Tin kinh tế vĩ mô
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương.
Theo đó, trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ucraina tiếp tục kéo dài; một số nền kinh tế lớn tiếp tục suy giảm tăng trưởng và đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế; trong nước, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, Chính phủ đã đưa ra 4 nhiệm vụ chính trong phiên họp lần này:
(i) Nỗ lực cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Chú trọng triển khai các biện pháp hỗ trợ, chăm lo đời sống một bộ phận người lao động; (iii) Mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư; (iv) Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả”.
Đặc biệt, Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: điều hành chính sách tài khóa chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ có thể điều hành tín dụng, lãi suất ở mức hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; bám sát diễn biến, tình hình giá cả thị trường, thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá linh hoạt, thận trọng, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định hiện hành, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, …; kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đi công tác, khánh tiết, hội thảo, hội nghị, ...; sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023; khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư; căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo các nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ yêu cầu: Bộ Tài chính bám sát Đề án để có phương án huy động nguồn lực thực hiện Chương trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình phân bổ chi tiết, giải ngân nguồn vốn của Chương trình trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan, địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng. NHNN khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trong tháng 2/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các NHTM; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.
- Thị trường ngoại tệ
Trong tuần từ 6-10/2, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 10/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.606 VND/USD, tăng 20 đồng so với cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.450 VND/USD, giá bán ở mức 24.780 VND/USD. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng mạnh đầu tuần và giảm nhẹ trở lại 2 phiên cuối tuần. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 10/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.575 VND/USD, tăng mạnh 121 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trên thị trường tự do, tỷ giá tiếp tục tăng qua hầu hết các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 10/2, tỷ giá tự do tăng 65 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.575 VND/USD và 23.625 VND/USD.
Đồng USD đã tăng cao hơn vào phiên cuối tuần trong bối cảnh thận trọng trước việc công bố dữ liệu lạm phát quan trọng vào tuần tới. Chỉ số USD index đã giao dịch trong một phạm vi tương đối chặt chẽ trong tuần này khi các nhà giao dịch đang tập trung phân tích dữ liệu kinh tế và cố gắng xem xét các bài phát biểu của một loạt các nhà hoạch định chính sách của Fed để tìm manh mối về tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai. USD Index hiện ở mức 103,58. Tỷ giá EUR/USD giảm 0,6% ở mức 1,0679. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,5% ở mức 1,2060. Tỷ giá USD/Yen Nhật giảm 0,11% ở mức 131,40.
- Thị trường nội tệ
Tuần qua đã diễn ra Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tại đây, ngành ngân hàng đã đưa ra những quan điểm đáng chú ý về tín dụng bất động sản.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp phát hành lượng lớn tín phiếu 7 ngày với tổng giá trị đạt gần 85.000 tỷ đồng. Trong khi chỉ có 15.000 tỷ tín phiếu đáo hạn. Tính chung, cơ quan quản lý tiền tệ đã rút ra khỏi hệ thống gần 70.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN vẫn tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho một vài ngân hàng có nhu cầu trong 4 phiên đầu tuần, song tổng quy mô đã giảm về còn hơn 8.406 tỷ so với mức hàng chục nghìn tỷ trong những tuần trước.
Đáng chú ý, đến phiên giao dịch cuối tuần qua 10/2, NHNN không còn phải hỗ trợ thanh khoản cho bất kỳ thành viên nào. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua không có ngân hàng nào vay nóng NHNN để bù đắp thanh khoản ngắn hạn.
Ở chiều ngược lại, có gần 80.819 tỷ đồng các khoản vay OMO đáo hạn trong tuần qua, tương ứng với số tiền các thành viên thị trường trả lại Nhà điều hành. Như vậy, tổng lượng tiền được rút ra khỏi hệ thống qua kênh OMO trong tuần qua là gần 72.413 tỷ đồng.
Tổng cộng trên cả hai kênh tín phiếu và OMO, NHNN đã hút ròng gần 142.413 tỷ đồng trong tuần qua - mức hút ròng cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Bất chấp hoạt động hút ròng thanh khoản mạnh của NHNN, lãi suất liên ngân hàng lại giảm trong tuần qua.
Theo số liệu mới nhất vừa được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 95% khối lượng giao dịch) đã giảm về mức 5,49% vào ngày 9/2, từ mức 5,72% trong phiên trước đó và 6,21% ghi nhận vào cuối tuần trước. Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đồng loạt giảm 0,26 – 1,12 điểm % so với cuối tuần trước.
Sáng ngày 8/2, tại trụ sở NHNN đã diễn ra Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản lớn đã đưa ra một loạt các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường như: Giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro, cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị, mở room tín dụng riêng cho BĐS, hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, có cơ chế riêng về tín dụng BĐS du lịch (condotel), miễn giảm lãi, điều kiện vay vốn, sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay, nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỷ năm 2013.
NHNN khẳng định, NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. NHNN chỉ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay NHNN vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác.
Thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có vướng mắc về tín dụng. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng, các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung. Nếu vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Do đó, khi nền kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính tiền tệ có rủi ro bất ổn định, chắc chắn các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách kinh tế để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đó là sự đánh đổi. Do đó, các doanh nghiệp phải theo dõi diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới, các chính sách của Chính phủ để chủ động việc đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều cần chú trọng trong việc quản trị dòng tiền của mình. Có những doanh nghiệp có rất nhiều dự án và tài sản giá trị lớn, nhưng khi cần tiền ngay lại khó vì bán một dự án không phải dễ, việc này phụ thuộc vào người mua, vào thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính,…
Bản thân các doanh nghiệp cần phải có giải pháp cơ cấu và quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Nếu doanh nghiệp cứ phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt sẽ gặp khó khăn. Hôm 7/2, một số ngân hàng lớn trong nhóm Big4 đã rục rịch triển khai đến các chi nhánh về việc giảm lãi suất huy động dân cư, các chi nhánh căn cứ theo chỉ đạo này để cân đối, huy động vốn đảm bảo hiệu quả hoạt động. Mức lãi suất tối đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 10/2/2023, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 5,39%, 1 tuần lên 5,47%, 2 tuần lên 5,77%, 1 tháng 7,35, 3 tháng lên 8,68%, 6 tháng lên 8,29 và 9 tháng lên 9,61%.
Thị trường Vàng
Tuần qua, giá vàng trong tiếp tục diễn biến với xu hướng tăng giảm liên tục theo diễn biến của thị trường vàng thế giới trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ - điều có thể ảnh hưởng tới lộ trình chính sách tiền tệ của Fed. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 66,40 – 67,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 7/2 và cao nhất 66,55 – 67,35 triệu đồng/lượng trong các ngày từ 8-10/2.
Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.745 đồng), giá vàng thế giới tương đương 53,35 triệu đồng/lượng, thấp hơn 14,07 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Thị trường Bất động sản
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/2, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ không để BĐS thiếu roon tín dụng và thống nhất lãi suất huy động để ổn định thị trường. Tính đến cuối 2022, BĐS chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ với nền kinh tế, mức cao nhất trong 5 năm qua. Ngân hàng Nhà nước vẫn cấp tín dụng cho những dự án có phương án vay vốn khả thi theo đúng quy định, chỉ kiểm soát chặt chẽ với một số phân khúc có rủi ro cao như đầu cơ, kinh doanh phân khúc lớn có tính đầu cơ dẫn đến tình trạng bong bóng. Phó Thống đốc NHNN khẳng định không có quy định room riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp kiểm soát lạm phát và sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm. Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận tín dụng, NHNN tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, trong đó có lĩnh vực BĐS. Bên cạnh đó, NHNN khẳng định nguồn vốn chảy vào BĐS thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Còn phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung, kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường sẽ vẫn sẽ kiểm soát chặt rủi ro.
Thị trường Chứng khoán
S&P 500 và Nasdaq Composite có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022, chỉ số S&P 500 tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (10/02), nhưng vẫn ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong gần 2 tháng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0.2% lên 4,090.46 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 169.39 điểm (tương đương 0.5%) lên 33,869.27 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.61% xuống 11,718.12 điểm.
Bất chấp đà tăng điểm trong ngày thứ Sáu của Dow Jones, chỉ số này vẫn mất 0.17% trong tuần qua. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.11% và 2.41% trong tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.
Shana Sissel, Nhà sáng lập Banríon Capital Management, cho biết các nhà đầu tư đã xem xét đợt nâng lãi suất gần đây nhất, dữ liệu kinh tế và những nhận định gần đây từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều đó dẫn đến diễn biến thị trường chứng khoán trong phiên vì nhà đầu tư thay đổi vị thế trong khi dự báo ngân hàng trung ương sẽ hành động như thế nào đối với lãi suất trong tương lai.
“Có một số tín hiệu lẫn lộn ở đây, mà tôi nghĩ đó là lý do tại sao sự biến động lại tăng lên. Không thức sự có sự thống nhất với các chỉ số chính giúp bạn tự tin hơn về những gì sắp diễn ra. Và thị trường ghét điều đó”, bà Sissel nói.
Cổ phiếu nền tảng gọi xe Lyft bốc hơi hơn 36% sau báo cáo tài chính quý 4/2022 gây thất vọng. Cổ phiếu Expedia cũng sụt hơn 8% say khi công bối doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với kỳ vọng.
Đó là những báo cáo kinh doanh mới nhất về một quý mà Phố Wall xem là kém hiệu quả. Với gần 70% công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo lợi nhuận, khoảng 70% trong số đó có lợi nhuận vượt kỳ vọng. Theo Earnings Scout, đó là tỷ lệ số công ty có kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng thấp hơn so với tỷ lệ trung bình lịch sử trong 3 năm là 79%.
Thị trường chứng khoán trong nước
Chứng khoán tuần 06-10/02/2023 đà giảm dự kiến sẽ còn tiếp diễn. VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm khi sụt giảm gần 22 điểm với khối lượng giao dịch ở mức thấp. Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh vẫn đang ở mức cao. Thị trường giao dịch tiêu cực trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 8.73 điểm, xuống còn 1,055.3 điểm; HNX-Index giảm 2.41 điểm, kết phiên ở mức 208.5 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 21.85 điểm (-2.03%), HNX-Index giảm 6.78 điểm (-3.15%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 456 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 34.45% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 55 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 25.36% so với tuần giao dịch trước.
Thị trường chứng khoán có tuần giảm dịch ảm đạm với sự chiếm ưu thế lớn của bên bán. Dù tăng tốt ở phiên đầu tuần nhưng chỉ số lại sụt mạnh hơn 23 điểm ngay phiên sau đó với áp lực giảm từ nhóm cổ phiếu Large Cap. Chỉ số hồi phục nhẹ rồi tiếp tục có xu hướng giảm điểm khi mà khối lượng giao dịch liên tục duy trì ở mức thấp. Tính cho cả tuần, VN-Index sụt mạnh 21.85 điểm, xuống mức 1,055.3 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, VIC, MWG và MSN là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, VCB, GAS, PLX những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VCB đã góp hơn 3 điểm tăng cho chỉ số.
Bất chấp sự sụt giảm của thị thị trường chung, ngành tiện ích lại có tuần giao dịch ít biến động. Ông lớn GAS và BWE tăng nhẹ lên trên mức tham chiếu. Nhóm cổ phiếu phát điện như PGV, GEG, PPC hay NT2 hiện sắc xanh tương đối tích cực, PC1 thậm chí còn tăng mạnh 10.52%.
Theo Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu là 1,826.22 đồng/kWh, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2,444.09 đồng/kWh. So với mức khung giá bán lẻ điện được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng và giá tối đa tăng 538 đồng/kWh. Điều này đã tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu này.
Cùng với đó, nhiều cổ phiếu ngành chế biến thủy sản cũng bật tăng tương đối tốt. Các mã như ANV, CMX, ACL đều ghi nhận sự bứt phá khi tăng quanh mức 11%-16%. Hiện các doanh nghiệp thủy sản đang đón đơn hàng tăng đột biến, đặc biệt là đơn hàng đến từ Trung Quốc (vừa mở cửa sau chính sách Zero Covid-19) và Mỹ. Hàng vạn công nhân nhà máy tôm, cá… cũng đã bắt đầu quay trở lại công việc ngay đầu năm. Đây là thông tin tích cực với nhóm cổ phiếu này.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 773 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng gần 725 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 47 tỷ đồng trên sàn HNX.
CMX tăng 11.67%: CMX có tuần giao dịch ấn tượng khi bứt phá với khối lượng giao dịch tăng trưởng mạnh. Giá cổ phiếu đã vượt hoàn toàn đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày cho thấy triển vọng tích cực của cổ phiếu trong ngắn hạn.
MWG giảm 11.92%: MWG có tuần giảm dịch ảm đạm. Giá cổ phiếu liên liên tục hình thành những cây nến đỏ với khối lượng giao dịch thấp cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Chỉ báo MACD đã cho tín hiệu bán và chuẩn bị cắt xuống dưới ngưỡng 0 nên rủi ro trong ngắn hạn sẽ còn tiếp diễn.
DXG giảm 13.43%: DXG giảm mạnh hơn 13% trong tuần qua. Giá cổ phiếu đã cắt hoàn toàn xuống dưới đường SMA 50 ngày và chỉ báo MACD đã cắt xuống dưới ngưỡng 0 nên rủi ro là rất cao.
Thị trường Upcom
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài tuần này bán ròng 29 tỷ đồng, toàn bộ trên kênh khớp lệnh.
Cổ phiếu BSR dẫn đầu danh sách bán ròng tuần qua khi bị khối ngoại bán ròng 43 tỷ đồng, toàn bộ trên kênh khớp lệnh, theo sau là VEA cũng bị bán ròng 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có ACV, SKH, HND,...
Tại chiều mua vào, cổ phiếu QNS là điểm sáng khi được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với khoảng 26 tỷ đồng, hai cổ phiếu là MML và VTP cũng được mua ròng lần lượt 3 tỷ đồng và 2 tỷ đồng tại mỗi mã. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến CST, MCH, PHP, CSI.
Chỉ số |
Điểm |
KLGD (triệu đơn vị) |
GTGD (tỷ đồng) |
KLGD bình quân/ phiên trong tuần |
GTGD bình quân/ phiên trong tuần |
Vn-Index |
1.055.30 |
463,941.839 |
8,160,93 |
541,464,441 |
9,833,53 |
HNX-Index |
208,5 |
48,735.800 |
692,5 |
55,060,380 |
817,57 |
UpCom-Index |
77,34
|
31.222.275
|
310,06
|
27,711,083
|
349,976
|
Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC