Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 22/7/2024 đến ngày 26/7/2024

         Tin kinh tế vĩ mô

Chính phủ đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đến 2030 khoảng 7.500 USD, tương đương 190 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại.

Đây là một trong các mục tiêu thuộc Chương trình hành động được Chính phủ ban hành ngày 22/7 nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), GDP bình quân đầu người cung cấp thước đo cơ bản về giá trị sản lượng nền kinh tế trên bình quân đầu người, là chỉ số gián tiếp về thu nhập bình quân đầu người. Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người được coi là thước đo rộng rãi của tăng trưởng kinh tế.

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy, mục tiêu này của Chính phủ tăng 75% so với kết quả năm ngoái.

Năm nay, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 4.500 USD, bằng 60% so với mục tiêu đề ra vào 2030.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo con số này trong năm nay là 4.620 USD, tương đương hơn 117 triệu đồng theo tỷ giá hiện hành. So với năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã tăng hơn 9 lần.

Bên cạnh GDP bình quân đầu người, Chương trình hành động của Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% mỗi năm. Đến cuối thập niên này, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh công nghiệp.

Theo đó, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP và giá trị gia tăng của công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.

Để đạt được điều này, Việt Nam nhắm đến việc thành lập được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên và mũi nhọn. Cùng với đó, xây dựng và phát triển một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh quốc tế, làm chủ một số chuỗi giá trị sản xuất.

Bên cạnh công nghiệp, khu vực dịch vụ dự kiến chiếm tỷ trọng trên 50% GDP. Trong đó, riêng du lịch đạt 14-15% GDP.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 22-26/7, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh đầu tuần rồi giảm mạnh cuối tuần. Chốt ngày 26/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.249 VND/USD, chỉ tăng 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần từ 22-26/7 tăng nhẹ đầu tuần rồi giảm trở lại. Kết thúc phiên 26/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.310 VND/USD, giảm nhẹ 8 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

USD Index (DXY) hiện ở mức 104,35. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,06% ở mức 1,0852. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,04% ở mức 1,2856. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,2% ở mức 153,63. Đồng USD đã hồi sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ​​và lạm phát chậm lại trong quý II. Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II được công bố vào cuối phiên hôm qua cho thấy mức tăng trưởng hằng năm là 2,8%. Con số này cao hơn mức kỳ vọng của thị trường và 2,0% và gấp đôi mức tăng trưởng 1,4% trong quý đầu tiên, nhưng vẫn chậm hơn đáng kể so với mức 4,2% trong nửa cuối năm ngoái.

- Thị trường nội tệ

Lãi suất huy động liên tục được ngân hàng điều chỉnh tăng thời gian gần đây, lãi suất huy động sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024, còn lãi suất cho vay giữ sự ổn định. Tuy nhiên xu hướng tăng của lãi suất huy động sẽ không nhanh. Lãi suất huy động tăng phản ánh sự phục hồi ở các mặt của nền kinh tế, cũng là yếu tố cần thiết giúp tăng sức hút cho dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư để quay vòng, tiếp tục tạo ra nguồn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hệ quả tất yếu của việc này là lãi suất cho vay có thể cũng tăng theo, nhưng với độ trễ từ huy động đến cho vay thì lãi suất cho vay sẽ không tăng trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện chính sách tiền tệ ổn định, khuyến khích các ngân hàng thương mại tối ưu, cắt giảm chi phí để mang đến mức lãi suất cho vay có lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Dưới chủ trương này, lãi suất cho vay được kỳ vọng tiếp tục giảm hoặc chí ít là bình ổn trong giai đoạn cuối năm.

Dẫn số liệu từ NHNN lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay giảm 0,99%, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nguồn tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh đúng như mục tiêu của NHNN là tối ưu hệ thống, cắt giảm chi phí hết mức để phục vụ doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân có thể tăng ít nhất 0,5% trong nửa cuối năm 2024, còn lãi suất huy động có thể tăng khoảng 1%. Bất cứ khi nào hoạt động cho vay mạnh mẽ hơn thì lãi suất cho vay sẽ tăng, giống như quy luật cung - cầu. Bởi các ngân hàng cũng hoạt động kinh doanh theo nhu cầu thị trường. Thị trường tín dụng tăng cầu, đồng nghĩa với việc tăng rủi ro. Nhu cầu vay vốn tăng cao thì lãi suất cho vay sẽ tăng. Trong khi hoạt động tín dụng nửa cuối năm 2024 được dự báo sẽ sôi động hơn.

Một yếu tố nữa là lãi suất đầu vào, tức lãi suất huy động tăng để các ngân hàng thu hút dòng tiền nhằm mục đích cho vay. Khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất đầu ra là lãi suất cho vay sẽ tăng vì các ngân hàng giữ một biên độ lợi nhuận từ huy động đến cho vay trong khoảng 3-4%.

Lãi suất huy động bắt đầu tăng từ ít tháng nay, càng ngày càng có nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động. Việc tăng lãi suất huy động có thể đến từ nguyên nhân là các ngân hàng chuẩn bị cho vay nhiều hơn ở nửa sau năm 2024, cũng có thể đến từ nguyên nhân nợ xấu đang gia tăng.

Từ việc nợ xấu gia tăng, dòng tiền không trở về ngân hàng nên các ngân hàng huy động vốn để tiếp tục cho vay ra, tạo một dòng tiền quay trở lại để trả cho các khách hàng gửi tiền cũ, hoặc để trả lãi cho khách hàng đã gửi tiền cũ. Do đó, các ngân hàng phải tăng huy động bằng cách tăng lãi suất.

Lãi suất huy động tăng trở lại là phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. Thực tế, từ đầu quý II, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5% đến 1% cho các kỳ hạn khác nhau. Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn. Tuy vậy, mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn trong những năm trước dịch bệnh. Mặt bằng lãi suất VND những tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng nhẹ 0,25 - 0,75%.

            Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới bật tăng vào cuối tuần nhưng vẫn xác lập một tuần giảm giá vì áp lực chốt lời và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại Mỹ. Giá vàng trong nước cũng giảm thêm 500.000 - 1.000.000 đồng/lượng. Hiện, giá vàng trong nước giao dịch ở 77,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 79,5 triệu đồng ở chiều bán ra. Giá vàng nhẫn cũng ghi nhận biến động trong tuần qua, giảm 100.000 - 500.000 đồng/lượng trong hai phiên 25 và 26/7. Tuy nhiên, giá tăng trở lại 100.000 - 250.000 đồng vào cuối tuần. 

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (25.461 đồng), giá vàng thế giới tương đương  73,19 triệu đồng/lượng, thấp hơn 6,31 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

          - Thế giới

Phố Wall hồi phục ấn tượng, Dow Jones tăng vọt 600 điểm, sau một tuần đầy biến động, thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc trên một nốt thăng vào ngày thứ Sáu (26/07). Các nhà đầu tư đón nhận tin tức lạm phát mới nhất của Mỹ với tâm lý lạc quan hơn. Tính tới lúc 21h30 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones Industrial Average dẫn đầu đà tăng với mức leo dốc 610 điểm, tương đương 1.5%. Đáng chú ý, cổ phiếu của tập đoàn công nghiệp 3M đã tăng vọt gần 16%, hướng tới ngày tăng mạnh nhất trong hơn 50 năm qua. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 0.8% và 0.5%. Sam Stovall, Chuyên gia từ CFRA Research, nhận định: "Sự phục hồi này đến từ nhiều yếu tố: tâm lý bán quá mức trước đó, báo cáo GDP tích cực hơn dự kiến, và kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Báo cáo PCE ôn hòa hôm nay đã giúp trấn an thị trường. Quá trình luân chuyển dòng tiền vẫn tiếp diễn".

Xu hướng chuyển dịch đầu tư vào các lĩnh vực chu kỳ và cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục diễn ra. Russell 2000, chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, tăng mạnh 2%. Các ngành công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và tài chính cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng ít nhất 1% mỗi lĩnh vực. Trong khi đó, một số cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia, Meta Platforms, Microsoft và Amazon, vốn gặp khó khăn trong tuần này, cũng đã bắt đầu hồi phục.

Trong báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 26/07, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 2.5% so với cùng kỳ, đều khớp với dự báo của các chuyên gia. Con số này thấp hơn mức tăng 2.6% của tháng 5/2024, đây là một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đặt ra. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu Fed có tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hay sẽ bắt đầu xem xét việc nới lỏng? Lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 0.2% so với tháng trước và 2.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là chỉ số mà các nhà hoạch định chính sách Fed thường chú trọng hơn, vì nó phản ánh xu hướng lạm phát dài hạn chính xác hơn.

Trong khi đó, khảo sát của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm rưỡi. Chỉ số tổng thể về tâm lý người tiêu dùng giảm nhẹ xuống 66.4 điểm, vẫn tốt hơn dự đoán của các chuyên gia. Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới ở mức 2.9%, trong khi kỳ vọng 5 năm duy trì ổn định ở mức 3%.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 22-26/07/2024 tăng trong thận trọng, tâm lý thận trọng vẫn còn hiện diện trên thị trường dù VN-Index đã phục hồi khá tốt trong các phiên gần đây. Khi khối lượng giao dịch bắt đầu suy yếu kể từ đợt giảm mạnh của chỉ số vào giữa tháng 7/2024 cho thấy dòng tiền đang có dấu hiệu rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, việc khối ngoại mua ròng trở lại sau giai đoạn bán ròng liên tục vừa qua sẽ khiến cho triển vọng sắp tới bớt bi quan hơn. Các chỉ số chính hồi phục tích cực trong phiên cuối tuần. Kết phiên, VN-Index tăng 0.72%, lên mức 1,242.11 điểm; HNX-Index tăng 0.6%, đạt mức 236.66 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 22.67 điểm (-1.79%), HNX-Index giảm 3.86 điểm (-1.60%).

Thị trường trải qua thêm một tuần giảm điểm trong bối cảnh dòng tiền suy yếu. Khối lượng giao dịch sụt giảm so với tuần trước và thấp hơn trung bình 20 tuần. Tuy vậy, sự hồi phục vào cuối tuần đã phần nào giải tỏa tâm lý bi quan của nhà đầu tư sau một tuần giao dịch khó khăn. Kết phiên 26/07, VN-Index đóng cửa với mức tăng 8.92 điểm, tương đương 0.72%.

Kết phiên giao dịch ngày 26/07/2024, thị trường hồi phục tích cực với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ là điểm sáng khi thể hiện sức bật tốt ngay từ đầu phiên tăng trần. Nhóm công nghệ thông tin về đích thứ 2 khi có sự bứt phá mạnh vào phiên chiều, kết phiên tăng 2.56%. Công lớn thuộc về các cổ phiếu đầu ngành cũng có phiên giao dịch tích cực. Ở chiều ngược lại, bán lẻ và sản phẩm cao su là 2 ngành duy nhất bị “bỏ rơi” khi không thể bật dậy thành công để thoát khỏi sắc đỏ.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ hơn 21 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại mua ròng hơn 34 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 13 tỷ đồng trên sàn HNX.

VPI tăng 12.27%: VPI ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 12.27%. Cổ phiếu bật tăng mạnh 3/5 phiên với sự xuất hiện mẫu hình nến White Marubozu. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đều nằm trên mức trung bình 20 ngày cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu bán trong vùng quá mua (overbought). Điều này cho thấy khả năng điều chỉnh sẽ tăng lên nếu chỉ báo rơi khỏi vùng này. QCG giảm 30.21%: QCG trải qua tuần giao dịch đầy bi quan khi liên tục giảm mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Falling Window. Bên cạnh đó, chỉ báo Stochastic Oscillator và MACD vẫn tiếp tục đi xuống sau khi cho tín hiệu bán. Điều này báo hiệu rủi ro điều chỉnh là vẫn còn.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng cộng mua ròng 1,5 triệu đơn vị, trong khi tuần trước bán ròng 127.490 đơn vị; tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 54,24 tỷ đồng, giảm 32,6% so với tuần trước.

Cụ thể, khối này mua vào 3,51 triệu đơn vị, giá trị 145,68 tỷ đồng (giảm 31,36% về lượng và 65% về giá trị so với tuần trước); trong khi bán ra 2,01 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 91,44 tỷ đồng (giảm 61,63% về lượng và 72,78% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,242,11

458,792,190

11,853,71

667,095,060

16,124,58

HNX-Index

236,66

36,749,608

797,68

56,468,713

1,194,28

             Thị trường Bất động sản

Mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết sẽ được ban hành song song với thời điểm Luật đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024. Trong khi hai Luật còn lại là Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở vẫn chưa “hẹn” thời gian ban hành hướng dẫn Thông tư, Nghị định. Điều này cho thấy, tính thực thi của các Luật cần chờ thêm thời gian.

Để thấy, sự lo ngại về quá trình thực thi Luật và một số điểm chưa thông suốt là điều mà nhiều người trong cuộc vẫn đặt vấn đề. Đơn cử như vấn đề giao đất, đấu thầu đấu giá, và tính giá đất chưa được khơi thông hoàn toàn. Các dự án vướng mắc về cơ chế cũng đặt ra câu hỏi liệu các quy định mới có giải quyết được các dự án đang tồn tại hay chỉ áp dụng cho các dự án mới.

Doanh nghiệp cũng lo lắng việc phải trả tiền đất hằng năm. Đơn cử như các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không tính được chuỗi chu kỳ kinh doanh mà chờ tính hằng năm, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hầu hết người trong cuộc đều kì vọng Chính phủ cần đẩy nhanh việc hoàn thành các nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường. Các cơ quan soạn thảo Luật cần hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận.

Đồng thời, để thị trường bất động sản thực sự ổn định và phát triển trở lại cần “thông cầu, thông cung”. Đi cùng với đó, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm. Các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ. Nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp lẫn khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.

Như vậy, ở giai đoạn này, cả thị trường bất động sản vẫn chờ những quyết sách, văn bản hướng dẫn Luật đủ sát thực nhằm giải quyết hài hòa cho các chủ thể thị trường. Nếu các Luật mới chưa phải là “chiếc đũa thần” thì ít ra phải là bệ đỡ vững chắc, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để các bên tham gia thị trường một cách đồng thuận; hướng đến một môi trường đầu tư kinh doanh bền vững.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC