Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 26/8/2024 đến ngày 30/8/2024

        Tin kinh tế vĩ mô

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt từ 50-100 triệu lên 1,5-3 tỷ đồng và kéo dài thời hạn truy cứu trách nhiệm với kiểm toán viên, doanh nghiệp vi phạm.

Sau nhiều vi phạm, đơn cử như đại án Ngân hàng Sài Gòn - SCB, Bộ Tài chính đánh giá các quy định hiện hành về xử lý vi phạm kiểm toán độc lập chưa đủ răn đe và có kẽ hở. Các doanh nghiệp kiểm toán đều "không sợ và không ngại vi phạm quy định của Luật kiểm toán độc lập cũng như các văn bản hướng dẫn".

Do đó, Bộ Tài chính cho biết cần thiết sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, theo hướng bổ sung hình thức xử phạt và tăng mức độ xử lý với kiểm toán viên, doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể, Bộ đề xuất nâng thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập lên 10 năm, thay vì 1 năm như quy định hiện hành. Hiện nay, hầu hết trường hợp khi phát hiện vi phạm đều đã hết thời hiệu, nên không xử phạt được.

Đồng thời, Bộ cũng muốn tăng mức phạt tối đa với tổ chức vi phạm từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng, với cá nhân từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán...

Cá nhân vi phạm quy định của Luật này tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo dự thảo mới nhất, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung các đối tượng thuộc diện kiểm toán bắt buộc. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán bắt buộc theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2023. Doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch phức tạp, số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế,... cũng phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 26-30/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 30/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.224 VND/USD, giảm 26 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi tỷ giá bán USD được điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên, chốt ngày 30/08, niêm yết ở mức 25.385 VND/USD, giảm 65 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần động giảm ở 2 phiên đầu tuần và tăng ở 2 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 30/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.865 giảm mạnh 112 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm trong tuần qua. 

Chỉ số USD Index (DXY) hiện ở mức 101,34. Tỷ giá EUR so với USD tăng 0,04% ở mức 1,1084. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,01% ở mức 1,3167. Tỷ giá USD so với Yen Nhật giảm 0,13% ở mức 144,79. Đồng USD đã tăng trong 2 phiên ngày thứ 5 và 6 sau khi dữ liệu điều chỉnh cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng nhanh hơn một chút báo cáo sơ bộ quý II, làm giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng tới.

- Thị trường nội tệ

Tuần từ 26/08 - 30/08, lãi suất VND LNH trong tuần biến động tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 30/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,47% (+0,01 đpt); 1W 4,53% (-0,03 đpt); 2W 4,60% (-0,06 đpt); 1M 4,72% (không đổi).

Trên thị trường mở tuần qua từ 26/08 - 30/08, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 35.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 33.312 tỷ đồng trúng thầu, có 21.447 tỷ đáo hạn trong tuần qua.

NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 24.800 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua. Như vậy, NHNN bơm ròng 36.664 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 50.311,91 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 21.999,7 tỷ đồng.

Ngày 28/08, KBNN đấu thầu thành công 8.090 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 67%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 330 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 6.350 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng, 15Y huy động được 950 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng và 20Y huy động được 460 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5Y-15Y không đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể: 5Y là 1,95%, 10Y 2,71%, 15Y 2,90%, kỳ hạn 20Y 3,0% (+0,02 đpt).

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.423 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 12.073 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua ít biến động. Chốt phiên 30/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,86% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,88% (không đổi); 3Y 1,90% (không đổi); 5Y 1,95% (không đổi); 7Y 2,23% (+0,002 đpt); 10Y 2,72% (-0,004 đpt); 15Y 2,90% (+0,001 đpt); 30Y 3,18% (không đổi).

            Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh vì triển vọng hạ lãi suất và dữ liệu kinh tế của Mỹ, tuy nhiên tính chung cả tuần thì vàng thế giới vẫn giảm nhẹ. Giá vàng trong nước, ngược lại, đi ngang. Thị trường vàng trong nước ổn định trong tuần qua khi giá vàng SJC tại tất cả cửa hàng được khảo sát không đổi từ đầu tuần cho tới hết tuần. Hiện tại, giá vàng đang được mua vào với mức 79.000 đồng/lượng và bán ra ở 81.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn đang giao dịch trong khoảng 77,30 - 77,55 triệu đồng ở chiều mua vào và 78,6 - 78,7 triệu đồng ở chiều bán ra. 

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Sáu (30/08), với Dow Jones đạt mức cao kỷ lục mới khi nhà đầu tư khép lại một tháng đầy biến động với sắc xanh. Nhà đầu tư cũng cân nhắc dữ liệu lạm phát quan trọng được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/08, chỉ số Dow Jones tăng 228.03 điểm (tương đương 0.55%) lên 41,563.08 điểm. Chỉ số này đã chạm mức cao mọi thời đại mới trong những phút cuối phiên và đóng cửa ở mức cao kỷ lục.

Chỉ số S&P 500 tiến 1.01% lên 5,648.40 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 1.13% lên 17,713.62 điểm.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tháng 7 tăng 0.2% so với tháng trước và tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phù hợp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, chỉ số này cũng tăng 0.2% so với tháng trước.

Sau khi báo cáo được công bố, kỳ vọng của nhà đầu tư về cuộc họp ngày 18/9 của Fed về cơ bản không thay đổi. Thị trường vẫn đặt cược 100% Fed hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm tăng nhẹ lên mức 67% và đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm giảm nhẹ còn 33%.

Fed theo dõi chặt chẽ chỉ số này và nó vẫn có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của các nhà hoạch định chính tại vào tháng 9.

Đầu tháng này, chứng khoán Mỹ đã bán tháo do mối lo kinh tế Mỹ suy thoái, với S&P 500 ở thời điểm chạm đáy của tháng đã giảm tới 7,3%; Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 5,4% và 10,7% so với đầu tháng. Sau đó, thị trường nhanh chóng “hoàn hồn” khi nỗi lo suy thoái lắng xuống. Cả tháng, S&P 500 tăng 2,3%; Dow Jones tăng gần 1,8% và Nasdaq tăng 0,7%.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm đã trải qua những phiên bán tháo trong tháng 8 này, trong khi cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và y tế là những nhóm được mua nhiều, giữ vai trò trụ cột đưa thị trường đi lên.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, S&P 500 tiến 2,3% trong tháng này, còn Dow Jones tăng gần 1.8%. Nasdaq Composite cộng 0.7% trong giai đoạn này. S&P 500 đã ghi nhận 4 tháng leo dốc liên tiếp. Sự gia tăng của các lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và y tế đã giúp thúc đẩy S&P 500 trong tháng 8.

- Trong nước  

Các chỉ số chính tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần. Kết phiên ngày 30/08, VN-Index tăng 0.19%, lên mức 1,283.87 điểm; HNX-Index giảm 0.13%, về còn 237.56 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 1.45 điểm (-0.11%), HNX-Index giảm 2.51 điểm (-1.05%).

Thị trường chững lại đà tăng trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8. Tâm lý thận trọng dâng cao trước thềm kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, VN-Index hầu như chỉ biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu đi kèm thanh khoản dưới mức trung bình 20 phiên trong suốt tuần qua. Các cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên giữ nhịp cho chỉ số, trong khi đó diễn biến phân hóa chi phối chủ yếu ở phần còn lại. Kết phiên 30/08, VN-Index đóng cửa với mức tăng 2.40 điểm, tương đương 0.19%.

Xét về mức độ đóng góp, TCB, FPT và HVN là những mã góp công lớn nhất giữ sắc xanh cho chỉ số, giúp VN-Index tăng gần 1.5 điểm. Trái lại, BID, HPG và MSN lấy đi của chỉ số gần 1 điểm.

Sắc xanh bao phủ hầu hết các nhóm ngành, tuy nhiên mức độ tăng không quá nổi bật, đều dưới 1%. Trong đó, nhóm chăm sóc sức khỏe dẫn đầu thị trường với mức tăng 0.77%, tiêu biểu là các cổ phiếu IMP (+2.57%), TNH (+3.89%), TRA (+1.3%), DPH (+9.78%), DAN (7.17%), DTP (+5.41%),… Theo sau là nhóm tiêu dùng thiết yếu và công nghệ thông tin cũng không chịu thua kém với mức tăng khoảng 0.7%.

Ở chiều ngược lại, dịch vụ viễn thông là ngành duy nhất bị “bỏ rơi” với mức giảm 0.09%. Ảnh hưởng chủ yếu bởi VGI (-0.59%), VNZ (-2.63%), YEG (-0.87%) và VNB (-1.75%). Tuy vậy, nhiều cổ phiếu trong nhóm này vẫn thu hút được lực cầu tích cực như FOX (+2.08%), CTR (+1.91%), ELC (+1.27%), FOC (+5.45%),…

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 930 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 840 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 89 tỷ đồng trên sàn HNX.

 

            - Thị trường Upcom

Tuần qua từ ngày 26/08-30/08, giao dịch NĐTNN mua ròng 1,396 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt hơn hơn 60,7 tỷ đồng. Tự doanh bán ròng 1,136 triệu đơn vị cổ phiếu, giá trị tương ứng hơn 39 tỷ đồng. Kết thúc tuần giao dịch, UPCOM-Index đóng cửa ở 94.17 điểm, giảm -0,25% so với tuần trước  

Chỉ số

Điểm

KLGD

(đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,283.87

3,359,572,142

78,375

671,914,428

15,675

HNX-Index

237.56

263,587,985

5,215

52,717,597

1,043

 

           Thị trường Bất động sản

Sở Xây dựng Hà Nội mới cập nhật danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn, tính đến hết tháng 8. Theo đó, nguồn cung nhà ở tại Thủ đô sắp có thêm hơn 5.300 căn hộ tại 9 dự án. Dự kiến đến 2026, Hà Nội sẽ có thêm hơn 45.000 căn hộ. Tuy nhiên, nguồn cung nhà giá rẻ có thể vẫn thiếu hụt khi các chủ đầu tư chủ yếu đưa ra thị trường sản phẩm hạng sang, cao cấp.

Đà tăng giá của thị trường chung cư Hà Nội vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng mạnh hơn trong khoảng hai tháng gần đây. Giá tăng mạnh chủ yếu do thiếu nguồn cung. Trong quý II/2024, nguồn cung căn hộ đã giảm 34% so với quý trước và 25% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng 2.700 căn. Đáng chú ý, 98% nguồn cung này đến từ các dự án hiện có, hầu như không có dự án mới. Song, khi nguồn cung căn hộ tại khu vực ngoại ô Hà Nội tăng mạnh từ năm 2025 trở đi, giá bán tại các khu vực này có thể khó duy trì đà tăng nhanh như hiện tại. Điều này có thể làm giảm áp lực tăng giá nhà ở trong dài hạn, đặc biệt ở các khu vực ngoại ô.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo thị trường, SRTC