Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 25/03/2024 đến ngày 29/03/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Ngày 26/03/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ trưởng các bộ liên quan và Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch.

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình đăng ký kinh doanh quý I đã có những dấu hiệu cải thiện so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2024 là 59.848, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, nhìn vào tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 724.507 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2019-2024.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định nhưng tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt mục tiêu dù đà tăng trưởng đang có xu hướng được cải thiện, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ trong tuần 25-29/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng - giảm đan xem. Chốt ngày 29/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.003 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.153 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần 25-29/3 tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng. Kết thúc phiên 29/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.810 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên cuối tuần.

USD Index (DXY) hiện ở mức 104,53. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,04% ở mức 1,0792. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,02% ở mức 1,2627. Tỷ giá USD so với Yen Nhật tăng 0,04% ở mức 151,43. Đồng USD đã tăng so với đồng EUR vào phiên giao dịch cuối tuần sau khi một nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang cho biết Fed sẽ không vội cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh các nhà giao dịch cũng chuẩn bị cho dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần đó là PCE. Kỳ vọng của thị trường về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra tại cuộc họp tháng 6 của Fed đã giảm bớt khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho khả năng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt 14 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống. NHNN vừa ban hành Quyết định 538/QĐ-NHNN phê duyệt 14 ngân hàng thuộc Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2024.

NHNN yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 14 tổ chức tín dụng nêu trên để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.

NHNN vừa có động thái mới nhằm rộng đường can thiệp thị trường ngoại tệ, ổn định tỷ giá, lãi suất

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Trong đó, NHNN muốn thay đổi cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi theo hướng linh hoạt hơn. Cụ thể, tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận và phù hợp với quy định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành trong từng thời kỳ.

Trước đó, Thông tư số 02/2021 quy định 3 cơ sở xác định tỷ giá giao dịch kỳ hạn là: 1) Tỷ giá giao ngay tại ngày giao dịch; 2) Chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố và lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Funds Target Rate). Trường hợp lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ nằm trong khoảng biên độ thì áp dụng mức lãi suất thấp nhất trong khoảng biên độ đó; 3) Kỳ hạn của giao dịch.

Lý giải cho sự thay đổi này, NHNN cho biết, thời gian qua và dự kiến thời gian tới, trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng và khó lường của thị trường quốc tế, đặc biệt là lãi suất mục tiêu Đô la Mỹ do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố, điều kiện thị trường, mặt bằng tỷ giá, chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế có những thay đổi nhanh chóng, khó lường. Trong một số giai đoạn (năm 2022), chênh lệch lãi suất VND và USD bị thu hẹp (lãi suất USD tăng và lãi suất tái cấp vốn VND giảm) đã hạn chế dư địa cho thị trường xác định tỷ giá kỳ hạn USD/VND, có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Việc quy định chi tiết những vấn đề liên quan đến hoạt động điều hành và dễ thay đổi theo diễn biến thị trường (như quy định mang tính chính sách về tỷ giá kỳ hạn, cơ sở xác định mức trần tỷ giá kỳ hạn) tại Thông tư 02 có thể làm hạn chế khả năng phản ứng của NHNN trước biến động thị trường.

Chính vì vậy, nhằm duy trì sự linh hoạt, chủ động trong điều hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện rà soát, sửa đổi khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-NHNN.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính chung tuần, giá vàng trong nước vẫn tăng khoảng 1 - 1,1 triệu đồng lượng. Hiện, giá mua vào cao nhất của vàng miếng SJC ở mốc 78,8 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao nhất đạt 81,02 triệu đồng/lượng.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (24.970 đồng), giá vàng thế giới tương đương 67,17 triệu đồng/lượng, thấp hơn 13,65 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).

Ngày 26/3/2024, giá trị tín phiếu phát hành 3.700 tỷ đồng chỉ bằng khoảng 1/4 so với trung bình những phiên trước đó. Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng gần 156.000 tỷ đồng. Đến ngày 08/04/2024, lô tín phiếu đầu tiên mới đáo hạn. Điều này phần nào giảm áp lực tâm lý đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

          -Thế giới

Chứng khoán Mỹ hứng khởi những tháng đầu năm, S&P 500 lập kỷ lục 22 lần trong quý 1. Thị trường chứng khoán Mỹ bay cao trong những tháng đầu năm 2024, khi S&P 500 lập kỷ lục mới tới 22 lần trong quý 1. Điều này đã tạo ra một bước khởi đầu ấn tượng cho thị trường cổ phiếu lớn nhất thế giới.

S&P 500 đã tăng 10% trong quý 1/2024, điều này đã kèm theo sự ổn định khi chỉ có 3 phiên giao dịch mà chỉ số này giảm hơn 1% trong năm 2024.

Sự thăng tiến này được thúc đẩy bởi niềm tin và sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với thị trường cổ phiếu Mỹ. Trong tháng 3/2024, nhà đầu tư đã đổ vào các quỹ mua cổ phiếu Mỹ khoảng 50 tỷ USD, theo dữ liệu từ EPFR Global.

Đà tăng nhẹ ban đầu bắt nguồn từ kỳ vọng về việc Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Tiếp theo, sự lạc quan được lan rộng khi Fed được kỳ vọng sẽ tạo ra một kịch bản "hạ cánh mềm" mà không gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.

Dữ liệu mới về lạm phát và chi tiêu, công bố vào ngày 29/03, cũng phản ánh những kỳ vọng của các chuyên gia, củng cố dự báo về chính sách lãi suất của Fed. "Chúng tôi không cần phải hạ lãi suất một cách vội vã", Chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ trong một sự kiện vào cùng ngày.

Trong khi đó, trên các thị trường khác, sự phồn thịnh đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực rủi ro nhất trong hệ thống tài chính. Bitcoin tiếp tục vượt qua mốc 70,000 USD sau khi các quỹ ETF Bitcoin giao ngay được phê duyệt. Đồng thời, các thương vụ sáp nhập và thâu tóm cũng tăng mạnh, đợt chào sàn của Reddit và Trump Media cũng đón nhận sự chào đón nồng nhiệt. Trên thị trường tín dụng, nhu cầu vay nợ và cho vay cũng khởi sắc, tạo ra một tín hiệu tích cực về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặc dù Fed đang cân nhắc giảm lãi suất ba lần trong năm nay, lợi suất vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới, điều này càng kích thích dòng tiền chảy vào Mỹ. "Tôi thấy dòng tiền đang chảy vào Mỹ từ khắp nơi trên thế giới", Andrew Brenner, Trưởng bộ phận thu nhập cố định tại National Alliance Securities, chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Brenner cũng tỏ ra cảnh giác. Có những dấu hiệu rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế, khi tình hình tài chính của người tiêu dùng bắt đầu trở nên lo lắng. Nợ thẻ tín dụng ngày càng tăng, trong khi số người chưa thanh toán đúng hạn với khoản nợ vay mua xe đã tăng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Nhiều công ty cũng đang bắt đầu gặp khó khăn, với số lượng công ty vỡ nợ gấp đôi trong năm 2023, theo S&P Global.

Chỉ số Russell 2000, theo dõi các doanh nghiệp nhỏ dễ bị ảnh hưởng trước sự thăng trầm của nền kinh tế, cũng đã tăng trong ba tháng đầu năm, mặc dù mức tăng không cao, chỉ là 4.3%. Điều này cho thấy rằng các công ty lớn đang là động lực dẫn dắt chỉ số lên cao hơn, đặc biệt là những công ty đang ở trên con đường lạc quan về trí tuệ nhân tạo (AI).

"Chứng khoán đang mang lại niềm vui cho mọi người tại thời điểm này. Nhưng tôi không biết khi nào thì rắc rối sẽ xuất hiện," ông Brenner chia sẻ. Nhóm cổ phiếu Magnificent Seven - bao gồm 7 công ty công nghệ được yêu thích nhất bao gồm Apple, Amazon, Alphabet, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla - vẫn tiếp tục gây tác động lớn tới chỉ số, đóng góp tới 40% vào đà tăng của S&P 500, theo dữ liệu từ Howard Silverblatt.

"Lợi nhuận vẫn khả quan, lãi suất đã rời khỏi mức đỉnh và thị trường việc làm vẫn vững chắc, cùng với đó là người tiêu dùng sẵn sàng 'móc hầu bao'", Silverblatt chia sẻ. "Vì vậy, thị trường có thể tiếp tục tăng".

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 25-29/03/2024 VN-Index chững lại đà tăng, VN-Index giảm điểm và gặp khó khăn khi test lại đỉnh cũ tháng 8/2022 (tương đương vùng 1,285-1,295 điểm). Dự kiến trong các phiên tới, chỉ số có thể xảy ra các đợt rung lắc mạnh. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình 20 ngày trong 4/5 phiên gần đây thể hiện tâm lý nhà đầu tư bắt đầu thận trọng trở lại.

Các chỉ số chính giảm trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index giảm 6.09 điểm, về mức 1,284.09 điểm; HNX-Index giảm 1.34 điểm, kết phiên về mức 242.58 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng tăng 2.29 điểm (+0.18%), HNX-Index tăng 0.9 điểm (+0.37%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm khi đà tăng của chỉ số bị chững lại bởi phiên giảm điểm vào cuối tuần. Chính điều đó đã kéo chỉ số kết tuần dừng lại ở mức tăng nhẹ. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng liên tiếp của khối ngoại trong tuần qua sẽ gây cản trở cho động lực tăng trưởng của chỉ số. Kết phiên, VN-Index đóng cửa với mức giảm 6.09 điểm, tương đương 0.47%.

Xét theo mức độ đóng góp, LPB, VIB và VPB là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp hơn 0.8 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VCB, BID và MSN là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng VCB đã lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 29/03/2024, chỉ số quay lại giảm điểm và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nhóm ngành trên thị trường. Trong đó, nhóm ngành đóng góp tích cực như khai khoáng cũng bị kéo tụt xuống mức thấp. Tuy nhiên, các mã cổ phiếu như PVS, PVD, PVC, PVB, MVB, NBC, TDN, HLC… vẫn giữ sắc xanh đến cuối phiên.

Ngoài ra, theo khung thời gian tháng (weekly), ngành khai khoáng đang nằm trong góc phần tư tăng trưởng khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy nhóm này đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa. Nếu cổ phiếu của nhà đầu tư đang nằm trong nhóm này thì cần tiếp tục nắm giữ.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 4,525 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 4,562 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 37 tỷ đồng trên sàn HNX.

SVD tăng 38.8%: SVD ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 38.8%. Cổ phiếu liên tục tăng mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Rising Window và White Marubozu kèm theo khối lượng giao dịch tăng mạnh đột biến. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang rất tích cực.

Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought). Nếu tín hiệu bán xuất hiện trở lại và chỉ báo rơi khỏi vùng này thì rủi ro điều chỉnh sẽ tăng cao.

RDP giảm 18.38%: RDP trải qua tuần giao dịch đầy tiêu cực khi liên tục lao dốc kèm theo xuất hiện mẫu hình nến Black Marubozu. Ngoài ra, chỉ báo MACD đang cho tín hiệu bán nên đà giảm sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

- Thị trường Upcom

Tuần qua giao dịch từ ngày 25-29/3 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 125,1 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 4.566,72 tỷ đồng, tăng 77,42% về lượng và tăng hơn 47% về giá trị so với tuần trước đó từ 18-22/3 (bán ròng 3.105,03 tỷ đồng).

Tổng cộng cả tháng 3, khối ngoại đã bán ròng 295,79 triệu đơn vị, tương ứng giá trị bán ròng lên tới 10.958 tỷ đồng, gấp tới gần 8 lần so với tháng 2 (chỉ bán ròng 1.455 tỷ đồng).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,284,09

922,547,400

23,203,75

1.007,637,482

24,856,52

HNX-Index

242,58

80,641,572

1,769,10

94,110,118

2,023,33

Thị trường Bất động sản

Báo cáo kinh tế - xã hội tháng của Cục Thống kê TP HCM cho biết doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt trên 61.000 tỷ đồng trong quý I, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với quy mô này, kinh doanh bất động sản chiếm gần 23% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ và chiếm khoảng 15% GRDP của đầu tàu kinh tế quý I. Theo Cục Thống kê TP HCM, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi khi Chính phủ và các doanh nghiệp thực hiện nhiều chính sách có liên quan về pháp lý, lãi suất, góp phần tăng tính thanh khoản và tiến độ triển khai các dự án. Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tính đến đầu năm nay, khoảng 30% trong số hơn 148 dự án bị vướng mắc pháp lý trên địa bàn đã giải quyết nhờ nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và Thành phố.

Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,56% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% tổng dư nợ tín dụng bất động sản; dư nợ bất động sản tự sử dụng/tiêu dùng (cho vay người mua nhà, nhà đầu tư) đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng bất động sản. Bất động sản cùng với chứng khoán là hai lĩnh vực ghi nhận tín dụng tăng trưởng trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản vẫn tăng chậm (tính đến cuối tháng 10/2023 đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng).

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC