gian qua có thể kéo lui trở lại. Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế luôn được đặt ra, đặc biệt càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh kinh tế suy giảm suốt hơn một năm qua vì ảnh hưởng của dịch bệnh. NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm kéo lãi suất cho vay xuống, có đến 3 lần giảm trần lãi suất tiền gửi, giảm các loại lãi suất điều hành, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống,…nhưng mặt bằng lãi suất cho vay có lẽ vẫn chưa giảm được về mức như kỳ vọng. Do đó, mà nhà điều hành mới đây lại phải lên tiếng yêu cầu. Thực tế dù không ít đối tượng cũng bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, nhưng để chứng minh những tổn thất nhằm đủ điều kiện được miễn, giảm lãi hay tái cơ cấu nợ không phải là điều dễ dàng. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay đối với cả những khách hàng hiện hữu đang vay vốn, không chỉ dừng lại ở các chương trình cho vay mới ưu đãi lãi suất hay các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vẫn là một chính sách cần thiết.
Với tăng trưởng lợi nhuận cao, cũng như nguồn lợi nhuận chưa phân phối tích lũy trong nhiều năm qua, các TCTD có đủ nội lực tài chính và cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay nếu muốn, cũng như để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Vì cứu khách hàng cũng chính là cách ngân hàng tự cứu mình trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế hiện nay. Ngoài ra, nếu như trước đây nợ xấu quá khứ để lại là một vấn đề lớn khiến các TCTD khó lòng giảm lãi suất, vì buộc phải treo lãi suất cho vay cao để bù đắp thiệt hại từ các khoản nợ xấu này, thì với thị trường bất động sản thời gian qua tăng trưởng mạnh mẽ, cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào, có thể giúp các nhà băng xử lý các khoản nợ xấu trước đây liên quan đến tài sản bảo đảm là bất động sản nhanh hơn, tạo cơ hội gỡ bớt cục máu đông nợ xấu và từ đó có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
NHNN mới đây cũng đã cho phép các TCTD không chỉ được tiếp tục tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà còn được giãn lộ trình trích lập dự phòng đối với nợ tái cơ cấu trong vòng 3 năm, qua thông tư 03/2021/TT-NHNN thay thế thông tư 01/2020/TT-NHNN. Điều này sẽ giúp các ngân hàng không đối mặt với áp lực trích lập chi phí dự phòng quá cao mà có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận trong năm nay.
Chi phí vốn đầu vào của các TCTD hiện nay cũng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, sau khi liên tục giảm lãi suất huy động vốn trong hơn một năm qua, cả ở kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Thống kê cho thấy mặt bằng lãi suất huy động bình quân ngắn hạn hiện nay tiếp tục giảm 0.15% so với đầu năm, dài hạn giảm 0.2%, còn nếu so với cùng kỳ năm trước giảm tương ứng là 0.9% đến 1.1%. Điều này cho thấy sau khi lãi suất ngắn hạn giảm nhanh theo trần lãi suất tiền gửi của NHNN, thì đến lượt lãi suất các kỳ hạn dài thời gian gần đây có xu hướng giảm mạnh hơn. Đáng lưu ý là đại dịch cũng khiến khách hàng thời gian qua thay đổi hình thức giao dịch theo hướng tăng nhu cầu giao dịch và thanh toán trực tuyến, do đó, cũng làm tăng lượng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn (CASA) tại các TCTD. Những năm qua các ngân hàng cũng bước vào cuộc đua tăng tiền gửi CASA do đây là các khoản tiền gửi có lãi suất rất thấp chỉ từ 0.1 – 0.2%, thậm chí có ngân hàng không trả lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn. Do đó, lượng tiền gửi CASA tăng mạnh cũng đã giúp làm giảm chi phí vốn tại nhiều nhà băng. Với tình trạng thanh khoản hệ thống vẫn đang dồi dào, nhiều ngân hàng  trong tình trạng thừa vốn liên tục, do đã tăng được vốn điều lệ khá lớn cũng như phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong những năm gần đây, việc giảm lãi suất cho vay có thể kích thích đẩy vốn ra nhanh hơn, nhất là khi hoạt động cho vay của các TCTD cũng đang bị cạnh tranh từ nhiều phía.
Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 10/6/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 1,01%/năm, 1 tuần lên 1,18%/năm, 2 tuần lên 1,54%/năm, 1 tháng 1,53/năm, 3 tháng lên 1,54%/năm, 6 tháng lên 3,04%/năm, 9 tháng lên 3,13%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn khi nhảy vọt lên cao.
Thị trường Vàng
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới biến động trái chiều với biên độ hẹp vì giới đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,55 – 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 10/6 và cao nhất 56,95 – 57,55 triệu đồng/lượng ngày 11/6.
Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.050 đồng), giá vàng thế giới tương đương 52,12 triệu đồng/lượng, thấp hơn 5,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung một số quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đối với đối tượng doanh nghiệp này.
Thị trường Bất động sản
Trong báo cáo mới đây, DKRA Việt Nam cho biết thị trường bất động sản căn hộ tại TP HCM trong tháng đã ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung lẫn số lượng dự án mới. Cụ thể, toàn thị trường có hai dự án mở bán (một dự án mới và một dự án ở giai đoạn chuyển tiếp), cung ứng khoảng 374 căn, bằng 14% so với tháng trước. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 31% với khoảng 115 giao dịch, bằng 5% so với tháng trước (2.115 căn). Căn hộ hạng A vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường, chiếm 68% tỷ trọng nguồn cung mới. Căn hộ hạng sang 38% nguồn cung mới mở bán. Trong khi đó, thị trường tháng 5 tiếp tục vắng bóng của căn hộ hạng B và hạng C. Đáng chú ý, trong tháng 5, thị trường căn hộ đã xác lập mặt bằng giá mới dao động 300 - 400 triệu đồng/m2 với việc một dự án tại quận 1 được giới thiệu ra thị trường. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM đã làm cho thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, gây sức ép lên tâm lý khách hàng.
Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy, mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp (KCN) ghi nhận đang tăng cao và là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh thị trường hiện nay. Nguồn cung tại một số phân khúc nhà ở thương mại, văn phòng, bán lẻ,… đang ngày càng hạn chế, bất động sản (BĐS) công nghiệp lại đang được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra đòn bẩy khiến chi phí thuê đất KCN leo thang. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng bất động sản khu công nghiệp tăng cao, kéo theo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành này trong quý đầu năm vừa qua cũng tốt hơn. Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang,... 
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 889 về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cùng với các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới liên quan đến 16 Luật, 12 Nghị định,...Trong đó, đối với Luật đất đai 2013, Thủ tướng giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì soạn thảo một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Thời gian trình Chính phủ báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là tháng 11/2021. Thời gian Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2022 (đã đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng). Đối với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng bổ sung quy định trình tự, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán các bất động sản không phải là nhà ở hình thành trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thời gian trình Chính phủ hồ sơ đề nghị là quý IV/2022. Đối với Luật nhà ở năm 2014, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng sửa đổi quy định của Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng có cơ chế pháp lý phù hợp để đưa nhà ở có sẵn vào giao dịch. Thời gian trình Chính phủ hồ sơ đề nghị là quý IV/2022.
Thị trường Chứng khoán
- Thị trường chứng khoán thế giới 
S&P 500 tăng 3 tuần liền, tiếp tục lập kỷ lục mới, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (11/6), với chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới, khi Phố Wall khép lại tuần qua ghi nhận mức tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0.2% lên mức kỷ lục mới 4,247.44 điểm, đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.4% lên 14,069.42 điểm với cổ phiếu Apple, Microsoft và Netflix đều ghi nhận mức tăng. Chỉ số Dow Jones nhích 13.36 điểm lên 34,479.60 điểm. Tuần qua, S&P 500 tăng 0.4% và đánh dấu tuần leo dốc thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, Nasdaq Composite có kết quả vượt trội khi vọt gần 1.9% và ghi nhận 4 tuần leo dốc liên tiếp. Trong khi, Dow Jones giảm 0.8% trong tuần qua. Thị trường tăng điểm vào ngày 10/6 khi nhà đầu tư bỏ qua báo cáo cho thấy lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008. Chỉ số giá tiêu dung CPI tại Mỹ tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một chút so với dự kiến. Craig Johnson, Chiến lược gia thị trường kỹ thuật tại Piper Sandler, nhận định: “Mặc dù báo cáo CPI tháng 5 cao hơn so với dự báo, thị trường không quá ngạc nhiên và tiếp nhận dữ liệu hiện chỉ là tạm thời”. Có lẽ việc thúc đẩy cổ phiếu là phản ứng trên thị trường trái phiếu đối với báo cáo lạm phát nóng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 1.43%, đánh dấu mức thấp nhất trong 3 tháng. Lợi suất trái phiếu Mỹ đã dao động trên mức 1.77% hồi đầu năm. Các công ty công nghệ có xu hướng hoạt động kém trong môi trường lãi suất cao vì lãi suất cao hơn làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền kỳ vọng đối với các công ty định hướng tăng trưởng. Nasdaq Composite đã giảm tương đối trong năm 2021 trong số các chỉ số chính khi lợi suất trái phiếu tăng.
Một số cổ phiếu meme đã phục hồi sau một phiên khó khăn vào ngày 10/6. Cổ phiếu AMC vọt hơn 15% và cổ phiếu GameStop tăng gần 6%. Cả 2 cổ phiếu đã giảm tới 2 chữ số phần trăm vào ngày 10/6 khi động lực của các nhà đầu tư Reddit giảm dần. “Sự thăng trầm của cổ phiếu meme nói chung có rất ít tác động đến xu hướng chung của thị trường chứng khoán”, Peter Berezin, Giám đốc chiến lược toàn cầu của BCA Research, cho biết. “Tuy nhiên, sự quan tâm ngày càng tăng đối với cổ phiếu meme là điều tích cực đối với chứng khoán trong trung hạn… Điều này là do hiện tượng cổ phiếu meme đang thu hút vốn vào thị trường chứng khoán, thúc đẩy giá và thanh khoản trong quá trình này”.
- Thị trường chứng khoán trong nước   
Phiên giao dịch tuần 07-11/06/2021, VN-Index có tuần giao dịch điều chỉnh sau đà leo dốc của mình. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dần xuất hiện. Tuy nhiên, khối lượng tiếp tục duy trì ở mức cao so với trung bình 20 phiên gần nhất. Các chỉ số thị trường kết thúc tuần với tín hiệu tiêu cực. VN-Index giảm 1.62%, xuống còn 1,351.74 điểm, HNX-Index đóng cửa tuần giảm 3.96% dừng tại 316.69 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn trái ngược nhau trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 772 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 1.65% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 178 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 10.27% so với tuần giao dịch trước. VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong tâm lý bi quan của nhà đầu tư khi mất hơn 15 điểm. Chỉ số tụt dốc mạnh gần 39 điểm ngay phiên sau đó. Cuối tuần VN-Index có sự hồi phục trở lại và kết thúc tuần giao dịch với mức giảm chỉ còn 22.31 điểm. Trong top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index tuần qua, BID là nhân tố chính khi góp gần 4 điểm cho đà giảm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index Nhóm bất động sản có một tuần giao dịch khá sôi động, ba mã lớn trong ngành đều nằm trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng nhất đến VN-Index.
Nhóm sản xuất thủy sản khép lại tuần giao dịch với sắc xanh tích cực. Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5/2021, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD. Theo đó, kết quả xuất khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3.27 tỷ USD. Việc triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ, đã mang lại động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này hồi phục “thần tốc”, không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí. Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và do chính quy định kiểm soát Covid-19 của nước này. Điều này giúp triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành chế biến thủy sản trở nên rất tích cực. VN-Index có tuần giao dịch điều chỉnh. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dần xuất hiện. Khối lượng tiếp tục duy trì ở mức cao so với trung bình 20 phiên trước đó. Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng hơn 962 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 851 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 121 tỷ đồng trên sàn HNX.
- Thị trường Upcom
Trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 982.470 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 188,57 tỷ đồng, giảm 40,77% về lượng nhưng tăng gần gấp 2 lần về giá trị so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 6,12 triệu đơn vị, giá trị 341,4 tỷ đồng (tăng 2,68% về lượng và 24,67% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 5,14 triệu đơn vị, giá trị 152,83 tỷ đồng (tăng 19,43% về lượng nhưng giảm 27,48% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,351.74

731,261.767

23,765.79

815,524,418

26,839.98

HNX-Index

316.69

166,292.956

3,716.82

186,495,323

4,444.85

UpCom-Index

88.93

134,556.227

1,990.00

112,119,321

2,025.4