Trang chủ >

Thư viện

UB.2019.02 - Đề tài “Nghiên cứu tác động của thị trường chứng khoán phái sinh đối với thị trường chứng khoán cơ sở và ngược lại – Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp cho Việt Nam”

Mã số đề tài: UB.2019.02

Chủ nhiệm đề tài: Thạc sỹ Vũ Chí Dũng - Vụ Hợp tác quốc tế - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

  1. Đóng góp ca đề tài                                                                                                                                                

Nội dung Chương I của đề tài đã tóm lược sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) trên thế giới, phân tích và đánh giá tổng quan mối quan hệ tác động giữa hai thị trường - TTCKPS và TTCK cơ sở - trên cả hai khía cạnh là tích cực và tiêu cực. Về kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu tập trung vào ba nhóm thị trường chính gồm các nước Châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc); các nước Châu Âu và Mỹ. Từ những tình huống nghiên cứu này, một số bài học kinh nghiệm trong việc hạn chế tác động tiêu cực của TTCK cơ sở đối với TTCKPS và ngược lại đã được rút ra, trong đó gồm kinh  nghiệm về thiết kế sản phẩm chứng khoán phái sinh, xác định tỷ lệ ký quỹ giao dịch phái sinh phù hợp, hạn chế giao dịch vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai/quyền chọn và áp dụng linh hoạt các cơ chế tạm ngừng giao dịch có điều kiện.

Chương II tóm tắt tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay ở Việt Nam với nhiều thông tin, dữ liệu về các mảng thị trường cơ sở và sản phẩm chứng khoán phái sinh, sự tham gia của nhà đầu tư và các tổ chức trung gian, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống giám sát thị trường. Một nội dung quan trọng khác của chương này là nhận diện những rủi ro tiềm tàng do tác động giữa TTCKPS và TTCK cơ sở (như rủi ro thị trường, rủi ro thao túng giá, rủi ro ký quỹ, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động) và mô tả cụ thể cơ chế hình thành các yếu tố rủi ro đó.

Từ những phân tích về lý luận và thực tiễn ở hai chương đầu, đề tài đưa ra một số nhóm giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực, thúc đẩy tính hiệu quả và toàn vẹn của cả thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở trong chương III. Đó là các nhóm giải pháp về thiết kế sản phẩm, giao dịch và ký quỹ, bù trừ và thanh toán, thanh tra và giám sát thị trường, đào tạo người hành nghề và nhà đầu tư.

2. Kết cấu đề tài: Đề tài gồm 03 chương:

Chương I: Cơ sở lý luận về tác động giữa thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở.

Chương II: Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.

Chương III: Các giải pháp giảm thiểu sự tác động tiêu cực giữa thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.

Nguồn: Thư viện, SRTC