Tin kinh tế vĩ mô
Căn cứ Thông tư 79/2022/TT-BTC, Nghị định 91/2022/NĐ-CP, trong năm 2023 sẽ có một số thay đổi liên quan đến thủ tục về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như: thay bản chụp Sổ hộ khẩu bằng một số loại giấy tờ khác, có thêm một trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế…
Thay bản chụp Sổ hộ khẩu bằng một số loại giấy tờ khác
Theo Thông tư 79/2022/TT-BTC, do Sổ hộ khẩu đã chính thức bị bãi bỏ từ ngày 1/1/2023 nên Sổ hộ khẩu sẽ được thay bằng Giấy xác nhận thông tin về cư trú để chứng minh được mối quan hệ vợ chồng trong trường hợp người phụ thuộc là vợ hoặc chồng. Bên cạnh Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… cũng có giá trị để chứng minh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Sắp tới không cần nộp giấy tờ chứng minh người phụ thuộc
Thông tư 79 cũng quy định kể từ ngày Cơ quan thuế thông báo hoàn thành việc kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người nộp thuế không phải nộp các giấy tờ chứng minh người phụ thuộc nêu trên nếu thông tin trong những giấy tờ này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thông tin về thời điểm cơ quan thuế hoàn thành kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thêm một trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế
Nghị định 91/2022/NĐ-CP quy định, người khai thuế TNCN là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không cần phải nộp hồ sơ khai thuế.
Ví dụ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, mà doanh nghiệp thuộc trường hợp kê khai thuế theo tháng, quý, nhưng trong tháng đó người lao động nghỉ không lương thì doanh nghiệp không phải làm thủ tục khai thuế.
Áp dụng quy định khai thuế, nộp thuế thay cho người có thu nhập từ chứng khoán
Cũng theo Nghị định 91, bắt đầu từ năm 2023, áp dụng quy định khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân đó chuyển nhượng chứng khoán.
Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân tùy từng trường hợp sẽ là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tải khoản lưu ký, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư.
Trường hợp cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán được ghi nhận vào tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư từ 31/12/2022 trở về trước và chưa được các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư, tổ chức phát hành chứng khoán khai thuế thay, nộp thuế thay thì cá nhân thực hiện khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế Thu nhập cá nhân và không bị xử phạt vi phạm hành chính về, không bị tính tiền chậm nộp (nếu có).
- Thị trường ngoại tệ
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 13-17/2, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng cả tuần qua. Chốt ngày 17/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.639 VND/USD, tăng 13 đồng so với cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở 23.450 VND/USD, giá bán ở 24.780 VND/USD. Tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 17/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.822 VND/USD, tăng 247 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng nằm trong xu hướng tăng trong tuần qua.
Đồng USD tiếp tục tăng nhờ được hỗ trợ bởi giá sản xuất cao hơn dự kiến và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, ám chỉ rằng Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) sẽ phải duy trì các đợt tăng lãi suất để chống lạm phát trong thời gian tới. USD Index hiện ở mức 104,19. Tỷ giá EUR/USD giảm 0,09% ở mức 1,0662. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,22% ở mức 1,1962. Tỷ giá USD so với Yen Nhật tăng 0,27% ở mức 134,30.
- Thị trường nội tệ
Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm nay, tín dụng được định hướng tăng trưởng 14-15%, cao hơn mức 14.17% của năm ngoái. NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản. Không đặt ra room tín dụng riêng cho bất động sản, thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều ngành sản xuất. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, thị trường này có tăng trưởng cao, tuy nhiên hiện nay thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tín dụng cho lĩnh vực BĐS luôn có tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; tiết kiệm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn.
Để phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững thì cần phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
Về định hướng tín dụng, năm nay tăng trưởng 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về BĐS.
4 ngân hàng thương mại Nhà nước thống nhất dành gói tín dụng 120,000 tỷ đồng, gói tín dụng 110,000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN cho biết việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS. Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120,000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1.5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. NHNN sẽ theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.
Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 17/2/2023, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 4,64%, 1 tuần lên 4,86%, 2 tuần lên 5,40%, 1 tháng 6,44, 3 tháng lên 7,70%, 6 tháng lên 9,63 và 9 tháng lên 9,61%.
Thị trường Vàng
Tuần qua, giá vàng trong tiếp tục diễn biến với xu hướng giảm theo diễn biến của thị trường vàng thế giới sau khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ dấy lên triển vọng rằng Fed sẽ trở lại với lập trường bảo thủ hơn để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 66,35 – 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 17/2 và cao nhất 66,60 – 67,40 triệu đồng/lượng trong các ngày 13/2.
Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.980 đồng), giá vàng thế giới tương đương 53,21 triệu đồng/lượng, thấp hơn 13,94 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Thị trường Bất động sản
Ngày 17/2, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị về tín dụng bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, những khó khăn, vướng mắc thị trường bất động sản gặp phải trong thời gian qua gồm: liên quan đến pháp luật về đất đai: khó khăn vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường" (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án); khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai; giá bán, giá cho thuê, mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp,... trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp…
Các doanh nghiệp bất động sản thì đưa ra những khó khăn về cơ chế, vay vốn, thiếu vốn để trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn…Các cơ quan chủ quản cũng như doanh nghiệp đưa ra những đề xuất để hỗ trợ thị trường bất động sản như: hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)......; Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016) cấp cho các NHTM để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay; hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng; nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu; Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 65 để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; nghiên cứu hình thức chuyển đổi trái phiếu thành bất động sản; đề nghị xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư…
Về các giải pháp cho thị trường bất động sản từ phía NHNN, NHNN cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; tiết kiệm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn. NHNN cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản. NHNN đã họp với 4 NHTM Nhà nước, các NHTMNN thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất. Về cơ cấu thời hạn trả nợ, NHNN sẽ tham chiếu ý kiến đánh giá của Bộ Xây dựng xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ, để có các giải pháp tháo gỡ riêng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, không ai giải cứu ai.
Thị trường Chứng khoán
Dow Jones giảm tuần thứ 3 liên tiếp dù khởi sắc trong phiên, chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều vào ngày thứ Sáu (17/02), khi lạm phát cao và lãi suất tăng trở lại tiếp tục gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/2), chỉ số Dow Jones cộng 129.84 điểm (tương đương 0.39%) lên 33,826.69 điểm. Chỉ số này đã phục hồi từ mức đáy trong phiên nhờ cổ phiếu Amgen và United Health, lần lượt tăng 2.69% và 2.41%.
Trong khi, chỉ số S&P 500 lùi 0.28% xuống 4,079.09 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.58% còn 11,787.27 điểm. Năng lượng là lĩnh vực giảm mạnh nhất. Cổ phiếu Devon Energy sụt 4.29%, khiến chỉ số S&P 500 giảm điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đều chạm mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11/2022, qua đó gây áp lực lên chứng khoán Mỹ vào đầu phiên.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong tuần qua. Dow Jones lùi 0.13% trong tuần, đánh dấu tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp – lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022. S&P 500 mất 0.28% trong tuần, ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp. Trong khi Nasdaq Composite tăng 0.59% trong tuần.
Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về việc nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ đứng vững như thế nào khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát cao. Trong một bài phát biểu vào ngày thứ Sáu, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết còn một chặng đường dài phía trước để ngân hàng trung ương đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%.
Thị trường diễn biến trái chiều sau khi các chỉ số chính đều giảm hơn 1% vào ngày thứ Năm (16/02), sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI tháng 1 – một thước đo lạm phát theo dõi giá bán buôn – tăng 0.7%, cao hơn dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Tuần tới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi mùa báo cáo lợi nhuận để tìm kiếm dấu hiệu về sức mạnh hay sự suy yếu của người tiêu dùng. Home Depot, Walmart và Etsy dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào tuần tới.
Thị trường chứng khoán trong nước
Chứng khoán tuần 13-17/02/2023 rủi ro sụt giảm vẫn còn, VN-Index giao dịch thận trọng khi chỉ tăng nhẹ hơn 4 điểm trong tuần. Tuy nhiên, rủi ro giảm điểm là vẫn còn khi khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì dưới trung bình 20 ngày và khối ngoại đã bán ròng trở lại.
Thị trường giao dịch giằng co trong phiên cuối tuần, VN-Index tăng nhẹ 1.02 điểm, lên 1,059.31 điểm; HNX-Index giảm 0.89 điểm, kết phiên ở mức 209.95 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 4.01 điểm (+0.38%), HNX-Index tăng 1.4 điểm (+0.7%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 455 triệu cổ phiếu/phiên, giảm nhẹ 0.16% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 60 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 11.78% so với tuần giao dịch trước.
Thị trường chứng khoán có tuần giảm dịch thận trọng. Nối tiếp đà giảm từ tuần trước, VN-Index sụt liên tiếp hai phiên đầu tuần với mức giảm lần lượt là 11.6 điểm và 5.06 điểm. Bên mua có sự trở lại giúp VN-Index hồi phục sau đó. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn hiện diện trên thị trường khi khối lượng giao dịch liên tục duy trì ở mức thấp dưới trung bình 20 ngày gần nhất. Tính cho cả tuần, VN-Index tăng nhẹ 4.01 điểm, lên mức 1,059.31 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, BID, TCB, HPG, CTG, GAS là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Tính riêng BID đã góp gần 4 điểm tăng cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHM, VCB, NVL và VIC là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu dầu khí có tuần giao dịch ấn tượng. Mã PVS ghi nhận mức tăng tốt 9.24%, PVD leo dốc 8.62%, PVC tiến tốt 6.47%, PVB tăng 4.1%. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 15/2 cho biết cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% mức tăng nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19. Thế giới có thể thiếu dầu nửa cuối năm nay. Trong khi đó, sản lượng từ Nga có thể vẫn bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Điều này sẽ tác động tích cực giúp giá dầu thế giới tiếp tục tăng và giữ ở mức cao.
Ngành vật liệu xây dựng cũng có tuần giao dịch tích cực. Nổi bật trong đó là nhóm cổ phiếu sắt thép. Cổ phiếu NKG tăng mạnh 12.59%, HSG tăng 7.64%, HPG tiến 2.44%.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 478 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 541 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 63 tỷ đồng trên sàn HNX.
LCG tăng 17.73%: LCG có tuần giao dịch ấn tượng với mức tăng gần 18% và tiến lên test lại vùng 11,500-12,000 (tương đương đỉnh cũ tháng 8/2022 và tháng 9/2022). Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh mẽ và liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy dòng tiền đang trở lại cổ phiếu này.
KSB tăng 12.79%: KSB liên tiếp tăng giá trong tuần với khối lượng tốt. Chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu mua và MACD đang chuẩn bị cắt lên, điều này cho thấy triển vọng trong ngắn hạn của cổ phiếu là khá lạc quan.
VKC giảm 25%: Sau thông tin CTCP VKC Holdings (HNX: VKC) bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cảnh báo khả năng hủy niêm yết do kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, giá cổ phiếu đã liên tục lao dốc trong tuần qua. Hiện VKC đang giao dịch với mức giá 1,200 đồng/cp.
Thị trường Upcom
Trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã trở lại mua ròng 736.300 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 16,46 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng xấp xỉ 2,3 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 29,61 tỷ đồng.
Cụ thể, khối này đã mua vào 1,62 triệu đơn vị, giá trị 44,55 tỷ đồng (giảm 31% về lượng và 41,4% về giá trị so với tuần trước); đồng thời bán ra 0,89 triệu đơn vị, giá trị 28,09 tỷ đồng (giảm 80,92% về lượng và 73,41% về giá trị so với tuần trước đó).
Chỉ số |
Điểm |
KLGD (triệu đơn vị) |
GTGD (tỷ đồng) |
KLGD bình quân/ phiên trong tuần |
GTGD bình quân/ phiên trong tuần |
Vn-Index |
1.059.31 |
465,080.299 |
8,499,99 |
520,740,755 |
8,637,65 |
HNX-Index |
209,95 |
60,131.200 |
916,17 |
60,360,980 |
919,72 |
UpCom-Index |
78,94
|
47.474.326
|
370,52
|
31,152,735
|
376,906
|
Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC