Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 04/03/2024 đến ngày 08/03/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Phân bổ cũng như giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 đều nhanh hơn so với cùng kỳ 2023.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 225.000 tỷ đồng (vốn trong nước 205.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 20.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương 432.349 tỷ đồng.

Trong đó, tổng số kế hoạch bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 92.900 tỷ đồng; các dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 27.220 tỷ đồng.

Ngoài ra, kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 32.427 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm trước đã được cho phép kéo dài tính đến cuối tháng 2 là 105,2 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 đến cuối tháng Hai, gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang lên tới 689.881,2 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 29/02/2024 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% kế hoạch (đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2023 con số này đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do ngân sách trung ương quản lý ước đạt 9,5 ngàn tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do ngân sách địa phương quản lý ước đạt 50,3 ngàn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, đến hết ngày 31/01/2024, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.463,21 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,63% kế hoạch năm 2024 được giao (67.365,78 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 4.230,67 tỷ đồng, đạt 6,82%; vốn ngân sách địa phương là 232,54, đạt 4,35%.

Về việc phân bổ vốn, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã phân bổ năm 2024 là 664.484,9 tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (657.349 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng nói trên thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 632.057 tỷ đồng, đạt trên 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến cuối tháng 2/2023, nguồn vốn này mới được phân bổ hết 95,05% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Còn nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng thì tỷ lệ này chỉ đạt 88,75% số vốn Thủ tướng giao. Như vậy, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm nay nhanh hơn nhiều so với năm ngoái.

Với phần vốn đầu tư công năm 2024 chưa phân bổ hết, theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trong nước chưa phân bổ là 6.196 tỷ đồng do các bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; các dự án, nhiệm vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn thành; các dự án, nhiệm vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn làm căn cứ bố trí trong kế hoạch năm 2024... Vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết là 1.767 tỷ đồng do vướng mắc trong công tác đấu thầu; các dự án đang đàm phán, ký kết Hiệp định sử dụng vốn ODA; chờ Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch trung hạn để giao kế hoạch năm 2024; chưa có dự án để bố trí tiếp... Vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ là 2.789,9 tỷ đồng do nhiều dự án khởi công mới đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Năm 2024, đầu tư công vẫn được xác định là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, là vốn mồi dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này, từ đầu tháng 1/2024, Bộ Tài chính đã có công văn số 405/BTC-ĐT đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024. Trong các báo cáo của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ tài chính đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 4-8/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng đầu tuần rồi giảm trở lại phiên cuối tuần. Chốt ngày 8/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.966 VND/USD, giảm nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.145 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 4-8/3 tăng tiếp phiên đầu tuần, tuy nhiên sau đó đã giảm trở lại. Kết thúc phiên 8/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.640 VND/USD, giảm nhẹ 10 đồng so với phiên cuối tuần trước.

USD được điều chỉnh lên giá đáng kể tại các ngân hàng và trên thị trường tự do. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, đồng USD giảm sâu sau khi Chủ tịch Fed đưa ra phát biểu ôn hòa cho việc sắp bắt đầu cắt giảm lãi suất. Theo đó, ngân hàng Trung Ương sắp có đủ niềm tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% để bắt đầu cắt giảm lãi suất. USD Index hiện ở mức 102,80. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,01% ở mức 1,0950. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,02% ở mức 1,2811. Đồng EUR ban đầu sụt giảm sau khi ECB giữ lãi suất ổn định mặc dù thừa nhận lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng đã phục hồi để ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất trong khoảng một tháng so với đồng bạc xanh đang yếu đi.

- Thị trường nội tệ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân. Nhiều ngân hàng đã tích cực thực hiện chỉ đạo này, để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Đây là cơ hội giúp cho DN và người dân có cơ sở để so sánh lãi suất vay vốn giữa các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải cạnh tranh để có khách hàng. Một khoản vay và lãi suất dựa trên nhiều yếu tố và muôn thủa là thỏa thuận của DN với ngân hàng. Nếu lãi suất bình quân được công khai thì người đi vay sẽ có yếu tố tham chiếu và có vẻ có lợi hơn khi đàm phán. Tuy nhiên, điều cốt lõi DN phải chứng minh được năng lực và cho ngân hàng thấy uy tín của mình.

Trong công điện gửi đi ngày 5.3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp để người dân, DN lựa chọn ngân hàng vay.

Ngay từ đầu năm, việc các tổ chức tín dụng phải công khai lãi suất bình quân được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo từ Chỉ thị 01. Tại cuộc họp thúc đẩy tín dụng cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc công bố lãi suất bình quân là việc các ngân hàng phải làm theo chỉ đạo.

Tại Hội nghị về tín dụng cuối tháng 2.2024, các lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc công khai lãi suất cho vay bình quân rất khó. Nhiều khách hàng dù đã được hưởng lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu, các khoản vay cũ cũng được giảm 1,5-2%/năm, thậm chí có khách hàng được giảm tới 3%/năm, đưa về quanh mức 10,5-11%/năm nhưng vẫn sẽ tiếp tục phàn nàn về mức lãi suất so với lãi suất cho vay bình quân được công bố.

Trong trường hợp nếu ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân là 12%, trong khi lãi suất đầu vào chỉ có 4-5%, có khả năng sẽ tạo ra những thông tin suy xét bất lợi từ phía khách hàng. Mục tiêu trong chính sách của Chính phủ hướng đến là lãi suất đầu ra trong nền kinh tế phải thấp để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của DN, giúp DN tiết giảm chi phí tài chính, chi phí lãi vay - thứ mà từ trước đến nay DN đều coi là gánh nặng lớn.

Lãi suất cho vay giảm xuống sẽ tạo ra tác động liên thông giữa nhiều thị trường gồm thị trường tiền tệ (thị trường kinh doanh vốn dưới 1 năm) và thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu). Theo đó, khi lãi suất trở nên minh bạch hơn trên thị trường tiền tệ và rẻ hơn thì lập tức sẽ tạo ra dòng vốn sang những thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, kích thích các thị trường này phát triển. Vì vậy yêu cầu ngân hàng công khai lãi suất cho vay rất có ý nghĩa".

Tuy nhiên có một vấn đề khiến các ngân hàng rơi vào thế khó. Khi ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp thì phải đánh đổi rất nhiều thứ. Một là phải quan tâm nhiều hơn tỉ giá VND/USD. Thứ hai là rủi ro có khả năng gia tăng ở khía cạnh hoạt động tín dụng trên thị trường tiền tệ.

Cần phải hiểu, lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động bình quân cộng biên độ dao động. Với ngân hàng có CASA lớn, có nguồn tiền gửi tốt với mức lãi suất tốt thì lãi suất huy động bình quân sẽ rất thấp. Còn biên độ dao động có kết cấu gồm chi phí hoạt động cộng với phần bù rủi ro của đối tượng người đi vay cộng thêm phần lợi nhuận mà ngân hàng kỳ vọng có được.

Vì vậy rất khó để khẳng định lãi suất cho vay cơ sở là bao nhiêu. Theo lý thuyết, các ngân hàng công bố lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động làm tăng tính minh bạch, giúp khách hàng (KH) lựa chọn. Nhưng trên thực tế, lãi suất cho vay ngân hàng phải dựa trên cơ sở rủi ro KH, các nhóm KH, tài sản đảm bảo từng KH và cân đối lợi ích tổng thể của KH.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới liên tiếp phá kỷ lục mới nhờ triển vọng Fed sẽ sớm hạ lãi suất. Giá vàng trong nước, cũng liên tục thiết lập các mức cao mới và vượt mốc 82 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Hiện tại, giá mua vào cao nhất của vàng miếng SJC ở mức 79,9 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao nhất đạt mốc kỷ lục 82,22 triệu đồng/lượng. Tính chung tuần, giá vàng trong nước đã tăng 1,2 - 2 triệu đồng/lượng. 

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (24.840 đồng), giá vàng thế giới tương đương  65,18 triệu đồng/lượng, thấp hơn 17,02 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

  • Thế giới

Dow Jones chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2023, chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Sáu (08/03), khép lại một tuần đầy biến động khi đà leo dốc đáng kinh ngạc của cổ phiếu Nvidia đã tạm dừng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/03, chỉ số S&P 500 lùi 0.65% xuống 5,123.69 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1.16% còn 16,085.11 điểm. Cả 2 chỉ số này đều rơi vào vùng tiêu cực sau khi tăng lên các mức cao mọi thời đại mới vào đầu phiên. Chỉ số Dow Jones hạ 68.66 điểm (tương đương 0.18%) xuống 38,722.69 điểm.

Cả 3 chỉ số chính đều kết thúc tuần đầy biến động với sắc đỏ. S&P 500 mất 0.26% trong tuần này, còn Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0.93% và 1.17%. Mức giảm này đánh dấu tuần tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ tháng 10/2023.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Sáu khi đà leo dốc trước đó của cổ phiếu Nvidia mất đà. Cổ phiếu trí tuệ nhân tạo được ưa thích đã sụt hơn 5% trong phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5/2023.

Bất chấp sự tạm dừng đó, cổ phiếu Nvidia vẫn vọt hơn 6% trong tuần. Đó là một phần của đợt leo dốc bùng nổ đã góp phần bổ sung thêm 1 ngàn tỷ USD vào vốn hoá thị trường của cổ phiếu này chỉ tính từ đầu năm mới đến nay.

Sam Stovall, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại CFRA Research, nhận định: “Điều đó không có nghĩa là tiềm năng tăng giá dài hạn đã kết thúc. Nó chỉ nói lên rằng có lẽ chúng ta đã đi trước chính mình: chúng ta đã rơi vào tình trạng mua quá mức, và đã đến lúc chốt lời”.

Mặc dù Nvidia đã gây áp lực lên lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Apple vẫn tiến 1% trong phiên ngày 08/03. Với mức tăng đó, cổ phiếu này đã chấm dứt chuỗi suy giảm dài nhất kể từ đầu năm 2022, kéo dài 7 ngày. Tuy nhiên, cổ phiếu Apple vẫn sụt gần 5% trong tuần, khiến nó trở thành cổ phiếu hoạt động tệ nhất trong số các cổ phiếu thuộc Dow Jones.

Trong khi đó, dữ liệu việc làm tháng 2 của Mỹ công bố vào sáng ngày thứ Sáu đưa ra một số tín hiệu trái ngược về thời điểm an toàn để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất.

Một mặt, số việc làm tăng thêm trong tháng trước nhiều hơn dự báo, đạt 275,000 việc làm so với dự báo 198,000 việc làm từ cuộc thăm dò của Dow Jones. Dữ liệu này có thể ám chỉ nền kinh tế vẫn đang hoạt động khá nóng.

Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 3.9% và tăng trưởng tiền lương thấp hơn lo ngại, mang đến hy vọng rằng lạm phát đã hạ nhiệt đủ để xoa dịu Fed. Dữ liệu tăng trưởng việc làm tháng 1 cũng được điều chỉnh thấp hơn.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 04-08/03/2024 tình hình đang chuyển biến xấu đi. VN-Index giảm sâu đồng thời khối lượng giao dịch bật tăng mạnh kể từ tháng 09/2023 đến nay cho thấy sự bi quan đang chi phối tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, việc khối ngoại quay lại bán ròng càng khiến tình hình của chỉ số chuyển biến tiêu cực hơn.

Các chỉ số chính giảm mạnh trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index giảm 21.11 điểm, về mức 1,247.35 điểm; HNX-Index giảm 1.04 điểm, kết phiên về mức 236.32 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 10.93 điểm (-0.87%), HNX-Index giảm 0.11 điểm (-0.05%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch khá tiêu cực khi bắt đầu xuất hiện nhịp giảm và đà tăng của chỉ số bị chững lại trong tuần qua. Bên cạnh đó, khối ngoại quay lại bán ròng liên tiếp 4/5 phiên càng khiến cho tâm lý bi quan của nhà đầu tư tăng cao. Kết phiên, VN-Index đóng cửa với mức giảm 21.11 điểm, tương đương 1.66%.

Xét theo mức độ đóng góp, NABHVN và DCM là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp hơn 0.6 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, BIDCTG và TCB là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng BID đã lấy đi hơn 3 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 08/03/2024, chỉ số giảm điểm mạnh và bao trùm sắc đỏ hầu hết các nhóm ngành. Riêng nhóm ngành ghi nhận đóng góp tích cực duy nhất cho chỉ số là nhóm sản phẩm cao su. Cụ thể, các mã cổ phiếu nhóm này vẫn giữ mức tăng tốt từ đầu phiên như DRC (+5.7%), CSM (+1.55%), SRC (+0.68%).

Ngược lại, ngành ngân hàng ghi nhận tiêu cực nhất với mức giảm 2.34%. Hầu hết các mã cổ phiếu nhóm này đều giảm điểm khá sâu như BID, CTG, VPB, TCB, MBBSTBTPBLPBMSBEIB,…

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng hơn 976 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 1,013 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 37 tỷ đồng trên sàn HNX.

VRC tăng 25.89%: VRC ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 25.89%. Cổ phiếu liên tục tăng mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Rising Window cho thấy tâm lý phấn khởi của nhà đầu tư đang hiện hữu.

Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought). Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn sẽ xuất hiện trong thời gian tới nếu chỉ báo cho tín hiệu bán trở lại.

NO1 giảm 16.73%: NO1 trải qua tuần giao dịch đầy tiêu cực khi xuất hiện mẫu hình nến Falling Window và Black Marubozu. Đồng thời cổ phiếu ghi nhận giảm 5 phiên liên tiếp trong tuần qua cho thấy sự bi quan đang chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến vào vùng quá bán (oversold). Nếu chỉ báo này xuất hiện tín hiệu mua trở lại thì triển vọng ngắn hạn sẽ lạc quan hơn.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối này đã mua ròng 260.280 đơn vị, trong khi tuần trước bán ròng 21.030 đơn vị; tổng giá trị bán ròng đạt 19,75 tỷ đồng, tăng 14,69% so với tuần trước.

Trong đó, khối này mua vào 4,53 triệu đơn vị, giá trị đạt 137,36 tỷ đồng (tăng 65,8% về lượng và 33,63% về giá trị so với tuần trước) và bán ra 4,27 triệu đơn vị, giá trị 157,11 tỷ đồng (tăng 55% về lượng và 30,91% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,247,35

1,346,110,974

32,502,65

1,124,118,861

2,308,46

HNX-Index

236,32

136,438,180

2,601,99

117,597,092

2,308,46

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC