Trang chủ >

Thông tin - Sự kiện

Hội thảo quốc tế “Blockchain và khả năng ứng dụng trên thị trường chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam"

         Ngày 15/10/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp cùng Hiệp hội Đầu tư và Chứng khoán Châu Á (Asian Securities and Investments Federation – ASIF) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Blockchain và khả năng ứng dụng trên thị trường chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và Hàm ý cho Việt Nam”.

Ông Phạm Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội nghị

Hội thảo do ông Phạm Văn Hoàng – Phó Chủ Tịch UBCKNN chủ trì với sự tham dự của các chuyên gia về công nghệ blockchain trong và ngoài nước, đại diện các nước thành viên của ASIF, đại diện một số vụ thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo các vụ và đơn vị thuộc UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cùng các thành viên thị trường là công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng thanh toán.   

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Phạm Văn Hoàng cho biết công nghệ blockchain có khả năng ứng dụng rộng rãi và là công nghệ nền tảng cho sự phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong tương lai. Trong đó, ngành tài chính nói chung và ngành chứng khoán nói riêng được kì vọng sẽ tạo được những đột phá trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này. UBCKNN nhận thức rõ được tiềm năng cũng như thách thức từ các công nghệ tài chính mới nói chung, công nghệ blockchain nói riêng đối với hoạt động của TTCK, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích và có nhiều chỉ thị cho các ngành, địa phương nhanh chóng nắm bắt các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại. Theo ông Hoàng, hội thảo đầu tiên do UBCKNN tổ chức về công nghệ blockchain được triển khai với mong muốn nhận được sự tư vấn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đến từ các chuyên gia quốc tế và trong nước về chủ đề này.

Mở đầu phần tham luận, ông Atsushi Santo - Trưởng phòng thí nghiệm Fintech, Tập đoàn Sở giao dịch chứng khoán Nhật Bản (JPX) - đã chia sẻ những sáng kiến và thử nghiệm trong quá trình áp dụng công nghệ blockchain vào việc xây dựng hạ tầng cho thị trường vốn quy mô nhỏ do JPX tiến hành, với mục tiêu nhằm cải thiện hiệu quả vận hành giữa các công ty tham gia thị trường. Chương trình thử nghiệm của JPX được triển khai theo các bước từ năm 2015 tới 2017 gồm: (i) tiến hành các báo cáo nghiên cứu (2015) và triển khai thử nghiệm công nghệ blockchain với các phân tầng khác nhau của thị trường vốn với sự tham gia của các định chế tài chính trên thị trường (gồm 06  định chế tài chính năm 2016 và  45 định chế tài chính năm 2017, bao gồm cả JFSA, BoJ và JSDA). Ông cho rằng việc đưa ra các ý tưởng và kiểm định một cách thường xuyên là yếu tố cần thiết để nhanh chóng thấu hiểu, ứng dụng công nghệ blockchain vào điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia, tổ chức.

Tại phần tham luận tiếp theo, ông Kitti Sutthiallhasil - Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) – đã chia sẻ những thành công bước đầu trong việc áp dụng công nghệ blockchain tại Thái Lan, trong đó nổi bật là LIVE - một nền tảng huy động vốn cho các Startup được SGDCK Thái Lan hỗ trợ - và Đề án xây dựng Định danh số quốc gia tại Thái Lan dựa trên công nghệ blockchain. Đối với dự án LIVE, SET đã xây dựng hạ tầng cơ sở và khung pháp lý nhằm hỗ trợ nền tảng đối tác cho các doanh nghiệp start-up huy động vốn và phát triển, bao gồm các điều kiện tham gia (đối với tổ chức phát hành, nhà đầu tư), cách thức tham gia và phương thức giao dịch. Đối với đề án Định danh số quốc gia, Chính phủ Thái Lan đã thành lập ra Ủy ban Kinh tế Số với sự tham gia của các đại diện khu vực công và tư, cơ quan quản lý (trong đó có UBCK Thái Lan SEC) và đang thực hiện các bước đi theo các nhóm xây dựng tiêu chí kỹ thuật, luật kỹ thuật số và lựa chọn các dự án thí điểm giai đoạn 1 cho đề án này.

Chia sẻ tại hội thảo, diễn giả Nathan J Archer, nhà đồng sáng lập LittlePhil.org - một nền tảng huy động vốn từ thiện dưa trên công nghệ blockchain - đã đưa ra các nhận định, số liệu tổng quan về tiền mã hóa và hoạt động chào bán tiền mã hóa lần đầu (ICO). Ông cho rằng tuy có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều về thị trường tiền mã hóa nhưng thị trường này đang dần được các định chế đầu tư tài chính truyền thống ở các thị trường phát triển chấp nhận và tham gia ngày càng nhiều hơn, bên cạnh đó việc tăng cường sự quản lý của chính phủ đối với các Token chứng khoán là vô cùng cần thiết.

Trình bày cuối cùng trong phần tham luận, ông Vương Quang Long, sáng lập và CEO của Tomochain đã đưa ra những kiến thức về blockchain dưới một góc nhìn thiên về kĩ thuật hơn, bao gồm phân loại và so sánh blockchain công cộng và blockchain riêng tư, các sản phẩm mới nhất của công nghệ blockchain, phân định các dạng token khác nhau dựa trên công nghệ blockchain. Ông Long cũng chia sẻ thực trạng áp dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam cũng như định hướng của Tomochain dưới giác độ là một trong những công ty về blockchain đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong phần tiếp theo, phiên thảo luận được điều hành bởi ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh chứng khoán , UBCKNN với sự tham gia của nhóm chuyên gia gồm 4 diễn giả trước đó và ông Trần Hữu Đức, giám đốc FPT Ventures, Phó Chủ tịch CLB FinTech Việt Nam. Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi về nhiều khía cạnh khác nhau nhưng tựu chung lại đều tập trung vào vấn đề phát triển và triển khai công nghệ blockchain tại Việt Nam. Nhóm chuyên gia cũng thống nhất cho rằng muốn phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam phải (i)xây dựng được một khung khuôn khổ pháp lý rõ ràng; (ii)ưu tiên triển khai các blockchain riêng tư và (iii)đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật hùng hậu.

                                                                                                                                     Nguồn: Phòng QLNCKH, SRTC