Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 26/02/2024 đến ngày 01/03/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số rất đáng mừng khi cùng thời điểm này năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký.

Cụ thể, về đăng ký dự án mới, có 405 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 103,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,09 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 38%; các ngành còn lại đạt 139,3 triệu USD, chiếm 3,9%.

Trong 2 tháng đầu năm, có một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới. Lớn nhất ở thời điểm hiện tại là Dự án 662 triệu USD của CapitaLand (Singapore), đầu tư xây dựng khu đô thị ở khu vực Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park Hà Nội; bên cạnh đó có Dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell (Trung Quốc) tại Thái Nguyên, Dự án 275 triệu USD của Gokin Solar (HongKong, Trung Quốc) tại Hải Hà, Quảng Ninh,...

Tuy nhiên, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 68% so với cùng kỳ năm trước với tổng giá trị góp vốn 255,4 triệu USD. Trong đó, có 131 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 131,5 triệu USD và 236 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 123,9 triệu USD.

2 tháng đầu năm, các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam đều là các đối tác truyền thống và đến từ châu Á. 5 đối tác dẫn đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) chiếm tới 77% số dự án đầu tư mới và gần 85,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 128,4 triệu USD, chiếm 4,6%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo, năm 2024 sẽ là năm đột phá về thu hút FDI. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định thận trọng rằng, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 2024 có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, chỉ tăng 1,3% so với năm 2023 (năm 2023 vốn thực hiện đạt 23,18 tỷ USD).

Điểm đáng chú ý, tương tự như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu đang phát triển ở Việt Nam với 70% giá trị XK đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tương lai gần, tăng trưởng của ngành bán dẫn Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và phần lớn sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu. Là một xu thế mới, với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và thị phần nắm giữ trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị bán dẫn, các công ty Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng FDI vào Việt Nam mạnh hơn trong thời gian tới.

Một chính sách mới đáng quan tâm có hiệu lực từ 1/1/2024 liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, theo đó, từ ngày 01/01/2024 áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 26/2 - 1/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng ở 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt ngày 1/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.002 VND/USD. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.152 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần tăng tiếp phiên đầu tuần, tuy nhiên sau đó đã giảm trở lại. Kết thúc phiên 1/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.650 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua. 

Đồng USD tăng sau khi mất giá trong phiên khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tháng 1 được công bố như dự đoán của thị trường. USD Index hiện ở mức 104,15. Tỷ giá EUR/USD giảm 0,01% ở mức 1,0805. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% ở mức 1,2625. Tỷ giá USD so với Yen Nhật tăng 0,08% ở mức 150,11. Đồng USD đã tăng dù hoạt động không ổn định và đang trên đà đạt được mức tăng hàng tháng thứ hai liên tiếp so với đồng EUR và đồng Yen, vượt qua mức giảm trước đó sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đúng như mong đợi vào tháng 1. Trước đó, USD giảm sau khi dữ liệu cho thấy mức tăng giá của Mỹ trong tháng 1 là nhỏ nhất trong gần ba năm, khiến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang vẫn trong trạng thái được cân nhắc. Sự sụt giảm này chỉ diễn ra trong phạm vi ngắn và đồng bạc xanh sau đó đã phục hồi trở lại.

- Thị trường nội tệ

Thị trường tiền tệ xuất hiện những diễn biến mới, lãi suất huy động có thể sớm tăng trở lại. Trái với diễn biến của cùng kỳ năm trước, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 2/2024 tăng mạnh nhưng đang có xu hướng hạ nhiệt dần về cuối tháng. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong tháng 2/2024 là 2,21%/năm, cao hơn 1,97 điểm % so với mức bình quân trong tháng 01/2024, mức thay đổi là tương tự đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần. Tuy nhiên, biến động tăng của lãi suất liên ngân hàng là yếu hơn ở các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng bình quân kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng trong tháng 2/2024 lần lượt là 2,21%/năm và 3,06%/năm, tương ứng tăng 1,7 điểm % và 0,85 điểm % so với mức bình quân của tháng trước. Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 3-9 tháng không biến động nhiều trong tháng 02/2024, đều giảm 0,21 điểm % so với mức trung bình của tháng trước.

Song song với diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, NHNN cũng đã kích hoạt trở lại hoạt động bơm tiền qua kênh cầm cố trên thị trường mở với quy mô lớn hơn so với quy mô lẻ tẻ trong tháng trước. Tuần qua, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày là 31.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 6.037,51 tỷ đồng trúng thầu với mức lãi suất 4,0%/năm. Ở cả hai phiên có thành viên trúng thầu, số lượng thành viên tham gia dự thầu và trúng thầu chỉ là một thành viên.

Diễn biến trên cho thấy có hiện tượng thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng trước và sau dịp nghỉ Tết, tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại và thanh khoản hệ thống có thể trở lại trạng thái bình thường trong tháng 3/2024 dựa trên các cơ sở: 1) lãi suất cho vay qua đêm đang giảm trở lại, 2) quy mô bơm thanh khoản của NHNN là thấp xét ở cả khối lượng và số thành viên tham gia cầm cố trên thị trường mở, 3) biến động lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn dài hơn không có sự đột biến.

Mặc dù cho rằng biến động tăng ngắn hạn của lãi suất liên ngân hàng là không quá đáng ngại, song xu hướng dài hạn hơn cho thấy lãi suất liên ngân hàng đang dần đi lên từ mức thấp 0,23%/năm trong quý 3/2023 lên 0,62% trong quý 4/2024 và 0,85%/năm trong 2 tháng đầu năm 2024.

Huy động vốn đầu năm 2024 kém hơn các năm trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 là -0,6% và tính đến ngày 16/02 là -1,0%. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 01/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (-1,3%) hay MB (-0,7%).

Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến, bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013-2023 chỉ là 0,56%. Tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024. Dù chưa có số liệu chính thức tính đến cuối tháng 2/2024, nhóm phân tích cho rằng mức tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2024 có vẻ nghiêm trọng hơn vì điều kiện năm nay khác với thời kỳ trước khi NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm.

Không chỉ tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm, huy động vốn của nền kinh tế cũng không khả quan. Tăng trưởng huy động vốn ước đạt -1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%.

Nhìn lại số liệu lịch sử, tăng trưởng huy động vốn các tháng đầu năm có xu hướng chậm lại trong giai đoạn từ 2020 đến nay, tuy nhiên, nếu căn cứ vào ước tính thì hoạt động huy động vốn đầu năm nay cũng kém hơn các năm trước. Điều này cũng phần nào lý giải thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm.

Mặt khác, trong tháng 2/2024, xu hướng giảm lãi suất huy động hệ thống ngân hàng tiếp diễn, phổ biến ở khối NHTMCP tư nhân với mức giảm 0,1-0,2 điểm %. Tuy nhiên, một vài ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng qua như Sacombank, Techcombank hay ACB với mức tăng từ 0,1-0,4 điểm %. Việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2 đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý 2/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhóm phân tích là lãi suất huy động có thể tăng từ nửa cuối năm 2024.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Hiện tại, giá mua vào cao nhất của vàng miếng SJC đạt mốc 78,2 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao nhất chính thức chạm đỉnh 80,72 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng miếng SJC liên tục tăng giá mạnh trong thời gian gần đấy đã khiến Chính phủ nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (24.810 đồng), giá vàng thế giới tương đương 62,23 triệu đồng/lượng, thấp hơn 18,79 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

S&P 500 lần đầu tiên vượt ngưỡng 5,100 điểm, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 tăng lên mức cao mọi thời đại vào ngày thứ Sáu (01/03), vượt qua mức kỷ lục hồi năm 2021, khi nhà đầu tư dự báo rằng các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn là cách tốt nhất để tham gia vào thị trường trong bối cảnh lạm phát chững lại và sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo sắp tới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/03, chỉ số Nasdaq Composite tiến 1.14% lên 16,274.94 điểm, đạt mức đỉnh mới 16,302.24 điểm trong phiên. Trong phiên trước đó, chỉ số này đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Chỉ số S&P 500 cộng 0.80% lên 5,137.08 điểm, lần đầu tiên đóng cửa trên ngưỡng 5,100 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 90.99 điểm (tương đương 0.23%) lên 39,087.38 điểm.

Cổ phiếu gã khổng lồ ngành sản xuất con chip Nvidia, vốn đã dẫn đầu đà leo dốc công nghệ khi bứt phá hơn 260% trong 12 tháng qua, vọt thêm 4% vào ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Meta cũng tăng hơn 2% trong phiên.

Tuần này, Nasdaq Composite tăng 1.74%, còn S&P 500, vốn cũng lập kỷ lục mới vào ngày 29/02, cộng 0.95%. Cả 2 chỉ số này đều ghi nhận tuần tăng thứ 7 trong 8 tuần qua. Trong khi, Dow Jones theo hướng ngược lại, giảm 0.11% từ đầu tuần đến nay.

Nasdaq Composite là chỉ số cuối cùng trong số các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục trong năm nay, khi đã đạt được cột mốc này vào ngày 29/02. Sự nhiệt thành với AI đã thúc đẩy các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn – và thị trường chung – trong năm 2023 và trong năm nay. Lạm phát chững lại và sự thay đổi chính sách sang hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm 2024 cũng góp phần vào đà phục hồi của Nasdaq Composite sau một năm 2022 đầy khó khăn.

Chứng khoán Mỹ tăng ngay cả khi ngân hàng khu vực New York Community Bancorp gặp khó khăn, với cổ phiếu ngân hàng này sụt 25.9% sau khi thông báo thay đổi lãnh đạo và tiết lộ các vấn đề với hệ thống kiểm soát nội bộ. Cổ phiếu New York Community Bancorp lao dốc hơn 65% trong năm 2024, với một số nhà đầu tư lo ngại đây là dấu hiệu của một đợt cải tổ bất động sản trên diện rộng sắp tới.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 26/02-01/03/2024, duy trì triển vọng tích cực. VN-Index tăng điểm và đà tăng vẫn được duy trì tích cực trong tuần qua. Đồng thời, khối lượng giao dịch nằm trên mức trung bình 20 ngày cho thấy nhà đầu tư đang giao dịch khá sôi động. Ngoài ra, việc khối ngoại mua ròng trở lại giúp cho đà tăng của chỉ số càng được củng cố.

Các chỉ số chính tăng trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index tăng 5.55 điểm, lên mức 1,258.28 điểm; HNX-Index tăng 0.97 điểm, kết phiên lên mức 236.43 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng tăng 46.28 điểm (+3.82%), HNX-Index tăng 5.35 điểm (+2.32%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch khởi sắc khi đà tăng của chỉ số liên tục tăng mạnh trong tuần qua. Bên cạnh đó, khối ngoại quay lại mua ròng khá tích cực 4/5 phiên đồng thời khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền đang tích cực quay trở lại. Kết phiên, VN-Index đóng cửa với mức tăng 5.55 điểm, tương đương 0.44%.

Xét theo mức độ đóng góp, BID, VHM và FPT là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VPB, TCB và VNM là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng VPB đã lấy đi gần 0.5 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 01/03/2024, chỉ số tăng điểm và sắc xanh bao phủ hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngành sản xuất phụ trợ, chứng khoán và xây dựng ghi nhận đóng góp tích cực cho đà tăng của chỉ số. Cụ thể, các mã cổ phiếu sản xuất phụ trợ vẫn giữ mức tăng tốt từ đầu phiên như ACG (+2.61%), PTB (+3.82%), PLC (+3.75%), BKG(+6.87%).

Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng đóng góp khá tích cực, khi các mã cổ phiếu REE (+1.8%), VCG(+2.87%), PC1 (+2.34%), CTD (+3.45%), CII (+2.43%), HHV (+2.28%), BCG (+1.65%). Riêng cổ phiếu LGC tăng mạnh nhất khi đạt mức chạm trần 6.92%. Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng hơn 135 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng gần 113 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 22 tỷ đồng trên sàn HNX. SFG tăng 33.78%: SFG ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 33.78%. Cổ phiếu liên tục tăng mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Rising Window và White Marubozu cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang rất tích cực.

Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought). Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn sẽ xuất hiện trong thời gian tới nếu chỉ báo cho tín hiệu bán trở lại. ST8 giảm 16.31%: ST8 trải qua tuần giao dịch đầy tiêu cực khi xuất hiện mẫu hình nến Falling Window cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư đang hiện diện.

Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đang hướng xuống và có khả năng tiến vào vùng quá bán (oversold). Nếu chỉ báo này xuất hiện tín hiệu mua trở lại thì triển vọng ngắn hạn sẽ lạc quan hơn.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 721.500 đơn vị, giá trị đạt 21,98 tỷ đồng, giảm 30,39% về lượng và 8,87% về giá trị so với phiên trước đó. Mặt khác, khối này bán ra 706.250 đơn vị, giá trị đạt 30,69 tỷ đồng, giảm 6,91% về lượng nhưng tăng 24% về giá trị so với phiên trước đó.

Do đó, phiên này khối ngoại đã mua ròng 15.250 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 8,71 tỷ đồng, giảm 94,51% về lượng nhưng tăng gấp hơn 13 lần về giá trị so với phiên trước. Khối này mua ròng mạnh nhất cổ phiếu ACV với giá trị đạt 1,96 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 24.400 đơn vị; trong khi DDV được mua ròng mạnh nhất về khối lượng, đạt 149.300 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 1,66 tỷ đồng.

Ngược lại, khối này bán ròng mạnh nhất QNS với khối lượng 188.800 đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 9,07 tỷ đồng. Tiếp theo là MCH bị bán ròng 46.600 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 5,33 tỷ đồng.

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,258,28

961,928,011

23,731,68

980,096,157

23,315,49

HNX-Index

236,43

106,817,887

2,141,48

101,795,236

2,001,73

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC