Trang chủ >

Thông tin - Sự kiện

Hội thảo: Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức – Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Châu Âu

         Ngày 15/11/2017 tại Khách sạn Melia Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo Chứng khoán (Trung tâm NCKH&ĐTCK) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phối hợp với Hiệp hội chuyên gia phân tích đầu tư quốc tế (ACIIA) và Hiệp hội chuyên gia đầu tư chứng khoán Nhật Bản (SAAJ) tổ chức hội thảo “Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức – Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Châu Âu”.

Ông Phạm Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội nghị

Đến tham dự hội thảo có các đại biểu là thành viên của ACIIA, SAAJ, Hội đồng quỹ hưu trí toàn cầu (WPC), Viện nghiên cứu các thị trường vốn Nomura (Nhật Bản); các đại biểu từ cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (TCNH), Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế); các đại biểu từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu về tài chính và thị trường tài chính trong nước (Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo hiểm); các khách mời từ các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng.

Về phía đơn vị chủ trì UBCKNN, có sự hiện diện của ông Phạm Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBCKNN; bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ TCNH, Bộ Tài chính, ông Hoàng Mạnh Hùng – Giám đốc Trung tâm NCKH&ĐTCK, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm NCKH&ĐTCK, cùng các đại diện từ các đơn vị thuộc UBCKNN (Vụ Phát triển thị trường, Vụ Quản lý quỹ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ GSTT, Vụ TCCB, Trung tâm NCKH&ĐTCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán…).          

 Toàn cảnh Hội nghị

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Văn Hoàng  đã nêu lên những vấn đề tiêu biểu của lĩnh vực quỹ đầu tư tại Việt Nam, thực trạng hoạt động các quỹ đầu tư trong hệ thống kinh tế tài chính của Việt Nam, qua đó chỉ ra sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách pháp lý để tạo điều kiện cho sự ra đời và hoạt động của mô hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, phần chương trình tham luận của các đại biểu diễn giả tham dự đã mang đến nhiều góc nhìn về kinh nghiệm cũng như thực tiễn triển khai hoạt động quỹ hưu trí tại các quốc gia trên thế giới. Trong bài tham luận “Chương trình cách cách hệ thống hưu trí Nhật Bản: gợi ý cho Việt Nam”, bà Akiko Nomura – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu các thị trường vốn Nomura đã trình bày những vấn đề về thực trạng dân số trong độ tuổi hưu trí và giới thiệu tổng quan về chương trình quỹ hưu trí đang triển khai tại Nhật Bản; qua đó cũng mở ra những gợi ý cho khả năng triển khai tại Việt Nam.

 

Cũng với những gợi ý cho hoạt động của mô hình quỹ hưu trí tại Việt Nam, ông Nicolas J. Firzli – Tổng Giám đốc Hội đồng Quỹ hưu trí toàn cầu (WPC), thành viên Ban Tư vấn Sáng kiến GIF – WB trong bài tham luận “Trụ cột thứ hai của hệ thống hưu trí và chương trình hưu trí tự nguyện:  Bài học từ các quốc gia điển hình, Đầu tư vào tương lai ở Việt Nam” đã giới thiệu những vấn đề tiêu biểu về hoạt động của quỹ hưu trí tại một số quốc gia như Chi-lê, Ba Lan, Úc. Đồng thời chỉ ra tiến trình phát triển về dài hạn của mô hình quỹ hưu trí trong tổng thể nền tài chính của tương lai.

Đại diện cơ quan quản lý thị trường tài chính tại Việt Nam, bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ TCNH, Bộ Tài chính, trong bài trình bày về “Cơ hội và thách thức đối với việc phát triển các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện ở Việt Nam” đã chỉ ra những vấn đề tổng quan về tình hình dân số tại Việt Nam; thực trạng hệ thống hưu trí – BHXH; và vấn đề đặt ra đối với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam. Bài tham luận đã làm nổi bật những nội dung về cơ chế chính sách, những vấn đề trong hoạt động quản lý, điều hành, thực tiễn hệ thống hưu trí – BHXH đang triển khai áp dụng tại Việt Nam, những đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội, cũng như cơ hội và thách thức cho tương lai.

Ngoài những phần trình bày tham luận của các đại biểu khách mời, một phần chương trình nhận được sự quan tâm lớn trong hội thảo là thời gian thảo luận xung quanh việc xây dựng chính sách, cơ chế và triển khai quỹ hưu trí tự nguyện. Tại phần chương trình này, các đại biểu và diễn giả khách mời là những chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm đã đưa ra giải đáp, trả lời cụ thể, rõ ràng cho những câu hỏi; đồng thời chỉ ra những cơ hội và thách thức cho việc phát triển hệ thống quỹ hưu trí tại Việt Nam.

Kết thúc buổi hội thảo, ông Phạm Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBCKNN, đại diện ban tổ chức, đã bày tỏ sự cảm ơn tới sự tham gia của các chuyên gia, khách mời, đại biểu, góp phần vào sự thành công của hội thảo quốc tế về quỹ hưu trí.

Qua thời gian trao đổi, thảo luận nghiêm túc với tinh thần hợp tác và chia sẻ, những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích trong buổi hội thảo đã mang đến những định hướng khả thi cho tiến trình triển khai thực hiện cũng như xây dựng chính sách về hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, thành công của hội thảo cũng là minh chứng thể hiện và ghi nhận sự tham gia tích cực của đơn vị chủ trì - Trung tâm NCKH&ĐTCK (UBCKNN) trong vai trò thành viên của các hiệp hội quốc tế.

Nguồn: Phòng QLNCKH, SRTC