Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 15/7/2024 đến ngày 19/7/2024

         Tin kinh tế vĩ mô

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết áp lực tăng trưởng năm 2024 và 2025 rất lớn, năm sau phải cao hơn năm trước.

Tại Nghị quyết đầu tháng này, Chính phủ đặt mục tiêu kịch bản tăng trưởng năm 2024 ở mức cao nhất, là 6,5-7%. Mức này cao hơn so với mục tiêu 6-6,5% do Quốc hội đưa ra từ đầu năm và dự báo của các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, IMF dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 ở 5,8%, WB đưa ra mức 5,5%, ADB là 6%.

Tại hội nghị ngày 15/7, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận áp lực tăng trưởng năm 2024, 2025 rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước, để đạt kế hoạch 5 năm 2021-2025.

"Các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là địa phương đầu tàu kinh tế, vùng động lực, kinh tế trọng điểm cần nỗ lực hơn nữa để tăng trưởng bứt phá, đóng góp vào kết quả chung", ông Dũng nói.

Không chỉ áp lực tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá điều hành vĩ mô còn thách thức trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá do áp lực từ bên ngoài, kỳ vọng người dân.

Trong khi đó, theo ông Dũng, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn; đầu tư tư nhân, sức mua trong nước tăng chậm; chi phí sản xuất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm. Hay doanh nghiệp còn lúng túng, khó đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon để duy trì sức cạnh tranh, đơn hàng tại thị trường xuất khẩu...

Trong khi tình hình doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn, một điểm sáng trong nửa đầu năm là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự "hấp dẫn" với nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%. Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây.

"Đây sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.

Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, xanh, AI, chíp, bán dẫn chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới, khu vực. Thể chế, chính sách còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, phân cấp, quyền trong một số lĩnh vực, cơ quan, địa phương còn vướng.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định cơ quan này sẽ đồng hành với tâm thế "vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn của ngành". Cụ thể, họ sẽ rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp thực tế,...

Ngoài ra, theo ông, các đơn vị chức năng cần tập trung tăng giải ngân vốn đầu tư công, tạo môi trường thu hút đầu tư tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cùng đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới cách tư duy, năng lực phân tích, dự báo và thống kê nhằm đảm bảo tham mưu chính sách kịp thời, chính xác.

Xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ đầu tư, đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược cũng được lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đặt ra. Theo ông, việc này sẽ giúp Việt Nam thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 15-19/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 19/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.246 VND/USD, chỉ giảm 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần từ 15-19/7 có xu hướng giảm. Kết thúc phiên 19/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.318 VND/USD, giảm mạnh 95 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm đầu tuần qua, tuy nhiên đã tăng trở lại phiên cuối tuần. 

USD tăng trở lại sau khi thị trường đón nhận dữ liệu lao động và sản xuất của Mỹ mạnh hơn dự kiến. USD Index (DXY) hiện ở mức 104,14. Tỷ giá Euro so với USD tăng 0,06% ở mức 1,0903. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,07% ở mức 1,2952. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,12% ở mức 157,17. USD tăng trở lại sau khi thị trường đón nhận dữ liệu lao động và sản xuất của Mỹ mạnh hơn dự kiến. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng vọt 20.000 lên 243.000, cao hơn mức ước tính 230.000 của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò, mặc dù không được coi là sự thay đổi đáng kể trên thị trường lao động do các yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, thước đo hoạt động sản xuất tại khu vực Trung Đại Tây Dương của Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến ​​vào tháng 7 nhờ vào sự gia tăng các đơn đặt hàng mới.

- Thị trường nội tệ

Theo NHNN, phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 18/7, tại Hà Nội chiếm tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng. Tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là tín dụng đen, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Để có được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp tích cực từ các bộ ngành, địa phương.

Dù vậy, NHNN cho rằng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.

Tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng. Cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.

Lãnh đạo NHNN khẳng định: Thời gian qua, nhiều chương trình cho vay đặc thù với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn lao động và các bộ, ngành, địa phương với những ưu đãi về lãi suất, mức vay, thời gian, quy trình cho vay được tích cực triển khai.

Bộ Công an đã xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đa dạng về thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng trong quá trình cho vay; đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh, trấn áp với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Để triển khai tín dụng tiêu dùng hiệu quả hơn, lãnh đạo NHNN nêu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy lùi "tín dụng đen".

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của "tín dụng đen". Bản thân các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ.

Các TCTD cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.

             Thị trường Vàng

Tuần qua, thị trường vàng thế giới biến động manh khi lập kỷ lục mới vào giữa tuần nhưng sau đó lại giảm sâu vào cuối tuần, khiến kim loại quý ghi nhận một tuần giảm giá. Đà tăng mạnh của thị trường thế giới đã thúc đẩy vàng trong nước tăng trở lại. Hiện tại, giá vàng trong nước dao động trong khoảng 78 - 78,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 80 triệu đồng ở chiều bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp đà tăng mạnh, tiến gần đến mốc 78 triệu đồng/lượng trong tuần qua. 

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (25.458 đồng), giá vàng thế giới tương đương 73,61 triệu đồng/lượng, thấp hơn 6,39 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

         - Thế giới

Dow Jones mất gần 400 điểm, S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024. Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Sáu (19/07), khi Phố Wall khép lại một tuần với sự luân chuyển khỏi các cổ phiếu vốn hoá lớn thắng lợi trong năm nay để chuyển sang các cổ phiếu nhỏ hơn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/07, chỉ số S&P 500 lùi 0.71% xuống 5,505.00 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.81% còn 17,726.94 điểm. Chỉ số Dow Jones rớt 377.49 điểm (tương đương 0.93%) xuống 40,287.53 điểm.

Diễn biến trong ngày thứ Sáu đánh dầu một ngày đỏ lửa khác trên thị trường, với chỉ số Russell 2000 giảm 0.63%. Tuy nhiên, sự chuyển hướng sang những cổ phiếu được xem là hưởng lợi nhiều hơn từ việc hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), như các cổ phiếu vốn hoá nhỏ, dường như vẫn là chủ đề của tuần này. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt sụt 1.97% và 3.65%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2024. Nasdaq Composite cũng đứt mạch 6 tuần leo dốc liên tiếp. Mặt khác, Dow Jones tăng 0.72%, trong khi chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 cộng 1.68%.

Nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi các cổ phiếu công nghệ lớn đang hoạt động tốt và chuyển số tiền đó sang các lĩnh vực khác của thị trường. Sự khác biệt đó đã khích lệ một số chuyên gia ở Phố Wall, những người vốn đang lo lắng rằng đà leo dốc của thị trường đang trở nên quá phụ thuộc vào một số ít cổ phiếu công nghệ lớn. Trong khi đó, lạc quan ngày càng tăng xung quanh việc Fed hạ lãi suất đã thúc đẩy những cổ phiếu nhỏ hơn và có tính chu kỳ hơn. Việc rút khỏi các cổ phiếu trí tuệ nhân tạo vốn hoá lớn có thể giải thích cho hoạt động kém hiệu quả của Nasdaq Composite trong tuần này. Tương tự, lĩnh vực công nghẹ thông tin dẫn dầu đà giảm của chỉ số S&P 500, sụt 5.1%.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 15-19/07/2024 triển vọng ngắn hạn tiếp tục bi quan. VN-Index liên tục hứng chịu các đợt giảm điểm tiêu cực trong tuần qua. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư ngày càng bi quan. Bên cạnh đó, khối ngoại vẫn duy trì việc bán ròng trong thời gian qua cũng là yếu tố không mấy tích cực đối với chỉ số. Các chỉ số chính quay lại giảm điểm trong phiên cuối tuần. Kết phiên, VN-Index giảm 9.66 điểm, về mức 1,264.78 điểm; HNX-Index giảm 1.97 điểm, xuống còn 240.52 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 15.97 điểm (-1.25%), HNX-Index giảm 4.5 điểm (-1.84%).

Thị trường trải qua tuần giao dịch tiêu cực khi giảm đến 4/5 phiên, xu hướng ngắn hạn không mấy khả quan khi chỉ số mất ngưỡng hỗ trợ 1,275 điểm. Khối lượng giao dịch có cải thiện so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 tuần. Kết phiên 19/07, VN-Index đóng cửa với mức giảm 9.66 điểm, tương đương 0.76%. Kết phiên giao dịch ngày 19/07/2024, thị trường tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh thanh khoản ở mức trung bình, hầu hết các nhóm ngành cũng không thoát khỏi xu hướng chung.  Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 0.69%. Ngoài ra, nhóm thủy sản, tài chính khác và dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí cũng tăng nhẹ với mức tăng khoảng 0.2%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 1.1 ngàn tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 1.04 ngàn tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 12 tỷ đồng trên sàn HNX.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 4 phiên và 1 phiên bán ròng mạnh duy nhất ngày 15/7, tổng cộng bán ròng 127.490 đơn vị, tổng giá trị vẫn là mua ròng 80,48 tỷ đồng, giảm 90% về lượng nhưng tăng gấp hơn 2,2 lần về giá trị so với tuần trước.

Cụ thể, khối này mua vào 5,12 triệu đơn vị, giá trị 416,44 tỷ đồng (giảm 10,26% về lượng và 9% về giá trị so với tuần trước); trong khi bán ra 5,25 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 335,96 tỷ đồng (giảm 24,88% về lượng và 22,43% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,264,78

791,804,100

18,538,01

802,794,781

19,524,69

HNX-Index

240,52

67,314,269

1,327,57

67,928,704

1,451,78

              Thị trường Bất động sản

Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 13/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 87, Điều 92, Điều 94, Điều 95, Điều 96, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 102, Điều 106, Điều 107, Điều 108, Điều 109 và Điều 111 của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai

Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định việc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai.

Theo quy định giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trường hợp bồi thường bằng cho thuê đất thu tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì giá đất tính tiền thuê đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở thì xử lý như sau:

Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi được nhận phần chênh lệch;

Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi quy định.

Các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất quy định tại khoản 3 Điều 95 của Luật Đất đai

Các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất quy định tại khoản 3 Điều 95 của Luật Đất đai gồm: 

1- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 138 của Luật Đất đai.

2- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà đã sử dụng đất ổn định, thuộc các trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 139 của Luật Đất đai.

3- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm được giao hoặc sử dụng đất do mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất không đúng quy định của pháp luật nhưng đã sử dụng đất ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.

Đối với trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất.

4- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì bồi thường theo loại đất sau khi được xác định lại theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai.

5- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp mà đất đó đã sử dụng ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất

Nghị định cũng quy định việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất mà diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai thì bồi thường về đất như sau:

1- Nếu diện tích đo đạc thực tế nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai thì bồi thường về đất theo diện tích đo đạc thực tế theo quy định tại khoản 6 Điều 135 của Luật Đất đai.

Trường hợp đã hoàn thành việc đo đạc thực tế phục vụ cho việc thu hồi đất mà sau đó do thiên tai, sạt lở, sụt lún dẫn đến tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diện tích của thửa đất đã đo đạc bị thay đổi thì sử dụng số liệu đã đo đạc để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2- Trường hợp có sự chênh lệch diện tích đất mà số liệu đo đạc thực tế lớn hơn số liệu ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì diện tích bồi thường được xác định theo số liệu đo đạc thực tế theo quy định tại khoản 6 Điều 135 của Luật Đất đai.

3- Trường hợp Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai mà vị trí, tọa độ không chính xác thì xem xét bồi thường theo đúng vị trí, tọa độ khi đo đạc thực tế.

 

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC