Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 21/6/2021 đến ngày 25/6/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Theo Tổng cục Thống kê thì Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 chỉ đạt 5,64% thấp hơn so với mức dự báo 5,8%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.

GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế". 

Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. 

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021. 

Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2021 như sau: 

Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,57 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, làm giảm 0,02 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 21/06 - 25/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh ở các phiên đầu tuần và giảm trở lại phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.179 VND/USD, tăng 31 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.824 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng (LNH) tuần qua biến động tăng – giảm qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 25/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.012 VND/USD, chỉ tăng 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng qua hầu hết các phiên. Chốt tuần 25/06, tỷ giá tự do tăng mạnh 155 đồng ở chiều mua vào và 135 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.250 – 23.300 VND/USD.

Đà tăng của tỷ giá USD đã chững lại trong bối cảnh giới đầu tư tỏ ra thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Dữ liệu lạm phát sẽ cung cấp dấu hiệu mới nhất về mức độ áp lực mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đối mặt trong việc thay đổi chính sách tiền tệ. USD Index đạt 91,797 trong phiên cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,04% lên 1,1935. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,26% xuống 1,3886. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,06% xuống 110,79.

- Thị trường nội tệ

NHNN cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc khi xếp hạng các TCTD. Các TCTD sẽ bị xếp hạng (D) nếu lâm vào một trong 2 trường hợp, không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định và không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 06 tháng liên tục. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là "TCTD"). Phía NHNN cho biết đến nay công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Trong quá trình triển khai Quyết định số 1058, một số cơ chế đặc thù như cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu…đã được cấp có thẩm quyền cho phép TCTD thực hiện nhằm hỗ trợ công tác cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD này. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền xây dựng Đề án nêu trên cho giai đoạn 2021-2025. NHNN cho biết để có đầy đủ cơ sở, thông tin để thực hiện nhiệm vụ trên cần nắm được đầy đủ thực trạng hoạt động, mức độ rủi ro của TCTD thông qua kết quả xếp hạng theo quy định tại Thông tư số 52. Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư số 52 nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các TCTD thời gian vừa qua. Trong đó, các chỉ tiêu phục vụ xếp hạng cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các TCTD trong trường hợp không được chấp thuận thực hiện các cơ chế đặc thù.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư là việc bổ sung rõ các quy định xếp hạng TCTD loại (D) - Yếu và loại (E) - Yếu kém mà không dựa trên điểm số xếp hạng. Các TCTD sẽ bị xếp hạng (D) nếu lâm vào một trong 2 trường hợp. Thứ nhất, không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) trong thời gian 03 tháng liên tục. Thứ hai, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) trong thời gian 06 tháng liên tục. Trong khi đó, các TCTD sẽ bị xếp hạng (E) nếu chưa được NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và lâm vào một trong 3 trường hợp. Thứ nhất, mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.  Thứ hai, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Thứ ba, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục. Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng bổ sung quy định riêng liên quan đến TCTD đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, theo đó, Thống đốc NHNN sẽ quyết định thời gian thực hiện xếp hạng và phê duyệt kết quả xếp hạng các TCTD này, thay vì quy định phải hoàn thành xếp hạng trong tháng 6 hàng năm như các TCTD thông thường. Đối với các chỉ tiêu định tính, NHNN thay đổi quan điểm tính điểm xếp hạng theo hướng TCTD vẫn được chấm điểm tối đa nếu như các vi phạm phát hiện trước năm xếp hạng đã khắc phục xong. Cùng với đó, dự thảo thông tư điều chỉnh điểm trừ phù hợp hơn theo hướng các hành vi vi phạm do TCTD tự phát hiện và báo cáo nhưng chưa khắc phục xong sẽ bị trừ ít điểm hơn so với các hành vi vi phạm khác.Dự thảo thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số định nghĩa liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 do Thông tư 36/2014/TT-NHNN là thông tư tham chiếu các định nghĩa nay đã hết hiệu lực.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 24/6/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Cụ thể, lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 1,21%/năm, 1 tuần lên 1,41%/năm, 2 tuần lên 1,74%/năm, 1 tháng 1,77/năm, 3 tháng lên 2,09%/năm, 6 tháng lên 3,13%/năm, 9 tháng lên 3,51%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng. Lãi suất từng ngân hàng có sự cạnh tranh rõ rệt hơn khi nhảy lên cao.

Thị trường Vàng

Tuần qua, biến động tăng giảm của đồng USD và dự đoán về dữ liệu lạm phát Mỹ sắp được công bố đã ảnh hưởng đến giá vàng thế giới cũng như trong nước. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,15 – 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 21/6 và cao nhất 56,60 – 57,15 triệu đồng/lượng ngày 23/6. Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá vàng SJC giảm khoảng 330 nghìn đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (23.100 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,42 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,68 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm. Lý do VAFI đưa ra, hiện nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng mức lãi suất 0%, thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi). Chính sách này giúp hạ lãi suất cho vay ở mức thấp (2-5%), qua đó kích thích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp. Đề xuất này của VAFI ngay sau đó nhận được sự quan tâm từ giới chuyên gia, dư luận. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% là rất "táo bạo" nhưng chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Báo cáo thị trường tháng 4/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, tháng 5 và tháng 6, tình trạng trầm lắng của thị trường chưa được cải thiện khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại TP.HCM. Mức độ quan tâm BĐS TP.HCM giảm 17% trong tháng 4 và giảm tiếp 6% vào tháng 5. Điểm sáng của thị trường là phân khúc căn hộ khi ghi nhận mức độ quan tâm tăng 8% so với tháng 4, giá rao bán cũng tăng nhẹ.

Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

S&P 500 chạm kỷ lục mới, có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 02/2021, Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Sáu (25/6) với S&P 500 nới rộng đà tăng lên mức cao kỷ lục, khi nhà đầu tư cược rằng lạm phát cao hơn sẽ chỉ là tạm thời khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0.3% lên mức đóng cửa cao kỷ lục mới 4,280.70 điểm. Tài chính là lĩnh vực có thành quả tốt nhất thuộc S&P 500, tăng 1.3%. Chỉ số Dow Jones cộng 237.02 điểm (tương đương 0.7%) lên 34,433.84 điểm, còn thấp hơn 2% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite đã xóa sạch đà tăng đầu phiên và khép phiên hạ 0.1% xuống 14,360.39 điểm trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng 4 điểm cơ bản lên 1.52%. S&P 500 đã tăng 2.7% trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 02/2021. Dow Jones vọt 3.4% trong tuần này, cũng ghi nhận tuần có thành quả tốt nhất kể từ giữa tháng 3/2021, còn Nasdaq Composite tăng 2.4% từ đầu tuần đến nay.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ngày thứ Sáu sau khi một chỉ báo lạm phát quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sử dụng để thiết lập chính sách tăng 3.4% trong tháng 5/2021, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo vào ngày thứ Sáu. Kết quả này trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Chỉ số cốt lõi tiến 0.5% trong tháng này, thực tế thấp hơn mức dự báo 0.6%. Chỉ số giá chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân cốt lõi tăng phản ánh tốc độ mở rộng kinh tế nhanh chóng và dẫn đến áp lực giá cả, và đã khuếch đại mức độ quốc gia đã đi được bao xa kể từ khi đại dịch khiến kinh tế đóng cửa vào năm 2020. “Điều này hỗ trợ lập luận của Fed rằng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ giúp xoa dịu lo ngại rằng chúng ta đang chứng kiến lạm phát leo cao”, Anu Gaggar, Chuyên gia phân tích đầu tư toàn cầu cấp cao tại Commonwealth Financial Network, nhận định. “Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ các tài sản rủi ro như cổ phiếu”. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng vọt sau khi Fed thông báo ngành ngân hàng có thể dễ dàng chống chọi với một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Fed, trong công bố kết quả kỳ kiểm tra căng thẳng thường niên, cho biết 23 tổ chức trong kỳ kiểm tra năm 2021 vẫn ở mức “cao hơn nhiều” so với mức vốn yêu cầu tối thiểu trong giai đoạn suy thoái kinh tế giả định. Quyết định này đã mở đường cho các nhà băng tăng cổ tức và mua lại nhiều cổ phiếu hơn, vốn đã bị đình lại trong suốt thời kỳ đại dịch Covid-19. Cổ phiếu Wells Fargo vọt 2.6%, còn cổ phiếu Fifth Third và PNC đều tăng hơn 2%. Cổ phiếu JPMorgan và Bank of America đều tăng hơn 1%. Cổ phiếu Nike bứt phá 15.5%, góp phần hỗ trợ tâm lý đối với chỉ số Dow Jones. Công ty này đã báo cáo doanh thu và lợi nhuận vượt xa dự báo của Phố Wall. Doanh số bán hàng kỹ thuật số cũng vọt 41% kể từ năm ngoái và tăng 147% so với 2 năm trước. Mặt khác, cổ phiếu FedEx rớt 3.6% bất chấp doanh thu và lợi nhuận cao hơn dự kiến. FedEx cũng đưa ra triển vọng hàng năm mạnh mẽ. Ngày thứ Sáu đã chứng kiến khối lượng giao dịch tăng cao khi FTSE Russell thiết lập để tái cân bằng các chỉ số chứng khoán Mỹ khi thị trường đóng cửa. Bank of America ước tính rằng có hơn 170 tỷ USD cổ phiếu sẽ được giao dịch do tổng cộng có 625 thay đổi đối với các chỉ số Russell, bao gồm Russell 1000 và Russell 2000.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 21-25/06/2021 VN-Index và khối lượng giao dịch diễn biến trái chiều, VN-Index tiếp tục tiến lên đỉnh cao mới bất chấp khối lượng giao dịch bay hơi trên cả hai sàn. Khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng trên cả HOSE và HNX. Các chỉ số thị trường biến động tăng nhẹ trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần tăng 0.75% đạt mức 1,390.12 điểm, HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1% đạt mức 318.22 điểm. Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn cùng sụt giảm mạnh trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 625 triệu cổ phiếu/phiên, giảm mạnh 13.73% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 121 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 21.84%. Nhà đầu tư bước vào tuần giao dịch với nhiều sự hoài nghi về khả năng tiếp tục tăng của VN-Index. Trong cả 5 phiên giao dịch, chỉ số đều giao dịch giằng co quanh mức tham chiếu. Hết phiên tuần, VN-Index chỉ tăng tổng cộng 12.32 điểm. Điều đáng chú ý là khối lượng giao dịch giảm dần đều về cuối tuần. Ở phiên giao dịch ngày 25/06/2021, khối lượng giao dịch nằm ở mức thấp nhất kể từ tháng 02/2021. Những cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường, đóng góp tới 6.5 điểm tăng cho thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán nằm trong nhóm tăng mạnh nhất thị trường tuần vừa rồi, khi tăng gần 5%. Các cổ phiếu lớn trong ngành chứng khoán tăng gần 3%. Phần lớn đà tăng của các cổ phiếu nhóm chứng khoán đến từ phiên giao dịch cuối tuần. Riêng trong phiên giao dịch ngày 25/06/2021, nhóm chứng khoán đồng loạt đều tăng giá mà không chứng kiến bất kì cổ phiếu nào giảm giá. Cùng chung diễn biến của thị trường, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng từ tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,284 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 649 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 635 tỷ đồng trên sàn HNX.

- Thị trường Upcom

Giao dịch trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 2,67 triệu đơn vị, giảm 33,44% so với tuần trước. Tổng giá trị là mua ròng 10,56 tỷ đồng, giảm 45,82% so với tuần trước. Trong đó, khối này đã mua vào 3,38 triệu đơn vị, giá trị 171,86 tỷ đồng (tăng 85,75% về lượng và 44% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 6,05 triệu đơn vị, giá trị 161,3 tỷ đồng (tăng 3,78% về lượng và 61,64% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,390.12

598,105.590

19,127.60

683,051,272

20,752.27

HNX-Index

318.22

118,215.459

2,936.77

128,944,287

2,968.75

UpCom-Index

89.48

106,181.741

1,461.00

89,838,718

1,723