Mã đề tài: UB.2018.03
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phùng Nam Thái - Vụ phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
1. Tính cấp thiết, lý do chọn đề tài
Qua 18 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, từng bước trưởng thành cả về quy mô và chất lượng hàng hóa dịch vụ. Tính đến cuối tháng 9/2018, tổng giá trị vốn hóa của thị trường đạt 4.235 nghìn tỷ đồng, tương đương 84,6% GDP, tăng 20,5% so với cuối năm 2017. Để tiếp tục phát triển, nhanh chóng hội nhập với thị trường quốc tế, một trong những mục tiêu mà Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020 hướng đến là “phát triển TTCKđồng bộ về các yếu tố cung – cầu; tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quảvà trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế”.
Để thực hiện chiến lược đã đề ra, Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/03/2014. Cho đến nay khung pháp lý cho TTCKPS về cơ bản đã được ban hành đầy đủ, cụ thể: Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 về CKPS và TTCKPS, Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, Thông tư số 23/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BTC và các quy chế giao dịch, quy chế thành viên, quy chế thanh toán bù trừ… của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và SGDCK Hà Nội. Ngày 10/8/2017, TTCKPS Việt Nam chính thức được đi vào hoạt động với sản phẩm đầu tiên được niêm yết và giao dịch là Hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu VN30.
Việc phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh là một trong những bước tiến lớn của TTCK Việt Nam, góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán như: nhu cầu phòng ngừa rủi ro; nhu cầu kinh doanh đầu cơ dựa vào biến động giá thị trường; giúp các định chế tài chính có mức tín nhiệm tốt hơn (do có công cụ phòng ngừa rủi ro); và giúp nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như công ty quản lý quỹ đa dạng hóa sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh cũng tiềm ẩn những rủi ro đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ, thận trọng của cơ quan quản lý các cấp. Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng, thị trường chứng khoán lao dốc và mất giá tiền tệ tại Mỹ cùng nhiều nước châu Âu vẫn là những bài học cho thấy sự an toàn của các giao dịch và thanh toán bù trừ phái sinh cần phải được đảm bảo trước tiên vì chỉ cần một thành viên trên thị trường phá sản cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả hệ thống Tài chính. Lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh thế giới cũng từng chứng kiến những sự đổ vỡ của các định chế tài chính lớn như vụ phá sản của ngân hàng Barings (Anh quốc) gắn liền với những thua lỗ của các hợp đồng tương lai (Futures contract) hoặc sự sụp đổ của quỹ đầu tư Long-term Capital Management (LTCM) cũng có liên quan đến các sản phẩm phái sinh. Hay có thể thấy tiến trình phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Trung Quốc cũng là một trong những bài học quý báu cho Việt Nam. Những thử nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc là sản phẩm chứng quyền (warrants) và hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc (T-bond futures) vào những năm đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, những vụ việc làm giá, thao túng thị trường và bê bối liên quan đến hợp đồng phái sinh (tiêu biểu như “sự kiện 327”) khiến các thị trường này bị đóng cửa vào giai đoạn 1995-1996. Về bản chất, chứng khoán phái sinh là một công cụ để phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách có thể sẽ phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, dễ trở thành công cụ đầu cơ, thao túng thị trường, gây rủi ro tín dụng và làm sai lệch thông tin tài chính.
Chính vì vậy, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra khi vận hành thị trường chứng khoán phái sinh là công tác kiểm soát rủi ro. Xuất phát từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đề tài “Kiểm soát rủi ro chứng khoán phái sinh: kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ủy ban năm 2018.
2. Mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của Đề tài
* Mục tiêu nghiên cứu:
Đề tài tập trung làm rõ các nội dung sau:
- Nghiên cứu tổng quan về các sản phẩm chứng khoán phái sinh, một số rủi ro khi vận hành những sản phẩm này, vấn đề kiểm soát rủi ro và các nhân tố tác động đến công tác kiểm soát rủi ro đối với toàn TTCKPS;
- Nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về các sự cố rủi ro đối với CKPS và giải pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro của từng nước, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho TTCKPS Việt Nam;
- Phân tích thực trạng hoạt động kiểm soát rủi ro đối với chứng khoán phái sinh tại Việt Nam;
- Một số giải pháp kiểm soát rủi ro đề xuất cho Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.
* Phạm vi nghiên cứu:
- Về góc độ nghiên cứu: Đề tài được nghiên cứu dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, trong nội dung của Chương I, đề tài sẽ phân tích các loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của TTCKPS tập trung như: rủi ro thao túng, rủi ro đối tác, rủi ro thị trường, rủi ro hệ thống, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý và rủi ro thanh khoản, Đồng thời, tại nội dung Chương này, đề tài cũng sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát các loại rủi ro trên. Đề tài cũng nghiên cứu kinh nghiệm của các TTCKPS tiên tiến trên thế giới về việc kiểm soát các loại rủi ro đối với CKPS tại Chương II. Tuy nhiên, do thời gian và nguồn lực có hạn, nên tại Chương III đề tài chỉ đề cập đến những giải pháp kiểm soát các loại rủi ro chính, có khả năng cao xảy ra trên TTCKPS mới nổi như: giải pháp kiểm soát rủi ro thao túng, kiểm soát rủi ro đối tác, kiểm soát rủi ro hoạt động và một số giải pháp khác.
- Về sản phẩm nghiên cứu: Đề tài sẽ thực hiện nghiên cứu các giải pháp kiểm soát rủi ro đối với chứng khoán phái sinh trên thị trường tập trung, đặc biệt là các sản phẩm đã và sẽ triển khai trong tương lai gần nhất trên TTCKPS Việt Nam như Hợp đồng tương lai chỉ số, Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ.
3. Kết cấu đề tài
LỜI MỞ ĐẦU |
|
CHƯƠNG I. |
Khái quát chung về chứng khoán phái sinh và kiểm soát rủi ro chứng khoán phái sinh |
CHƯƠNG II. |
Kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát rủi ro đối với sản phẩm chứng khoán phái sinh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam |
CHƯƠNG III. |
Kiểm soát rủi ro đối với Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam |
KẾT LUẬN |
|
Nguồn : Thư viện, SRTC