Trang chủ >

Thư viện

UB.2019.01 - Đề tài “Cơ chế quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao trong lĩnh vực chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam”

Mã số đề tài: UB.2019.01

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly – Vụ Phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Tính cấp thiết của đề tài

Cùng với sự phát triển của công nghệ máy tính vào cuối thế kỉ XX, quá trình giao dịch trên thị trường tài chính đã thay đổi đáng kể với tỷ lệ điện tử hóa, tự động hóa ngày càng cao. Trong đó, giao dịch tần suất cao (HFT - High Frequency Trading) là một trong những loại giao dịch tự động đã tăng trưởng rất nhanh và phát triển như một xu hướng mới của nền tài chính hiện đại. 

HFT được áp dụng sớm nhất vào năm 1998 sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ (SEC- The United America Securities and Exchange) cho phép áp dụng giao dịch điện tử. Theo số liệu thống kê của SGDCK New York (NYSE- New York Securities Exchange), HFT đã có mức tăng trưởng 164% trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2009; đạt đỉnh vào năm 2009 với tỷ trọng khối lượng giao dịch đạt 60% trong tổng khối lượng giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ. Từ những năm 2002-2006, HFT phát triển lan rộng sang các quốc gia châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 40% tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu tại châu Âu và từ 5-10% tại khu vực châu Á (theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Anh- the Bank of England năm 2010).        

Quá trình phát triển của giao dịch HFT cho thấy, HFT đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng và thị trường như: tỷ lệ sinh lời cao, gia tăng tính thanh khoản, giảm sự biến động về giá và khối lượng (market volatility)... Tuy nhiên, sự kiện gây chấn động TTCK thế giới diễn ra vào năm 2010 tại Hoa Kỳ khiến chỉ số Dow Jones ngày 6/5/2010 mất 998,5 điểm tương đương với mức giảm 9,2% trong khoảng thời gian ngắn được xác định một phần do ảnh hưởng của giao dịch HFT đã “cảnh tỉnh” cơ quan quản lý Hoa Kỳ cũng như các cơ quan quản lý và tổ chức tài chính lớn trên thế giới về loại giao dịch này. Sau sự kiện này, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của HFT đã đến thời điểm cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh những lợi ích, HFT đã và đang tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng, tốc độ và khối lượng lớn các giao dịch HFT gây áp lực lên hệ thống giao dịch và thanh toán, đặc biệt áp lực cho cơ quan quản lý trong hoạt động quản lý, giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, đảm bảo an toàn, minh bạch và công bằng của TTCK.

Ngay sau sự kiện 2010 tại Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh các nước G20 tại Seoul Hàn Quốc đã kêu gọi các nhà quản lý cấp quốc gia và khu vực “cần giảm thiểu rủi ro gây ra cho hệ thống tài chính bởi sự phát triển của hệ thống công nghệ tiên tiến nhất” và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO - International Organization of Securities Commissions) cũng đã công bố Báo cáo các khuyến nghị về cách thức kiểm soát các rủi ro mới, bao gồm kiểm tra trước và giám sát thời gian thực của các giao dịch thuật toán và giao dịch HFT.       

Tại Việt Nam, thuật ngữ giao dịch HFT tuy còn khá mới nhưng gần đây đã trở nên phổ biến hơn cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế là hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng các robot tự động và phần mềm được thiết kế sẵn trong hoạt động phân tích, tư vấn và đầu tư chứng khoán...

Do đó, trên cơ sở nghiên cứu tình hình giao dịch HFT trên thế giới và xu hướng, sự manh nha trong giai đoạn đầu rất sơ khai tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Vụ Phát triển thị trường đã mạnh dạn lựa chọn Đề tài“Cơ chế quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao trong lĩnh vực chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam” làm Đề tài nghiên cứu khoa học.

2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Đề tài sau khi hoàn thiện nhằm làm rõ các nội dung sau:

- Nghiên cứu khái niệm, đặc điểm giao dịch HFT; Các chiến lược giao dịch HFT; lợi ích và rủi ro của giao dịch HFT.

- Nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về phát triển giao dịch HFT; cơ chế quản lý và giám sát giao dịch HFT tại một số thị trường phát triển và đang phát triển; Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

- Phân tích thực trạng sử dụng giao dịch thuật toán, giao dịch HFT tại Việt Nam; Đánh giá khả năng phát triển giao dịch HFT trong tương lai thông qua mô hình SWOT (điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội - thách thức).

- Xây dựng mục tiêu, định hướng cho loại hình giao dịch HFT tại Việt Nam để từ đó đề xuất giải pháp về quản lý, giám sát giao dịch HFT cho lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam.

3. Kết cấu của đề tài

Chương 1: Cơ sở lý luận về cơ chế quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao trong lĩnh vực chứng khoán

Chương 2: Đề xuất cơ chế quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao trong lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam

Kết luận

Nguồn: Thư viện, SRTC