Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 01/04/2024 đến ngày 05/04/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2024 diễn ra ngày 03/04, Chính phủ nhận định, Quý I/2024 nhìn chung tốt hơn năm 2023, với các mặt nổi bật sau: (i) tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 – 2023 và cao hơn kịch bản đề ra, cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (CN - XD và dịch vụ chiếm ưu thế với lần lượt là 35,67% và 43,48%); (ii) kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất siêu 8,08 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm); chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2, bình quân quý I tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%); mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; (iii) XK tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, kim ngạch XNK tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%; trong đó XK tăng 17% (khu vực trong nước tăng 26,2%, khu vực FDI tăng 13,9%), NK tăng 13,9%; (iv) các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực: tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%; số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch COVID-19); (v) tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện, thu NSNN quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NS được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so giới hạn quy định; TTCK phục hồi tích cực, chỉ số VN-Index tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hoá thị trường tăng 12,2% so với cuối năm 2023; (vi) đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng 3,7%); giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng; thu hút FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% (cao nhất trong 5 năm qua); (vii) phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng, tháng 3/2024 có 14.100 DN đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý I có 36.200 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23.600 DN hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ; (viii) kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành chế biến chế tạo tích cực: có 82% số DN đánh giá dự kiến quý II ổn định và tốt hơn so với quý I/2024; đặc biệt có 82,9% số DN đánh giá đơn hàng XK quý II ổn định và tăng hơn so với quý I/2024.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Thứ nhất, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá còn cao do rủi ro địa chính trị quốc tế, giá dầu thô, giá lương thực thế giới biến động khó lường, rủi ro trên các thị trường tài chính quốc tế. Thứ hai, một số ngành SXCN phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Thứ ba, hoạt động SXKD một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói TD 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm. Thứ tư, về đầu tư công, còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ; có nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam, …

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững; điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với CSTK mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn TD phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm tiếp mặt bằng LS cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống NH; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, …      

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ trong tuần 1-5/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 5/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.038 VND/USD, tăng mạnh 35 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.189 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần 1-5/4 tăng mạnh các phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 5/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.960 VND/USD, vẫn tăng mạnh 150 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

USD Index (DXY) hiện ở mức 104,21. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,02% ở mức 1,0840. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,01% ở mức 1,2641. Tỷ giá USD so với Yen Nhật giảm 0,04% ở mức 151,29. Đồng USD đã chạm mức thấp nhất trong hai tuần vào phiên giao dịch cuối tuần khi dữ liệu kinh tế hỗ trợ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng ở Mỹ. Sự chậm lại bất ngờ trong tăng trưởng dịch vụ của Mỹ đã hỗ trợ cho kỳ vọng nới lỏng, đẩy đồng USD sụt giảm.

- Thị trường nội tệ

Một tuần lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh, trong tuần từ 1/4 đến 5/4, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh 3 phiên đầu tuần rồi giảm nhanh trở lại ở tất cả các kỳ hạn.

Tỷ giá chịu áp lực lớn ngay từ đầu năm, cụ thể, chốt ngày 5/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm 2,58% - giảm 0,20 điểm % so với cuối tuần trước (W/W); 1 tuần  2,9% giảm 0,10 đpt (W/W); 2 tuần 3,23% tăng 0,21 đpt (W/W); 1 tháng 3,75% tăng 0,45 đpt (W/W).

Trong tuần, lãi suất VND liên ngân hàng biến động mạnh ở các kỳ hạn chủ chốt. Đặc biệt, trong 2 phiên 2 và 3/4, lãi suất VND qua đêm đã có lúc tăng lên xấp xỉ 4,5%. Lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần trước. Phiên 5/4, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,25% (+0,04 đpt); 1 tuần 5,31% (+0,02 đpt); 2 tuần 5,39% (+0,04 đpt) và 1 tháng 5,42% (+0,02 đpt) so với kết phiên 29/3.

Ngày 5/4, khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành tăng lên mức 172.798,8 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 8.465,53 tỷ đồng.  

Trên thị trường mở, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 55.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4%; có 8.465,53 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua.

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở 4 phiên. Hết tuần, có tổng cộng 1.600 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất tăng từ 2,4%/năm lên 2,7% vào phiên cuối tuần.

Theo thống kê của Hội Nghiên cứu thị trường Liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 6.865,53 tỷ VND ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở (một ngân hàng trúng thầu gần 6 nghìn tỷ đồng - Pv) khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành tăng lên mức 172.798,8 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 8.465,53 tỷ đồng.      

Ngày 3/4, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 7.095 tỷ đồng/14.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 49%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.500 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15 năm huy động được 2.595 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 30 năm gọi thầu lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm 1,5% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,45% (+0,06 đpt), 15 năm 2,65% (+0,06 đpt).

Trong tuần này, ngày 10/4, Kho bạc Nhà nước chào thầu 10.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 3.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 9.804 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 14.846 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. 

Lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tuần qua tiếp tục xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 5/4, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,78% (+0,20 đpt so với phiên trước đó); 2 năm 1,79% (+0,18 đpt); 3 năm 1,81% (+0,19 đpt); 5 năm 2,06% (+0,25 đpt); 7 năm 2,27% (+0,04 đpt); 10 năm 2,78% (+0,15 đpt); 15 năm 2,96% (+0,15 đpt); 30 năm 3,11% (+0,06 đpt).

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính chung tuần, giá vàng trong nước đã tăng thêm 400.000 - 1.200.000 đồng/lượng. Hiện, giá mua vào cao nhất của vàng miếng SJC là 79,8 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao nhất vượt mốc 82,22 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (25.120 đồng), giá vàng thế giới tương đương 70,48 triệu đồng/lượng, thấp hơn 11,52 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

Dow Jones ghi nhận tuần tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay dù khởi sắc trong phiên. Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Sáu (05/04) sau phiên tồi tệ nhất trong hơn 1 năm của Dow Jones, khi nhà đầu tư hân hoan trước báo cáo việc làm mạnh mẽ hơn dự báo và bỏ qua đà tăng của lãi suất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/04, chỉ số Dow Jones tăng 307.06 điểm (tương đương 0.8%) lên 38,904.04 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1.11% lên 5,204.34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.24% lên 16,248.52 điểm.

Bất chấp đà phục hồi trong phiên, cả 3 chỉ số chính đều giảm trong tuần này. Dow Jones rớt 2.27%, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong năm 2024. S&P 500 mất 0.95% trong tuần, còn Nasdaq Composite giảm 0.8%.

Vào ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức tăng trưởng việc làm đạt tổng cộng 303,000 việc làm trong tháng 3, cao hơn so với dự báo tăng 200,000 việc làm từ Dow Jones. Tiền lương tăng 0.3% trong tháng trước và tăng 4.1% so với cùng kỳ năm ngoái, cả 2 đều phù hợp với dự báo.

Nhà đầu tư đang bị giằng co giữa mong muốn một nền kinh tế mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp hơn nữa và mong muốn một thị trường lao động yếu hơn sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bật đèn xanh để bắt đầu hạ lãi suất.

Jamie Cox, Đối tác quản lý tại Harris Financial Group, nhận định: “Thị trường đang bối rối là điều dễ hiểu, nhưng hoàn cảnh kinh tế cơ bản là chuỗi dữ liệu thực tế được công bố như báo cáo việc làm tiếp tục khẳng định 2 điều: tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và nền kinh tế không tiến gần suy thoái”.

“Vào cuối quý, thị trường tăng giá nhiều hơn mức cần thiết, vì vậy sẽ có một số áp lực bán trong tuần này”, ông Cox nói, đồng thời cho biết thêm rằng đợt bán tháo trong tuần này được đẩy nhanh do lo ngại về sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông và những bài phát biểu không nhất quán từ nhiều diễn giả Fed.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 01-05/04/2024, quá trình điều chỉnh chưa chấm dứt. VN-Index giảm mạnh đồng thời xuất hiện mẫu hình nến Inverted Hammer. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch có sự trồi sụt thất thường trong các phiên gần đây càng thể hiện rõ tâm lý không ổn định của nhà đầu tư.

Các chỉ số chính giảm mạnh trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index giảm 13.14 điểm, về mức 1,255.11 điểm; HNX-Index giảm 2.76 điểm, kết phiên về mức 239.68 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 28.98 điểm (-2.26%), HNX-Index giảm 2.9 điểm (-1.9%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch khá tiêu cực khi đà giảm xuất hiện trở lại và được hình thành bởi các phiên giảm mạnh liên tiếp trong tuần qua. Tuy nhiên, khối ngoại quay lại mua ròng trở lại trong 2 phiên gần đây là tín hiệu tích cực giúp chỉ số bớt bi quan hơn trong các phiên tới. Kết phiên 05/04, VN-Index đóng cửa với mức giảm 13.14 điểm, tương đương 1.04%.

Xét theo mức độ đóng góp, HVN, NVL và VPB là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp hơn 1.2 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại,  VCB, GVR và BID là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng VCB đã lấy đi hơn 1.5 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 05/04/2024, chỉ số tiếp tục giảm điểm và sắc đỏ bao trùm đến hầu hết các ngành trên thị trường. Trong đó, các nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhựa - hóa chất, chứng khoán và thiết bị điện. Cụ thể, các mã cổ phiếu trong nhóm nhựa - hóa chất liên tục giảm mạnh như GVR, DGC, DCM, DPM, BMP, PHR, NTP, CSV, AAA,… Riêng DNP, LIX, NET, HRC, SFG, VAF vẫn ghi nhận sắc xanh cho đến cuối phiên.

Ở nhóm thiết bị điện cũng ghi nhận tiêu cực không kém, khi  GEX giảm hơn 3%, RAL giảm trên 2%. SAM, DQC và TSB giảm xấp xỉ 1%. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 2,033 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 2,254 tỷ đồng trên sàn  HOSE và mua ròng gần 221 tỷ đồng trên sàn HNX.

DXV tăng 21.05%: DXV ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 21.05%. Cổ phiếu tăng mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến White Marubozu kèm theo khối lượng giao dịch hầu hết đều vượt trên mức trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang rất phấn khởi.

Chỉ báo Stochastic Oscillator và MACD đều cho tín hiệu mua tích cực cho thấy triển vọng sắp tới vẫn còn tích cực.

POM giảm 19.96%: POM trải qua tuần giao dịch đầy tiêu cực khi liên tục lao dốc kèm theo xuất hiện mẫu hình nến Falling Window.

Ngày 2/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM sau khi nhắc nhở việc hãng thép này chậm nộp báo cáo kiểm toán kiểm toán năm 2023. Đây là lần thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này xảy ra vi phạm. Sau sự việc trên, các nhà đầu tư liên tục tháo chạy dẫn đến cổ phiếu POM liên tục giảm mạnh trong các phiên vừa qua.

Ngoài ra, chỉ báo MACD đang cho tín hiệu bán nên đà giảm sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

- Thị trường Upcom

Tuần qua giao dịch từ ngày 1-5/4 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 55,65 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 2.039,8 tỷ đồng, cùng giảm hơn 55% cả về lượng và giá trị so với tuần trước đó từ 25-29/3 (bán ròng 4.566,72 tỷ đồng).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,255,11

1,075,439,698

25,193,15

1.038,513,086

25,456,71

HNX-Index

239,68

131,992,277

2,768,49

116,507,245

2,594,19

Thị trường Bất động sản

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (Hiệp hội BĐS Việt Nam - VNREA), Việt Nam hiện có khoảng 300.000 cá nhân môi giới đang hoạt động tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ BĐS. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, còn lại chủ yếu hoạt động với vai trò kết nối thực hiện giao dịch BĐS. Đáng chú ý, do môi giới BĐS thiếu chuyên nghiệp, thiếu trung thực, thu phí dịch vụ cao, cộng với nhiều chiêu thức quảng cáo sản phẩm dễ dàng trên mạng xã hội, các trang web mua bán nhà đất nhằm tìm kiếm khách hàng… hoạt động môi giới BĐS thời gian qua đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm mất niềm tin nhà đầu tư, mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính. Thực tế này cho thấy cần có cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới siết chặt hoạt động môi giới BĐS. Điều 61 Luật này quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới BĐS tự do như hiện nay. Điều 48 Luật này yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty BĐS, thù lao, hoa hồng của môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng để kiểm soát công khai, minh bạch và giúp Nhà nước chống thất thu thuế…

Tại Hà Nội, giá căn hộ diễn biến với xu hướng tăng cao trong tháng qua. Nguyên nhân là nguồn cung căn hộ trong tình trạng khan hiếm suốt nhiều năm qua, đặc biệt là phân khúc trung cấp, giá rẻ và mặt bằng giá vẫn còn ở mức thấp so với TP. HCM ở hầu hết các phân khúc. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội khoảng 1.501 sản phẩm, gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ các dự án Lumiere Evergreen, The Wisteria, The Miami - Vinhomes Smart City, Moonlight 1 - An Lạc Symphony,…Các sản phẩm được triển khai kinh doanh trong quý tập trung ở phân khúc B và A, rất ít sản phẩm ở phân khúc C và A+. Giá bán ở cả 4 phân khúc sản phẩm đều tăng trưởng đáng kể. Ở phân khúc hạng C, giá bán căn hộ ghi nhận ở mức 30 - 45 triệu/m2, tăng 20 - 30% so với cùng kỳ. Phân khúc hạng B có giá bán 45 - 60 triệu/m2, tăng 15 - 20% so với cùng kỳ. Phân khúc A ghi nhận giá bán 60 - 100 triệu/m2, tăng 5 - 10% so với cùng kỳ. Phân khúc A+ có giá bán 100 - 200 triệu/m2, tăng 15 - 20% so với cùng kỳ. 

Trái ngược với thị trường Hà Nội, tại TP HCM, thị trường căn hộ nghi nhận nguồn cung, giá bán và tỷ lệ hấp thụ đều tăng trưởng thấp. nguồn cung căn hộ tại TP HCM trong quý đầu năm đã giảm 1/3 so với cùng kỳ, chỉ có khoảng 690 sản phẩm mới được công bố ra thị trường đến từ các dự án The Aurora, Homyland Riverside, The Privia, Celadon City... Tuy nguồn cung thấp nhưng các sản phẩm căn hộ tại đây có giá bán đa dạng ở hầu hết các phân khúc. Trong đó, phân khúc hạng C ghi nhận mức giá bán 35 - 50 triệu/m2, tăng 10 -15% so với cùng kỳ. Phân khúc hạng B có giá bán 50 - 80 triệu/m2, tăng 5 - 7% so với cùng kỳ. Phân khúc A có giá bán tăng đột biến 20 - 30% so với cùng kỳ khi dao động 80 - 125 triệu/m2. Phân khúc A+ có giá bán 300 triệu/m2 và được duy trì ổn định so với quý I/2023.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC