Trang chủ >

Thư viện

UB.2018.02 - Đề tài "Nghiên cứu tác động của thị trường chứng khoán phái sinh đối với thị trường chứng khoán cơ sở và ngược lại – Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam"

          Mã số đề tài: UB.2018.02

          Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vũ Chí Dũng - Vụ Hợp tác quốc tế - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

          1. Tính cấp thiết 

Sau một thời gian dài chuẩn bị về các điều kiện pháp lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị cho sự ra đời của TTCKPS, thị trường đã chính thức đi vào hoạt động. Các bên liên quan đều đã khẳng định rằng đã chuẩn bị sẵn sàng để chuẩn bị cho các giao dịch có thể được tiến hành thuận lợi, suôn sẻ, trở thành một kênh đầu tư quan trọng bên cạnh thị trường cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường có thực sự hoạt động suôn sẻ hay không, có tính thanh khoản tốt và là một thị trường thành công bên cạnh thị trường cơ sở hay không cần có một sự nghiên cứu thấu đáo, chuyên sâu về TTCKPS, đặc biệt là sự tác động của TTCKPS đối với thị trường cơ sở, để từ đó có sự quản lý, giám sát phù hợp. Hai thị trường này bên cạnh việc có thể có mối quan hệ cố định khi ảnh hưởng của thị trường này lên thị trường kia có thể dự đoán được (delta bằng 1), cũng có thể có mối quan hệ không cố định và khi đó, ảnh hưởng trong tương lai trở nên khó đoán định (plain vanilla).

Thông thường, việc giới thiệu các sản phẩm mới như hợp đồng tương lai vào thị trường phái sinh sẽ góp phần làm tăng tính thanh khoản tại thị trường cơ sở, đồng thời làm tăng tính hiệu quả của thị trường cơ sở vì giúp làm giảm bớt các chi phí có thể dự đoán trước trong việc mua các sản phẩm giao ngay. Khi ấy, hợp đồng tương lai trở thành một công cụ sử dụng để quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, đối với nhiều NĐT khác, đây cũng là một cơ hội để có thể gia tăng lợi nhuận. Việc sử dụng các công cụ đòn bẩy của các NĐT này cần có các chính sách công cụ phòng ngừa rủi ro chặt chẽ, ví dụ, việc gian lận và lừa đảo trên TTCKPS có thể mang lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với thị trường cơ sở. Tuy nhiên, nếu điều này bị phát hiện và mang tính lan truyền, thì lòng tin đổ vỡ, dẫn đến tác động xấu đến cả thị trường phái sinh và cơ sở và với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chỉ giao dịch trên thị trường cơ sở, và khi đó, tính thanh khoản tại thị trường cơ sở cũng bị giảm sút theo.

Trong hoàn cảnh đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về TTCKPS, những yếu tố để đảm bảo sự thành công của TTCKPS và những tác động của thị trường phái sinh lên thị trường cơ sở và ngược lại là vô cùng quan trọng để có thể ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai, đảm bảo cho cả hai thị trường có thể vận hành hiệu quả, giữ vững được lòng tin của NĐT đối với thị trường. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn chủ đề “Nghiên cứu tác động của thị trường chứng khoán phái sinh đối với thị trường chứng khoán cơ sở và ngược lại - Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp cho Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu.

          2. Mục tiêu của đề tài

Mục tiêu là đánh giá tác động của TTCKPS đối với thị trường chứng khoán cơ sở và ngược lại. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phát triển TTCKPS, giảm những tác động tiêu cực của TTCKPS lên thị trường chứng khoán cơ sở để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững của cả hai thị trường.

Đề tài áp dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích tổng hợp, biên dịch tài liệu, khái quát lý luận; phương pháp suy luận lo-gic; phương pháp nghiên cứu quy định pháp lý; phương pháp so sánh; và tổ chức hội thảo. 

Nội hàm các tác động của TTCKPS đối với thị trường chứng khoán cơ sở và ngược lại cũng như kinh nghiệm quốc tế về chủ đề này là một phạm trù tương đối rộng, mà do thời gian và năng lực có hạn, nhóm nghiên cứu có thể chưa đề cập được hết tất cả nội dung liên quan. Nhóm nghiên cứu rất mong nhận được những ý kiến góp ý của Hội đồng chuyên môn để giúp nhóm hoàn thiện đề tài nhằm đem lại ý nghĩa thực tiễn cao, góp một nguồn tham khảo cho cơ quan quản lý hoàn thiện và phát triển hơn nữa chiến lược và hệ thống văn bản pháp quy cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

          3. Kết cấu đề tài

MỞ ĐẦU
CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TÁC ĐỘNG GIỮA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH (TTCKPS) VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ (TTCKCS)

CHƯƠNG II: THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH VIỆT NAM

CHƯƠNG III: CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG  TIÊU CỰC GIỮA TTCKCS VÀ TTCKPS

KẾT LUẬN

(Nguồn : Thư viện SRTC)