Trang chủ >

Thư viện

UB.2018.04 - Đề tài "Quản trị rủi ro đối với hoạt động giao dịch ký quỹ của công ty chứng khoán tại Việt Nam"

          Mã số đề tài: UB.2018.04

         Chủ nhiệm đề tài: CN. Trần Phương Quỳnh – Vụ Quản lý kinh doanh UBCKNN - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

          1. Giới thiệu tổng quan

          Giai đoạn 2010-2013 là giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức đối với các công ty chứng khoán tại Việt Nam. Môi trường kinh doanh khắc nghiệt đã sàng lọc và loại bỏ các định chế tài chính trung gian yếu kém, dẫn đến nhiều công ty chứng khoán trên đà phá sản, phải thu hẹp hoặc từ bỏ các hoạt động nghiệp vụ chính. Rất nhiều CTCK thua lỗ nặng nề chủ yếu do hai nguyên nhân chính từ hoạt động tự doanh và thực hiện các hợp đồng hợp tác đầu tư mà không thu được các khoản phải thu từ phía đối tác. Có thể kể đến một số trường hợp như Công ty chứng khoán Tràng An, SME, Hà Nội, Delta, Trường Sơn…

Trước tình hình đó, việc công ty chứng khoán cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, có đảm bảo bằng tài sản (giao dịch ký quỹ - margin) lần đầu tiên được quy định tại Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán. Đây chính là tiền đề cho các quy định hướng dẫn giao dịch ký quỹ sau này.  Đến nay, việc cho khách hàng vay mua chứng khoán đã được chuẩn hóa theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán tại ban hành kèm Quyết định 87/QĐ-UBCK (trước là Quyết định 637/QĐ-UBCK ngày 30/8/2011). Đồng thời, việc tính toán rủi ro của công ty chứng khoán được lượng hóa theo Thông tư 226/2010/TT-BTC (hiện nay đã được thay thế bằng Thông tư 87/2017/TT-BTC) nhằm tính tỷ lệ an toàn tài chính của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, tại thời điểm này khi thị trường diễn biến không thuận lợi, việc mất khả năng thanh toán của khách hàng dẫn đến các công ty chứng khoán phải gánh chịu tổn thất vẫn là một vấn đề lớn tồn tại. Một số công ty chứng khoán thời điểm ban đầu có vốn chủ sở hữu đến hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm thực hiện các dịch vụ cho vay mua chứng khoán, tự doanh, vốn chủ sở hữu thậm chí đã bị âm và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để khắc phục tình hình tài chính. Ngoài ra, còn nhiều công ty chứng khoán bị mất khả năng thanh toán, gây ra rủi ro lớn, bị đình chỉ hoạt động. Thực tế cho thấy rằng thời điểm đó rất ít công ty chứng khoán có hệ thống quản trị rủi ro có khả năng nhận diện rủi ro đủ tốt và có biện pháp phòng vệ phù hợp.

Do vậy, yêu cầu về Quản trị rủi ro tại Công ty chứng khoán lần đầu tiên được luật hóa thông qua Quyết định 105/QĐ-UBCK ngày 26/2/2013 về việc ban hành Quy chế hướng dẫn thiết lập và thực hiện quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán tại. Đồng thời, về phía cơ quan quản lý, Quy chế hướng dẫn xếp loại CTCK theo tiêu chuẩn CAMEL ban hành kèm theo Quyết định số 617/QĐ-UBCK ngày 9/10/2013 được ra đời nhằm cảnh báo sớm rủi ro của công ty chứng khoán.

Dưới giác độ quản lý, Quy chế hướng dẫn thiết lập và thực hiện quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán ra đời nhằm chuẩn hóa và phổ biến các nguyên tắc chung mà tất cả các công ty chứng khoán phải tuân thủ. Bên cạnh đó, sự ra đời của Quy chế còn nhằm giải quyết ba vấn đề then chốt nhất trong hoạt động quản trị rủi ro ở các công ty chứng khoán:

- Từng bước tăng cường và đảm bảo văn hóa nhận thức rủi ro tốt của các công ty chứng khoán thông qua việc yêu cầu công ty chứng khoán phải thiết lập một hệ thống, khung quản trị rủi ro, chính sách rủi ro đạt chuẩn.

- Dần từng bước xóa bỏ tình trạng bất đối xứng trong tiếp cận thông tin giữa chủ doanh nghiệp (đại diện là HĐQT hoặc HĐTV) và người điều hành doanh nghiệp (đại diện là Ban điều hành) về rủi ro mà công ty chứng khoán gặp phải.

- Góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại chính các công ty chứng khoán. Buộc các công ty chứng khoán phải tập trung nhiều hơn đến việc phát triển về chiều sâu trong hoạt động kinh doanh của mình thay vì chỉ thuần túy chạy đua lôi kéo khách hàng, tăng doanh thu bằng mọi giá thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nâng cấp hệ thống công nghệ, cải tổ cấu trúc kinh doanh của mình.

          2. Tính cấp thiết của đề tài

          Sau hơn ba năm thực hiện Quy chế quản trị rủi ro, các công ty chứng khoán đã bước đầu xây dựng được chính sách rủi ro và thiết lập nên khung quản trị rủi ro tại công ty của mình. Một số Công ty lớn hiện đã nhận thức khá rõ vai trò cũng như sự cần thiết của công tác quản lý rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán. Nhiều công ty đã chuyển từ vị thế bị động sang chủ động trong việc nhận diện, đo lường, đánh giá và xử lý rủi ro. Từ việc thay đổi nhận thức, hoạt động quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán đã có những bước tiến đáng kể. Đồng thời các công ty chứng khoán ngày càng ý thức và tuân thủ chặt chẽ hơn tỷ lệ an toàn vốn khả dụng nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 87/2017/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính và cũng là an toàn cho chính công ty và hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, các công ty chứng khoán vẫn còn một số mặt chưa xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro đầy đủ, hiệu quả:

- Thứ nhất, văn hóa quản trị rủi ro chưa được thấm nhuần trong hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán. Nhiều công ty vẫn coi việc quản lý rủi ro gây phát sinh chi phí nhiều hơn lợi ích. Do đó, ở một số công ty chứng khoán nhỏ, nghiệp vụ quản lý rủi ro chưa được chú tâm phát triển.

- Thứ hai, các CTCK hầu hết chưa có sự tách biệt chuyên môn hóa về các loại rủi ro để thực hiện quản lý rủi ro. Đặc biệt, nhiều CTCK đang hoạt động mà thiếu hẳn bộ phận quản lý rủi ro chuyên biệt cho hoạt động ký quỹ. Nếu xét về đặc điểm kinh doanh giữa CTCK và các NHTM thì hiện nay các CTCK đang triển khai cung cấp các dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, có nhiều điểm tương đồng với nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, song lại không có bộ phận thẩm định hay quản lý rủi ro riêng. Điều này rất nguy hiểm vì rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các NHTM, do đó đòi hỏi các ngân hàng phải có khả năng phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro hiệu quả vì nếu ngân hàng chấp nhận nhiều khoản cho vay có rủi ro tín dụng cao thì ngân hàng có khả năng phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn hay tính thanh khoản thấp. Kết quả có thể làm giảm hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận của ngân hàng, thậm chí phá sản. Đối chiếu với các nghiệp vụ của CTCK thì dường như quản lý rủi ro chuyên biệt cho hoạt động giao dịch ký quỹ hiện đang bị bỏ ngỏ.

- Thứ ba, đa số các phòng quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán chỉ làm nhiệm vụ là phát hiện ra các rủi ro chứ chưa có những biện pháp để giám sát hay phòng ngừa rủi ro khi rủi ro xuất hiện. Nguyên nhân của vấn đề này là do hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ, hệ thống cảnh báo sớm chưa được chú trọng phát triển.

Để thúc đẩy việc thực hành quản trị rủi ro một cách thực chất ở các công ty chứng khoán, cơ quan quản lý hơn lúc nào hết cần thể chế hóa các quy trình quản trị từng loại rủi ro trọng yếu cụ thể. Trong số các rủi ro trọng yếu mà các công ty chứng khoán phải đối mặt, rủi ro cho hoạt động giao dịch ký quỹ là một trong những rủi ro tiềm tàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của các công ty thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Do vậy, việc nghiên cứu về quản trị rủi ro cho hoạt động giao dịch ký quỹ là vấn đề cấp thiết đối với cơ quan quản lý nhằm đưa ra các khuyến nghị, khung pháp lý phù hợp với các công ty chứng khoán.

Trước thực tế như vậy, nhóm làm đề tài đã lựa chọn quản trị rủi ro đối với hoạt động giao dịch ký quỹ công ty chứng khoán để làm đề tài nghiên cứu. Hoạt động này được đưa vào quy định pháp lý năm 2011, do đó phạm vi nghiên cứu của đề tài được nhóm nghiên cứu giới hạn trong mảng cho vay giao dịch ký quỹ của các công ty chứng khoán tại thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2011 đến nay.

3. Kết cấu đề tài

MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU

CHƯƠNG 1:

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ RỦI RO VÀ QUẢN TRỊ RỦI RO  HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH KÝ QUỸ

CHƯƠNG 2.

THÔNG LỆ QUỐC TẾ VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH KÝ QUỸ VÀ NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM

CHƯƠNG 3.

KHUYẾN NGHỊ THỂ CHẾ HÓA QUY ĐỊNH QUẢN TRỊ RỦI RO HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH KÝ QUỸ ÁP DỤNG CHO CÔNG TY CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM

Nguồn: Thư viện SRTC