Mã số đề tài: UB.2018.05
Chủ nhiệm đề tài: ThS Nguyễn Quang Long - Vụ Quản lý quỹ - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
1. Tính cấp thiết
Hiện nay hệ thống các văn bản pháp quy về các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán đã có độ bao trùm tương đối đầy đủ. Điều 82 Luật Chứng khoán đã quy định tổng thể về 02 loại hình quỹ chính: quỹ đại chúng và quỹ thành viên. Trong đó, quỹ đại chúng bao gồm quỹ mở và quỹ đóng. Dựa vào đó, giới đầu tư có thể tự triển khai các sản phẩm với mục tiêu đầu tư và chiến lược đầu tư khác nhau. Căn cứ vào 02 loại hình này, các văn bản dưới luật cơ bản đã hướng dẫn thêm 2 loại quỹ là: quỹ ETF, quỹ bất động sản. Tuy nhiên, quy định pháp lý hiện đang chỉ định hình các loại quỹ thông dụng, mục đích thiết kế phù hợp với giai đoạn đầu phát triển thị trường quản lý quỹ, chưa có khung pháp lý về các loại quỹ khác có tính phức tạp cao hơn. Trên thế giới, khi thị trường phát triển ở mức cao hơn, nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư trở nên đa dạng hơn thì sẽ phát sinh nhu cầu về các loại hình mới.Cho tới tháng 11/2018, trải qua hơn 10 năm kể từ khi Bộ Tài chính ban hành quy định hướng dẫn chi tiết về quỹ đầu tư chứng khoán, tổng số quỹ hiện nay mới chỉ đạt con số khiêm tốn là 39 quỹ, NAV ở mức khoảng 21 nghìn tỷ đồng, chiếm chưa đầy 0,5% GDP[1]. Trong đó, có 25 quỹ mở, 02 quỹ đóng, 10 quỹ thành viên, 1 quỹ và 2 quỹ ETF. Ngoài quỹ thành viên, quỹ đóng và quỹ mở đều khá giống nhau về mục tiêu đầu tư, chủ đạo là quỹ đầu tư cân bằng và quỹ đầu tư tăng trưởng. Loại quỹ trái phiếu cũng còn rất hạn chế với chỉ 5 quỹ. Trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, nhóm đề tài nhận thấy một số điểm còn khá chặt chẽ trong quy định hiện nay như sau:
Về hạn chế đầu tư: quỹ đầu tư chứng khoán không được phép đầu tư vào 01 quỹ đầu tư chứng khoán khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam (khoản 4 Điều 15 Thông tư 183 và khoản 4 Điều 9 Thông tư 224); quỹ chỉ được phép đầu tư vào chứng khoán phái sinh niêm yết, với mục đích phòng vệ rủi ro;
Về việc vay: quỹ đầu tư chứng khoán không được phép vay để tài trợ cho hoạt động của quỹ, trừ trường hợp vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ. Tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ không được quá năm phần trăm (5%) giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa là ba mươi (30) ngày (Khoản 2 Điều 16 Thông tư 183 và khoản 5 Điều 9 Thông tư 224).
3. Công ty quản lý quỹ không được tái ủy thác danh mục đầu tư.
Tại thời điểm ban hành thông tư ban đầu, Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi cú sốc kinh tế lớn, đồng thời, TTCK Việt Nam chưa phát triển cả về chất và lượng như hiện nay. Đối với thị trường quản lý quỹ, giai đoạn đó cũng chưa thể kiểm chứng về mức độ sẵn sàng triển khai các sản phẩm quỹ đầu tư mang tính phức tạp cao (kể cả về kinh nghiệm vận hành, kênh phân phối, danh tiếng về kết quả đầu tư của công ty quản lý quỹ và năng lực giám sát của cơ quan quản lý), vì vậy 02 quy định nêu trên là chủ trương rất đúng đắn và vẫn còn mang nhiều ý nghĩa.
Từ năm 2015 tới nay, TTCK Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn, cùng với đó là đội ngũ người hành nghề chứng khoán đông đảo, có chất lượng hơn so với giai đoạn trước. Thực tế cho thấy, một số công ty quản lý quỹ có nhu cầu thực hiện các nghiệp vụ đầu tư để nắm bắt cơ hội, đồng thời, cũng có công ty muốn phát triển một số sản phẩm mới nhưng chưa thể thực hiện được do quy định chưa cho phép. Cụ thể, các loại quỹ đầu tư chưa thể thực hiện bao gồm: Quỹ của quỹ (Fund of funds - FOFs); Quỹ được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ (Multi-Manager Investment Funds - MMIF); Quỹ Mẹ - Con (Master-feeder Fund); Quỹ đòn bẩy (bao gồm cả Quỹ ETF đòn bẩy – Leveraged ETF hoặc Inversed ETF) do các loại quỹ này có đặc điểm là 1 quỹ nắm giữ chứng chỉ quỹ của quỹ khác và có tính đòn bẩy. Theo kinh nghiệm quốc tế, các loại quỹ nói trên là sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán thông dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như các phương thức đầu tư đa dạng. Đặc biệt, Nghị định số 88/2016 của Chính phủ đã mở ra khung pháp lý về Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, trong đó cho phép quỹ tài chính của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đầu tư trực tiếp vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. Về mặt bản chất, hoạt động đầu tư của một chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện vào một quỹ đầu tư chứng khoán cũng tương tự như loại quỹ của quỹ (hoặc loại quỹ được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ) .
TTCK Việt Nam giai đoạn tới được dự báo sẽ bước vào thời kỳ phát triển lớn mạnh hơn cả về quy mô và chất lượng. Để bắt kịp với sự thay đổi trong tương lai, với vai trò là cơ quan quản lý, giám sát các hoạt động của thị trường chứng khoán, đề tài này nghiên cứu chi tiết hơn về các loại quỹ đã nêu, làm cơ sở nền tảng để trình các cấp có thẩm quyền quyết định việc ban hành khung pháp lý tương ứng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu theo bước tiến của thị trường khi cần thiết. Việc nghiên cứu không chỉ giới hạn về mặt định nghĩa của sản phẩm (những định nghĩa này đã được nêu nhiều ở một số ấn phẩm về chứng khoán và thị trường chứng khoán), đề tài hướng tới nghiên cứu chi tiết rủi ro, lợi ích và các quy định cần thiết để quản lý, giám sát các sản phẩm này, để từ đó có các đề xuất khung pháp lý phù hợp, vừa đảm bảo được mục tiêu tạo thêm các sản phẩm quỹ mới cho công chúng đầu tư, vừa đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro cho thị trường chứng khoán.
2. Kết cấu đề tài
MỤC LỤC |
|
MỞ ĐẦU |
|
CHƯƠNG I. |
KHÁI NIỆM, CẤU TRÚC VÀ CƠ CHẾ VẬN HÀNH |
CHƯƠNG II. |
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM |
CHƯƠNG III. |
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH CHO VIỆT NAM |
KẾT LUẬN |
|
(Nguồn: Thư viện SRTC)