Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 22/01/2024 đến ngày 26/01/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 26/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên...

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1764/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024 là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về THTK, CLP.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/1/2024 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). 

Mục tiêu của Chiến lược là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030. 

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 22/01 - 26/01, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm nhẹ đầu tuần rồi tăng trở lại vào 2 phiên cuối. Chốt ngày 26/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.036 VND/USD, không thay đổi nhiều so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.187 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục biến động tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên 26/01, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.598 VND/USD, tăng tiếp 62 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng tăng mạnh trong tuần qua.

USD phục hồi sau khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng nhanh hơn dự kiến ​​trong quý 4, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ không vội cắt giảm lãi suất. USD Index hiện ở mức 103,50 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). USD cũng lên giá so với euro sau những bình luận trái chiều từ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu khi cho rằng còn quá sớm để thảo luận về việc cắt giảm lãi suất đối với nền kinh tế khu vực nhưng lưu ý rằng những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế vẫn nghiêng về hướng đi xuống. Tỷ giá EUR/USD giảm 0,06% ở mức 1,0843. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,03% ở mức 1,2705. 

- Thị trường nội tệ

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, (Ngân hàng Nhà nước) NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.

NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. NHNN vừa ban hành văn bản số 10167/Ngân hàng Nhà nước-CSTT gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% được giao cho các ngân hàng ngay đầu năm 2024.

NHNN cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

NHNN cũng nêu rõ nguyên tắc tính chỉ tiêu tăng trưởng được quy định theo công thức: Dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2024 = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 + [Điểm xếp hạng năm 2022 x 3,5% x (dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 - dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước thông báo năm 2023 (nếu có)] - Các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).

Cũng theo nội dung văn bản trên, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu trên.

Còn các tổ chức tín dụng còn lại kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) không vượt quá mức dư nợ tín dụng nêu trên trong suốt cả năm 2024. Ngân hàng Nhà nước cũng quy định thêm, dư nợ tín dụng để kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu các công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; cho thuê tài chính; bao thanh toán; các khoản trả thay cá nhân, tổ chức trong trường hợp cá nhân, tổ chức được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ của mình khi đến hạn thanh toán; phát hành thẻ tín dụng; mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các dụng Việt Nam); các nghiệp vụ cấp tín dụng khác được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

NHNN cũng yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau... với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thường xuyên rà soát để cắt, giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Trong năm 2024, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để qua đó hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với thúc đẩy ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát .

Trên cơ sở đánh giá diễn biến, tình hình thực tế phù hợp, NHNN sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2024 và chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng để gửi đến từng tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tính đến ngày 27/12, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 12,26%, dù vẫn chưa đạt chỉ tiêu cả năm là 14%-15% nhưng cũng đã tăng tốc trong những tuần cuối năm. Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, quan trọng là giá vốn tín dụng và khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Một trong những yếu tố kích thích tăng tính dụng là tiếp tục duy trì nền lãi suất thấp trong năm 2024 và điều tiết ổn định tỷ giá với trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại khó khăn và cũng có giới hạn, sẽ khó phát huy hiệu quả nếu sức cầu yếu.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất 2%. Việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phải sử dụng kết hợp các chính sách khác như tài khóa.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước tiếp đà tăng trong khi giá vàng thế giới, giao ngay đi ngang. Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC tại các hệ thống cửa hàng được điều chỉnh tăng thêm khoảng 150.000 - 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào - bán ra. 

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (24.765 đồng), giá vàng thế giới tương đương 60,21 triệu đồng/lượng, thấp hơn 16,59 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

-Thế giới

S&P 500 và Nasdaq Composite đứt mạch 6 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (26/01), nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trong tuần qua khi dữ liệu kinh tế mới nhất bổ sung vào bức tranh tích cực về nền kinh tế.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/01, chỉ số S&P 500 hạ 0.07% xuống 4,890.97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.36% còn 15,455.36 điểm, bị ảnh hưởng bởi đà sụt giảm của cổ phiếu Intel. Trong khi, chỉ số Dow Jones tiến 60.30 điểm (tương đương 0.16%) lên 38,109.43 điểm, mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại. Cả 3 chỉ số chính hiện đều tăng hơn 100% so với các mức đáy hồi đại dịch.

Bất chấp phiên giao dịch trái chiều trong ngày thứ Sáu, các chỉ số chính vẫn ghi nhận một tuần thắng lợi. S&P 500 tăng 1.1%, còn Nasdaq Composite cộng 0.9%. Dow Jones tăng 0.7% trong tuần này.

Phiên giảm điểm ngày thứ Sáu đã làm đứt mạch 6 phiên tăng liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq Composite. Tính đến cuối phiên ngày thứ Năm (25/01), S&P 500 đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục 5 phiên liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 11/2021. Chứng khoán Mỹ được thúc đẩy trong tuần này nhờ dữ liệu kinh tế đáng khích lệ.

Dữ liệu công bố vào ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 12/2023 trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trên cơ sở hàng tháng, nhưng thấp hơn một chút so với dự báo trên cơ sở hàng năm. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Số liệu PCE vào ngày thứ Sáu được công bố 1 ngày sau khi dữ liệu GDP cho thấy mức tăng trưởng kinh tế cao hơn dự kiến trong quý 4/2023. Điều đó củng cố hy vọng của nhà đầu tư rằng nền kinh tế đã tránh được suy thoái nặng nề.

Tuy nhiên, tình trạng bán tháo ở một số cổ phiếu nổi tiếng sau báo cáo lợi nhuận đã kìm hãm đà tăng chứng khoán trong tuần này.

Cổ phiếu Intel sụt gần 12% vào ngày thứ sáu sau khi đưa ra triển vọng tài chinh quý đầu tiên gây thất vọng. Cổ phiếu KLA mất hơn 6 % trong phiên sau khi công ty sản xuất chất bán dẫn công bố dự báo nhẹ nhàng cho quý tài chính thứ 3 của công ty.

Mặt khác, cổ phiếu American Express vọt hơn 7% sau khi chia sẻ dự báo lợi nhuận cả năm tốt hơn dự báo. Điều đó đã giúp Dow Jones xoá bỏ mức giảm từ đà sụt giảm của cổ phiếu Intel.

Ngoài ra, cổ phiếu Tesla ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2023, giảm 13.6% trong kỳ. Cổ phiếu này suy giảm sau khi Tesla công bố lợi nhuận gây thất vọng và cảnh báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 22-26/01/2024 khối ngoại duy trì mua ròng

VN-Index tăng điểm đồng thời khối lượng giao dịch có dấu hiệu sụt giảm trong tuần vừa qua thể hiện tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn thận trọng. Tuy nhiên, việc khối ngoại mua ròng hầu hết trong 2 tuần gần đây cho thấy triển vọng ngắn hạn của thị trường không quá bi quan.

Các chỉ số chính tăng trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index tăng 5.3 điểm, lên mức 1,175.67 điểm; HNX-Index tăng 0.91 điểm, kết phiên lên mức 229.43 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 5.83 điểm (-0.49%), HNX-Index giảm 0.05 điểm (-0.02%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch ảm đạm khi đà tăng đã bị chững lại so với tuần trước đó kèm theo khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Tuy nhiên, khối ngoại đã quay lại mua ròng trong suốt 4/5 phiên vừa qua. VN-Index đóng cửa với mức tăng 5.3 điểm, tương đương 0.45%.

Xét theo mức độ đóng góp, VCB, BID và GVR là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp hơn 2.5 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, SAB, MSN và GAS là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng SAB đã lấy đi hơn 0.45 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 26/01/2024, nhóm ngành sản phẩm cao su có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index khi các mã cổ phiếu ngành này đều tăng điểm khá tích cực. Các mã cổ phiếu như SRC tăng 1.89%, CSM tăng 0.42% và BRC tăng 0.78%… Đáng chú ý, cổ phiếu DRC đạt mức chạm trần với 6.85%. Ngoài ra, theo khung thời gian là tuần (weekly), ngành sản phẩm cao su đang nằm trong góc phần tư tăng trưởng khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy nhóm này đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa. Nếu cổ phiếu của nhà đầu tư đang nằm trong nhóm này thì cần tiếp tục nắm giữ.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 875 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 890 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 15 tỷ đồng trên sàn HNX.

HCD tăng 25.36%: HCD ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 25.36%. Cổ phiếu liên tục tăng mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Rising Window và White Marubozu. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến vào vùng quá mua (overbought) cho thấy rủi ro sẽ tăng lên nếu tín hiệu bán xuất hiện.

SFC giảm 15.78%: SFC tuần qua giao dịch đầy tiêu cực khi liên tục xuất hiện mẫu hình nến Falling Window và Black Marubozu kèm theo khối lượng giao dịch ở mức cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan. Ngoài ra, chỉ báo MACD vẫn duy trì tín hiệu bán và có khả năng cắt xuống ngưỡng 0 cho thấy rủi ro sắp tới sẽ còn tiếp diễn.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 1 phiên duy nhất cũng vào ngày 25/1 và mua ròng 4 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 10,24 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 151,72 tỷ đồng; trong khi tuần trước chỉ mua ròng 0,76 triệu đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 92,21 tỷ đồng.

Trong đó, khối này mua vào 15,17 triệu đơn vị, giá trị đạt 339,59 tỷ đồng (tăng 176,78% về lượng và 159,2% về giá trị so với tuần trước); ngược lại bán ra 4,93 triệu đơn vị, giá trị 187,87 tỷ đồng (tăng 4,43% về lượng và giảm 15,84% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,175,67

575,224,219

12,899,35

684,466,936

14,727,27

HNX-Index

229,43

60,740,500

959,81

60,026,677

1,083,68

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC