Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 19/8/2024 đến ngày 23/8/2024

        Tin kinh tế vĩ mô

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương rà soát, thống kê toàn bộ các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên địa bàn quản lý.

Trong văn bản gửi cục thuế các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok... Từ đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro. Họ sẽ phối hợp chặt với các cơ quan chức năng, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.

Cục thuế các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với nhau nếu cơ quan thuế tại địa phương khác đề nghị rà soát tổ chức, cá nhân có thu nhập cao qua bán hàng livestream.

Theo hãng dữ liệu NielsenIQ, quý đầu năm, 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua kênh này. Bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia, theo Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng do livetream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc, thuế suất 5-35%. Trường hợp hoa hồng được trả cho hộ kinh doanh, họ sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7%, gồm 5% thuế VAT và 2% thu nhập cá nhân.

Các yêu cầu rà soát được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh siết quản lý với thương mại điện tử nhằm tránh thất thu thuế. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online, gồm livestream bán hàng, bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế.

Theo Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân được kiểm tra về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

            Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Trên thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 19-23/8, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 23/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.250 VND/USD, giảm 04 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần biến động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 23/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.977 VND/USD, giảm mạnh 84 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm trong tuần qua. 

Chỉ số USD Index (DXY) hiện ở mức 101,54. Tỷ giá EUR so với USD tăng 0,04% ở mức 1,1118. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,03% ở mức 1,3097. Tỷ giá USD so với Yen Nhật giảm 0,11% ở mức 146,14. Đồng USD đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 13 tháng so với đồng EUR trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu vào cuối tuần và vì sự suy yếu gần đây của đồng USD đang được coi là quá mức. USD trước đó đã giảm đáng kể do lo ngại về nền kinh tế suy yếu và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sắp cắt giảm lãi suất.

- Thị trường nội tệ

Tuần từ 19/08 - 23/08, lãi suất VND LNH giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 23/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,46% (-0,11 đpt); 1W 4,56% (-0,08 đpt); 2W 4,66% (-0,03 đpt); 1M 4,72% (-0,04 đpt).

Trên thị trường mở tuần qua từ 19/08 - 23/08, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 45.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 38.447 tỷ đồng trúng thầu, có 50.926 tỷ đáo hạn trong tuần qua.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 22.999,7 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giảm từ mức 4,25% xuống còn 4,15%; có 35.749,5 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN bơm ròng 1.271,44 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 38.447,49 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 46.799,7 tỷ đồng.

Ngày 21/08, KBNN đấu thầu thành công 10.880 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 73%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 310 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 7.270 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, 15Y huy động được 3.250 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng và 20Y huy động được 50 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều không đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể: 5Y là 1,95%, 10Y là 2,71%, 15Y là 2,90%, 20Y là 2,98%.

Trong tuần này, ngày 28/08, KBNN dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y chào thầu 7.000 tỷ đồng, 15Y 4.000 tỷ đồng và 20Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.073 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 9.823 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ. Chốt phiên 23/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,86% (-0,02 đpt so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,88% (-0,01 đpt); 3Y 1,90% (-0 01 đpt); 5Y 1,95% (-0,004 đpt); 7Y 2,23% (-0,01 đpt); 10Y 2,72% (-0,003 đpt); 15Y 2,90% (-0,001 đpt); 30Y 3,18% (-0,01 đpt).

             Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới tiếp tục lập kỷ lục mới nhưng áp lực chốt lời sau đó khiến thị trường chỉ ghi nhận một tuần tăng nhẹ. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng 1 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng trong nước được mua vào ở mức 79 triệu đồng/lượng và bán ra ở 81.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn biến động nhẹ xuyên suốt tuần qua, với biên độ dao động là 50.000 - 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Cụ thể, giá vàng nhẫn 99,99 đang được mua vào với mức 77,1 - 77,1 triệu đồng/lượng và bán ra ở 78,3 - 78,4 triệu đồng/lượng. Tại mức giá này, giá vàng nhẫn đang thấp hơn giá vàng miếng 1,9 - 2,6 triệu đồng/lượng. 

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/8) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu đã sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất. Đây cũng là động lực đưa giá dầu thô tăng hơn 2%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 462,3 điểm, tương đương tăng 1,14%, đạt 41.175,08 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,47%, đạt 17.877,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,15%, đạt 5.634,61 điểm, rất gần mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tháng trước.

Với phiên tăng này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng hoàn tất một tuần tăng điểm. Trong đó, Dow Jones tăng gần 1,3%; Nasdaq tăng 1,4% và S&P 500 tăng 1,45%.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall tăng ngay từ buổi sáng, sau khi ông Powell nói rằng đã đến lúc Fed có thể hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong bài phát biểu được chờ đợi tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, ông không đưa ra thông tin cụ thể nào về việc Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào lúc nào và với mức cắt giảm bao nhiêu.

Nói về căn cứ cho việc giảm lãi suất, ông Powell nói rằng rủi ro suy giảm đối với thị trường việc làm đang tăng lên và lạm phát đang tiến gần tới mục tiêu 2% của Fed. “Rủi ro lạm phát tăng đã suy yếu. Và rủi ro suy giảm việc làm đã tăng lên”, ông nhấn mạnh. Phát biểu này của ông Powell được thị trường xem là một sự “phê chuẩn ngầm” cho việc xoay trục sang nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cổ phiếu công nghệ, nhóm có mức độ nhạy cảm lớn với biến động lãi suất, tăng đặc biệt mạnh trong phiên này. Nhà đầu tư kỳ vọng rằng môi trường lãi suất giảm sẽ mang tới nhiều lợi ích cho cổ phiếu công nghệ. Tesla và Nvidia tăng hơn 4% mỗi cổ phiếu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,8 USD/thùng, tương đương tăng 2,33%, chốt ở mức 79,02 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,82 USD/thùng, tương đương tăng 2,49%, đạt 74,83 USD/thùng. Dù tăng mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, giá dầu vẫn giảm tuần này, với giá dầu WTI giảm 2,4% và giá dầu Brent giảm 0,83%. Nếu tính từ đầu năm, giá dầu WTI đến nay đã tăng 4,4% và giá dầu Brent tăng 2,6%.

Ngoài triển vọng Fed sắp hạ lãi suất, giá dầu trong phiên ngày thứ Sáu còn được hỗ trợ bởi cú giảm mạnh của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,82%, chốt ở mức 100,68 điểm.

- Trong nước  

Các chỉ số chính lấy lại được sắc xanh sau khi giằng co khá quyết liệt trong phiên cuối tuần. Kết phiên ngày 23/08, VN-Index tăng 0.2%, lên mức 1,295.32 điểm; HNX-Index tăng 0.67%, đạt mức 240.07 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 33.09 điểm (+2.64%), HNX-Index tăng 4.92 điểm (+2.09%).

Thị trường tiếp đà hồi phục mạnh mẽ trong tuần qua. Sau khi mở gap tăng từ đầu tuần, chỉ số bứt phá thêm hơn 30 điểm trong bối cảnh thanh khoản khá tích cực. Tuy vậy, lực cầu có dấu hiệu chững lại trong 2 phiên cuối tuần khi VN-Index tiến tới thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1,300 điểm. Kết phiên 23/08, VN-Index đóng cửa với mức tăng 2.54 điểm, tương đương 0.2%.

Xét về mức độ đóng góp, GVR, HPG, CTG và VNM là những mã góp công lớn nhất giúp chỉ số lấy lại được sắc xanh, kéo VN-Index tăng gần 2 điểm. Ở chiều ngược lại, FPT, LPB và VRE tuy tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung nhưng mức độ ảnh hưởng là không quá đáng kể.

Lực cầu hôm nay tập trung ở các cổ phiếu trụ nên nhiều nhóm ngành vẫn bị sắc đỏ chi phối. Trong đó, nhóm dịch vụ viễn thông xếp cuối bảng, giảm 1.10%. Ảnh hưởng chủ yếu từ VGI (-1.58%), FOX (-0.32%), FOC (-0.95%) và YEG (-0.82%). Các nhóm năng lượng, công nghệ thông tin, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe cũng giảm nhẹ dưới 1%.

Ở phía tích cực, nhóm nguyên vật liệu dẫn đầu với mức tăng 0.6%. Điểm nhấn thuộc về các cổ phiếu ngành thép khi có phiên chiều ngược dòng thành công như HPG (+1.17%), HSG (+2.17%), NKG (+3.02%), TVN (+1.02%) và VGS (+4.18%). Các nhóm tiêu dùng thiết yếu và tài chính cũng góp công lớn giữ nhịp chỉ số với sắc xanh của các cổ phiếu lớn như VNM (+0.94%), MCH (+0.24%), VHC (+2.51%), IDP (+3.85%); CTG (+1.01%), MBB (+0.61%), SSI (+1.51%), BVH (+3.35%), …

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.2 ngàn tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 968 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 255 tỷ đồng trên sàn HNX.

 

 

 

                 - Thị trường Upcom

Tuần qua từ ngày 12/08-16/08, giao dịch NĐTNN mua ròng 636,533 đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt hơn hơn 41,7 tỷ đồng. Tự doanh bán ròng 264,200 đơn vị cổ phiếu, giá trị tương ứng hơn 20 tỷ đồng. Kết thúc tuần giao dịch, UPCOM-Index đóng cửa ở 94.41 điểm, tăng 1,04% so với tuần trước  

 

Chỉ số

Điểm

KLGD

(đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,285.32

3,757,443,826

88,894

751,488,765

17,779

HNX-Index

235.15

327,202,460

6,551

65,440,492

1,310

 

            Thị trường Bất động sản

Ngày 21/8, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh việc tổ chức đấu giá, nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản. Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), rất khó xác định hành vi thổi giá, đầu cơ đất nền đấu giá dù người mua bỏ cọc hay không. Theo VARS, giá lô đất tại vùng ven, hạ tầng, tiện ích không nổi bật lại có giá hơn 100 triệu đồng một m2 - bằng đất nền tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư - là bất bình thường, có thể xuất phát từ động cơ không lành mạnh. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư tham giá các phiên đấu giá này là những những người có nghề, thường tham gia với mục đích lướt sóng. Tuy nhiên, theo Hội môi giới Bất động sản, ngay cả khi nhà đầu tư bỏ cọc, vẫn khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá. Việc này cũng giống với diễn biến của tình trạng sốt giá chung cư ở Hà Nội thời gian qua. Đơn vị này lập luận, quyền xác định giá bán là của chủ sở hữu tài sản, các bên tham gia giao dịch theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Trước đó, trong quá trình xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản 2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung hành vi lũng đoạn thị trường, thổi giá bất động sản vào danh mục bị cấm, giống hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vì khó mô tả và không có tiêu chí xác định nên đề nghị này đã bị loại bỏ khi luật được thông qua.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo thị trường, SRTC