Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 15/01/2024 đến ngày 19/01/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng, ước thực hiện 12 tháng năm 2023.

Theo báo cáo, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch (đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.686 tỷ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong khi đó, nguồn vốn kéo dài sang năm 2023 ước đến 31/12/2023 còn khoảng 11.749 tỷ đồng chưa được giải ngân.

Dù số vốn đầu tư công còn lại cần giải ngân là rất lớn, Thủ tướng vẫn giữ nguyên mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2023. Do đó, tháng 1/2024 sẽ là cao điểm giải ngân của năm với con số ước khoảng 186,560 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân đầu tư công diễn ra chậm so với kế hoạch là do một số nguyên nhân sau: chưa giải quyết được triệt để những mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất một số quy định của pháp luật; việc phân cấp, phân quyền còn hạn chế, vướng mắc, chưa cụ thể được trách nhiệm của từng cấp; một số quy định hiện chưa đầy đủ hoặc không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, như quy định về quy hoạch sử dụng đất, khoáng sản, giải phóng mặt bằng, định mức, đơn giá xây dựng, định mức đầu tư đối với dự án không có cấu phần xây dựng…, gây khó khăn cho quá trình thực hiện dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch chưa tốt, chưa sát với khả năng triển khai thực hiện, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định. Thêm vào đó là tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do việc tập trung triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực…

Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023, các cơ quan quản lý yêu cầu các chủ đầu tư cũng cần sớm nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng gửi Kho bạc nhà nước thanh toán. Các chủ đầu tư cũng cần sớm có phương án với số vốn không giải ngân hết, chỉ đề xuất kéo dài với một số dự án thực sự cần thiết, có khả năng tiếp tục thực hiện, ngoài ra có thể đề xuất điều chuyển vốn nhằm tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công.

Sang năm 2024, đầu tư công tiếp tục được nhận định là động lực quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng. Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2024, ngay từ giữa tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1603/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu giải ngân đạt 95%.

Trước đó, trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào mùa Thu năm 2023, Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023. Nếu bao gồm cả phần chuyển vốn từ 2023, ước tính kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho năm 2024 vào khoảng 750.000 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư công được tập trung trong giai đoạn 2024 - 2025 bao gồm: Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành,...

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 15-19/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm nhẹ đầu tuần rồi tăng mạnh 2 phiên cuối. Chốt ngày 19/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.037 VND/USD, tăng 61 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi đó giá mua USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.188 VND/USD. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tiếp tục biến động tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên 19/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.536 VND/USD, tăng tiếp 37 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trên thị trường thế giới, USD tiếp tục tăng sau khi dữ liệu thị trường lao động cho thấy việc làm tăng trưởng, duy trì kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất từ ​​Cục Dự trữ Liên bang trong tầm kiểm soát. USD Index hiện ở mức 103,37. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,05% ở mức 1,0882. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,01% ở mức 1,2706. Tỷ giá USD/so với Yen Nhật giảm 0,07% ở mức 148,06.

- Thị trường nội tệ

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hôm 18/1/2024. Luật gồm 15 chương, 210 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần lấp đầy những lỗ hổng trong quản trị hệ thống ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động tín dụng, tiền tệ an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn. Những quy định mới trong luật nhằm hạn chế tình trạng thao túng, tiêu cực, “sân sau’’, kiểm soát rủi ro, từ đó bảo vệ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác liên quan đến lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần này bảo đảm kịp thời và đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu.

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được kéo dài nhưng hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Như vậy khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu đã và đang gia tăng. Tôi rất mong các bộ ngành và địa phương sớm bắt tay thực hiện luật.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp cho nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay được tháo gỡ; góp phần kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng mới như ngân hàng điện tử, ngân hàng số, cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động Fintech (công nghệ tài chính)…

Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Đồng thời giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Các điểm mới của Luật có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.

Về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin, trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng, luật vừa thông qua đã điều chỉnh quy định về giảm tỷ lệ sở hữu với tổ chức, cá nhân và người liên quan (trừ quỹ tín dụng nhân dân); giảm giới hạn tín dụng để cho phép các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực theo lộ trình.

Ngoài bổ sung quy định công khai thông tin với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, các quy định về tài chính, báo cáo tài chính (vốn, doanh thu, chi phí, lãi phải thu), dự phòng rủi ro… cũng được đưa Luật vào nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, tổ chức tín dụng phát triển bền vững, phù hợp chuẩn mực quốc tế về tài chính, kế toán.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

Việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến tăng giảm liên tục. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC điều chỉnh giảm tại các hệ thống cửa hàng sau khi bật tăng mạnh đến hơn 800.000 đồng/lượng vào phiên trước. Giá mua vào là 73,8 triệu đồng/lượng và bán ra 76,8 - 76,82 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng không thay đổi ở chiều bán. 

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (24.715 đồng), giá vàng thế giới tương đương 60,41 triệu đồng/lượng, thấp hơn 16,49 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

S&P 500 tăng hơn 1% lên mức cao nhất mọi thời đại, chỉ số S&P 500 khép phiên ở mức cao nhất mọi thời đại vào ngày thứ Sáu (19/01), khi nhà đầu tư quay trở lại mua vào cổ phiếu sau đợt suy giảm ngắn của thị trường hồi đầu năm mới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/01, chỉ số S&P 500 tăng 1.23% lên 4,839.81 điểm, vượt cả mức cao kỷ lục trước đó trong phiên và mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 1/2022. Trong khi, chỉ số Dow Jones, đã lập kỷ lục của mình vào cuối năm ngoái, cộng 395.19 điểm (tương đương 1.05%) lên 37,863.80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến.170% lên 15,310.97 điểm. Chỉ số Nasdaq-100 tăng 1.95% lên mức cao kỷ lục.

Cả 3 chỉ số chính hiện đều ghi nhận mức tăng trong năm 2024, với Dow Jones chuyển sang sắc xanh trong đợt tăng điểm ngày thứ Sáu.

Sau khi giảm 19% trong năm 2022, S&P 500 đã bùng nổ trở lại vào năm 2023, vọt 24% khi nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái mà nhiều người đã dự đoán và lạm phát hạ nhiệt xuống mức cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng nâng lãi suất. S&P 500 đã gần đạt được mức cao kỷ lục sau đợt phục hồi mạnh mẽ trong quý 4/2023, nhưng cuối cùng lại giảm xuống. Đà leo dốc của thị trường tạm dừng một chút vào đầu năm 2024 khi nhà đầu tư chốt lời ở các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple.

Tuy nhiên, họ đã quay lại mua những cổ phiếu công nghệ hàng đầu đó trong những ngày gần đây. Cột mốc quan trọng vào ngày thứ Sáu xác nhận rằng thị trường chứng khoán chính thức ở trong mô hình thị trường tăng giá bắt đầu vào tháng 10/2022, chứ không chỉ là một đợt phục hồi trong mô hình thị trường giảm giá. S&P 500 đã tăng hơn 35% kể từ mức thấp đó.

Lĩnh vực công nghệ đã tăng 2.35% vào ngày thứ Sáu và tiến hơn 4% trong tuần này, đánh dấu lĩnh vực có hoạt động tốt nhất thuộc S&P 500 từ đầu tuần đến nay.

Dữ liệu tiêu dùng mới vào ngày thứ Sáu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang trở nên tin tưởng hơn vào nền kinh tế và lạm phát. Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy mức tăng 21.4% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 7/2021.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 15-19/01/2024 kỳ vọng dòng tiền quay trở lại. VN-Index tăng mạnh kèm theo việc khối ngoại liên tục mua ròng trong thời gian vừa qua cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cần duy trì trên mức trung bình 20 ngày để đà tăng được củng cố.

Các chỉ số chính tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index tăng mạnh 12.44 điểm, lên mức 1,181.5 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0.45 điểm, kết phiên về mức 229.48 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng tăng 26.8 điểm (+2.32%), HNX-Index giảm 0.83 điểm (-0.36%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch khởi sắc khi đà tăng liên tục được duy trì kèm theo khối ngoại quay lại mua ròng suốt 7 phiên vừa qua. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. VN-Index đóng cửa với mức tăng 12.44 điểm, tương đương 1.06%.

Xét theo mức độ đóng góp, BID, VCB và CTG là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp hơn 7 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VHM, HNA và PGV là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng VHM đã lấy đi hơn 0.16 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 19/01/2024, nhóm ngành ngân hàng có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index khi các mã cổ phiếu ngành này đều tăng điểm khá thuyết phục. Các mã cổ phiếu như VCB (+1.65%), BID (+4.95%), CTG (+3.49%), VPB (+1.03%), TCB (+1.6%), MBB (+1.61%), ACB (+1.37%)… đều đồng loạt khởi sắc. Ngoài ra, theo khung thời gian là tuần (weekly), ngành ngân hàng đang nằm trong góc phần tư tăng trưởng khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy nhóm này đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa. Nếu cổ phiếu của nhà đầu tư đang nằm trong nhóm này thì cần tiếp tục nắm giữ.

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng hơn 480 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 519 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 39 tỷ đồng trên sàn HNX.

HNA tăng 20.54%: HNA ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 20.54%. Cổ phiếu tăng mạnh 4/5 phiên với sự xuất hiện của mẫu hình nến Rising Window và White Marubozu. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến vào vùng quá mua (overbought) cho thấy rủi ro sẽ tăng lên nếu tín hiệu bán xuất hiện.

FIR giảm 18.68%: FIR tuần qua giao dịch đầy tiêu cực khi liên tục xuất hiện mẫu hình nến Falling Window và Black Marubozu kèm theo khối lượng giao dịch ở mức cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan. Ngoài ra, chỉ báo MACD vẫn duy trì tín hiệu bán cho thấy rủi ro sắp tới sẽ còn tiếp diễn.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 4 phiên và mua ròng 1 phiên duy nhất vào cuối tuần ngày 19/1. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 0,76 triệu đơn vị, trong khi tuần trước bán ròng 1,98 triệu đơn vị; tổng giá trị vẫn là bán ròng 92,21 tỷ đồng, tăng gần 142% so với tuần trước.

Trong đó, khối này mua vào 5,48 triệu đơn vị, giá trị đạt 131 tỷ đồng (tăng 27,25% về lượng nhưng giảm 32,6% về giá trị so với tuần trước); ngược lại bán ra 4,72 triệu đơn vị, giá trị 223,22 tỷ đồng (giảm 24,92% về lượng và 3,98% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,181,50

662,887,992

14,796,42

651,476,947

14,101,82

HNX-Index

229,48

61,072,260

1,117,05

63,389,347

1,160,06

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC