Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 27/9/2021 đến ngày 1/10/2021

Tin kinh tế vĩ mô

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chỉ thị nêu rõ, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Với sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tới nay dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi.

Tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp đã có phản ánh và kiến nghị về các khó khăn trong sản xuất kinh doanh: Nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất, v.v...

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Một là, các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Hai là, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vaccine tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Ba là, Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp nhiễm COVID-19; quy định về biện pháp cách ly người tiếp xúc gần nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức phân bổ kịp thời vaccine cho các địa phương để tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để các doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.

Bốn là, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lưu thông, vận tải hàng hóa.

Năm là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

Sáu là, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài được nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Bảy là, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, kịp thời hướng dẫn các chính sách, quy định về miễn giảm thuế, triển khai để ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Thị trường Tiền tệ        

- Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 27/09 - 01/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng qua các phiên. Chốt tuần 01/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, tăng mạnh 26 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.805 VND/USD. Trong tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 01/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.759 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Giá USD tăng giảm trái chiều tại các ngân hàng và thị trường tự do.

Tuần qua, tỷ giá USD đã đạt mức cao nhất trong năm 2021 so với các đồng tiền chủ chốt khác mặc dù tranh cãi ở Washington về mức trần nợ của Mỹ có nguy cơ khiến chính phủ phải đóng cửa. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, tỷ giá USD xuất hiện dấu hiệu suy yếu cùng với sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây. USD Index giảm 0,16% xuống 94,090 trong phiên giao dịch cuối tuần. Tỷ giá euro so với USD tăng 0,10% lên 1,1593. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,55% lên 1,3546. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,18% xuống 111,07.

- Thị trường nội tệ

Báo cáo dẫn lại điểm xuất phát của năm 2021, với cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4%. Những cơ sở này để Ngân hàng nhà nước (NHNN) xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm khoảng 12% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN cho biết đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD phù hợp với năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, an toàn của TCTD và tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để tạo điều kiện cho TCTD hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD có đề nghị trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD và diễn biễn thị trường. NHNN ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực "vượt bão" Covid-19, các ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đều hiểu rằng vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng là mục tiêu chính hiện nay. Là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay kể từ sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, Sacombank luôn là một trong những đơn vị phản ứng nhanh khi liên tục đưa ra các giải pháp và chương trình đồng hành thiết thực để cùng khách hàng khắc phục khó khăn.

Cụ thể, Ngân hàng đang áp dụng giảm khung lãi suất vay đến 1% cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Khách hàng cá nhân có thể chủ động theo dõi dư nợ và thanh toán khoản vay qua các kênh trực tuyến (kể cả khoản vay tại quầy và vay trực tuyến). Đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất vay ngắn hạn chỉ còn từ 4%/năm và ưu đãi hàng loạt phí như: miễn phí Ngân hàng trực tuyến Internet Banking và Mobile Banking; phí thường niên và dịch vụ quản lý năm đầu thẻ doanh nghiệp; miễn/giảm phí các dịch vụ chuyển tiền trong nước và quốc tế, tài trợ thương mại, bảo lãnh… linh hoạt theo quy mô doanh nghiệp. Ngân hàng cũng triển khai ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân tham gia gửi tiết kiệm trực tuyến trên ứng dụng Sacombank Pay hoặc Ngân hàng điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) với mức lãi suất cao hơn giao dịch tại quầy lên đến 0.5%/năm, đồng thời có thể vay tiêu dùng nhanh dựa trên số dư tiết kiệm này mọi lúc mọi nơi mà không cần đến Ngân hàng. Hành động này nhằm đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai các giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa tăng trưởng kinh tế. 

Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, điều chỉnh chính sách và đề ra các giải pháp mới nhằm thúc đẩy lưu thông vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu phục hồi sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số nhằm tạo đột phá về sản phẩm dịch vụ thông qua việc ứng dụng nền tảng công nghệ tiên tiến nhất để vừa tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng vừa đóng góp thiết thực vào sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức từ 7,1% - 7,7%. Tuy nhiên, đây là kết quả được dự báo trước và NHNN đã lên kịch bản xử lý trong thời gian tới.

Ngày 29/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông tin về tình hình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và diễn biến nợ xấu trong thời gian vừa qua. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%; năm 2017 giảm xuống còn 1,99%; năm 2018 còn 1,91%; năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì năm 2016 là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và sang đến năm 2020 là 3,81%. nợ tiềm ẩn nợ xấu là các khoản vay trái phiếu doanh nghiệp, các khoản lãi dự thu hay các khoản nợ cơ cấu lại được NHNN thận trọng tính là các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu, có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Về nợ xấu năm 2021, NHNN đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu tăng mạnh trong thời gian tới. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ.

Về chỉ tiêu tất cả các NHTMCP phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến thời điểm hiện tại vẫn đang còn 6 - 7 ngân hàng chưa lên sàn với nhiều lý do khác nhau, một trong số đó là do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Về sở hữu chéo, đại diện NHNN khẳng định, NHNN đã rất quyết liệt trong xử lý sở hữu chéo (ngân hàng nọ sở hữu ngân hàng kia, ngân hàng sở hữu doanh nghiệp) và cơ bản đã được xử lý, hạn chế tối đa.

Tuần qua lãi suất liên ngân hàng có xu thế tăng, cụ thể ngày 30/09/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm lên 0,65%/năm, 1 tuần lên 0,80%/năm, 2 tuần lên 1,52%/năm, 1 tháng ,47%/năm, 3 tháng lên 2,37%/năm, 6 tháng lên 3,17%/năm, 9 tháng lên 3,70%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đối với tiền gửi tiết kiệm hiện nay cao hơn thị trường liên ngân hàng.  

 Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới. giá vàng thế giới trong tuần tăng giảm liên tục do chịu ảnh hưởng từ biến động của đồng USD, lạm phát, cũng như những lo ngại về tăng trưởng làm suy yếu triển vọng tăng lãi suất.. Trong tuần, giá vàng trong nước xuống thấp nhất là 56,25 – 56,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) ngày 30/9 và cao nhất 56,60 – 57,20 triệu đồng/lượng ngày 1/10.

Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (22.860 đồng), giá vàng thế giới tương đương 48,50 triệu đồng/lượng, thấp hơn 9,15 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Bất động sản

Trong quý 3/2021, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, thị trường bất động sản khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vẫn có những diễn biến tích cực. Dòng sản phẩm thấp tầng thuộc các dự án nằm ở vị trí đắc địa, thuộc trung tâm của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh có giá dao động từ 30-50 triệu đồng/m2; các dự án nằm ở vùng ven thành phố các khu vực có giá dao động từ 14-25 triệu đồng/m2. Giá bán tại hầu hết các tỉnh không biến động so với quý trước. Riêng tại Bắc Giang, giá đất tăng khoảng 5-7%.

Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động nhằm thực hiện công tác chống dịch. Tuy nhiên, bất chấp những tác động từ dịch bệnh, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực đến từ hoạt động đầu tư nước ngoài và sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp khu vực miền Bắc đang duy trì ở mức 75%, trong khi đó nhà xưởng xây sẵn lại giảm đi so với quý đầu của năm 2021 do ảnh hưởng từ nguồn cung mới trong thị trường.

 Thị trường Chứng khoán

- Thị trường chứng khoán thế giới

Phố Wall phục hồi, Dow Jones tăng 480 điểm. Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Sáu (01/10), khi nhà đầu tư khép lại một tháng 9 đầy khó khăn và thông tin về một phương pháp điều trị mới Covid-19 bằng thuốc uống đã thúc đẩy cổ phiếu của những công ty gắn liền với sự phục hồi kinh tế. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones tăng 482.54 điểm (tương đương 1.43%) lên 34,326.46 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến gần 1.2% lên 4,357.04 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.8% lên 14,566.70 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên lao dốc liên tiếp. Cổ phiếu Merck, một thành phần thuộc Dow Jones, vọt 8.4% sau khi hãng dược phẩm này và Ridgeback Biotherapeutics cho biết việc điều trị Covid-19 bằng uống thuốc kháng virus của họ giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những bệnh nhân nhiễm bệnh nhẹ hoặc trung bình. Công ty đang lên kế hoạch xin cấp phép khẩn cấp cho việc điều trị.  Loại thuốc mới của Merck xuất hiện dường như đã thúc đẩy những cổ phiếu du lịch. Cổ phiếu Royal Caribbean và Las Vegas Sands lần lượt tăng 3.8% và 4.3%. Cổ phiếu Southwest Airlines vọt 5.6% sau khi JPMorgan nâng hạng cổ phiếu này và cho biết phần lớn nhóm ngành này đều đáng mua giao dịch. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng, qua đó giúp chỉ số Dow Jones khởi sắc. Nhóm cổ phiếu liên quan đến vắc-xin ngừa Covid-19, bao gồm Moderna, suy giảm sau thông tin từ Merck. 

Thị trường phục hồi vào ngày thứ Sáu sau khi Phố Wall khép lại một tháng 9 đầy biến động do lo ngại lạm phát, tăng trưởng chậm lại và lãi suất tăng đã khiến nhà đầu tư lo lắng. S&P 500 kết thúc tháng 9 sụt 4.8%, đứt mạch 7 tháng leo dốc liên tiếp. Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm 4.3% và 5.3%, trải qua tháng tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay. Chris Hussey, Giám đốc điều hành tại Goldman Sachs, nhận định: “Sự kết hợp của tăng trưởng chậm lại, chính sách tiền tệ kém thích ứng hơn, những rào cản từ Trung Quốc, các biện pháp kích thích tài khóa mờ nhạt và những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng đều đang gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư khi chúng ta bước vào mùa thu và quý 4/2021”.  10/11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều suy giảm trong tháng 9, dẫn đầu đà giảm là mức lao dốc 7.4% trong tháng qua của nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu. Năng lượng là lĩnh vực có thành quả tốt nhất tháng 9, vọt hơn 9%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1.50% vào ngày thứ Sáu. Lãi suất tăng vọt vào cuối tháng 9 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu công nghệ. 

Bất chấp đà tăng điểm trong ngày thứ Sáu, S&P 500 vẫn mất 2.2% trong tuần qua. Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.4% và 3.2% trong tuần. Tuy nhiên, S&P 500 vẫn tăng khoảng 16% từ đầu năm đến nay. Mặc dù tháng 10 được biết đến với những sự cố thị trường đáng chú ý, nhưng nó thường là sự khởi đầu cho một giai đoạn theo mùa tốt hơn đối với chứng khoán. S&P 500 bình quân tăng 0.8% trong tháng 10, theo niên giám của Stock Trader. Về dữ liệu kinh tế, thu nhập cá nhân cộng 0.2% trong tháng 8, trùng khớp với dự báo. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi tăng 3.6% so cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong hơn 30 năm. Tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Đồi Capitol vào ngày thứ Sáu để cố gắng hỗ trợ trong các cuộc đàm phán về một dự luật cơ sở hạ tầng lớn. Quốc hội Mỹ đã đạt được một thỏa thuận ngắn hạn về tài trợ Chính phủ vào ngày 30/9, nhưng vẫn đang trao đổi về vấn đề pháp lý đối với cơ sở hạ tầng và trần nợ.

- Thị trường chứng khoán trong nước  

Chứng khoán tuần 27/09-01/10/2021 VN-Index tiếp tục tích lũy đi ngang. Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm hơn 7 điểm để về mức 1,334.89 điểm. Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh trong tuần qua và khối ngoại bán ròng giá trị gần 947 tỷ đồng trên hai sàn HOSE   HNX. Về ngắn hạn, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, nhà đầu tư đang chờ đợi vào những thông tin tích cực trong quý 4 sắp tới, khi mà nhiều tỉnh phía nam bắt đầu nới lỏng giãn cách.

Giao dịch trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0.53% xuống mức 1,334.89 điểm; HNX-Index giảm 0.24%, xuống mức 356.49 điểm. Xét cho cả tuần cả hai chỉ số cùng giảm nhẹ, VN-Index giảm ở mức 1.20% và HNX-Index giảm 0.87%. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 581 triệu cổ phiếu/phiên, giảm mạnh 27.14% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 118 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 33.14%.

Tuần qua là một tuần mà nhà đầu tư liên tục phải đón nhận những số liệu tiêu cực về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam trong quý 3. Theo số liệu vừa được Tổng Cục Thống kê công bố thì Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6.17% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index) ngành sản xuất Việt Nam chỉ đạt mức 40.2 điểm trong tháng 9 và cho thấy tình hình kinh doanh trong nước tiếp tục bị thu hẹp so với tháng 8. VN-Index khởi đầu tuần giảm mạnh gần 2%, với sắc đỏ bao trùm toàn thị trường. Sau phiên đỏ lửa ấy, VN-Index đã quay trở lại với sắc xanh với mức tăng 1.08%. Các phiên còn lại trong tuần chỉ có biến động nhẹ và tăng giảm xen kẽ nhau, với khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp. Phiên cuối tuần, VN-Index giảm 0.53% và kết thúc toàn tuần với mức giảm tổng cộng 1.2%. VN-Index cả tuần giao dịch trong biên độ hẹp 1,330-1,350 điểm. Xét theo mức độ đóng góp, GAS, HPG và VIC là những cổ phiếu đóng góp tích cực nhất giúp VN-Index tăng tổng cộng hơn 10 điểm cho cả tuần. Về phía ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng như VCB và CTG là có mức giảm mạnh và kéo thị trường đi xuống gần 6 điểm. Ngành ngân hàng là trụ đỡ chính của thị trường nhưng tuần vừa rồi lại là một trong những nhóm điều chỉnh mạnh nhất, với mức giảm 3.93%. Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến ở mức từ 7.1% - 7.7%. Nợ xấu tăng cao sẽ tác động trực tiếp lên lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Do vậy, nhiều cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm mạnh trong tuần qua. Các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa nhỏ hơn cũng có những biến động giá tương tự khi đa số kết phiên giao dịch tuần ở mức giảm trên 3%.Trái ngược với sắc đỏ chủ đạo của thị trường, các cổ phiếu liên quan tới dầu khí lại giao dịch rất sôi nổi với mức tăng mạnh mẽ hơn 6%. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 947 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 937 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 10 tỷ đồng trên sàn HNX.

           -Thị trường Upcom

Trên thị trường chứng khoán UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1 phiên duy nhất ngày 27/9 và 4 phiên bán ròng liên tiếp sau đó.Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 43.510 đơn vị, giảm tới 99,4% so với tuần trước. Tổng giá trị là bán ròng 4,96 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó mua ròng 140,9 tỷ đồng.

Trong đó, khối này đã mua vào 5,55 triệu đơn vị, giá trị 159,82 tỷ đồng (giảm 57,54% về lượng và 58,93% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 5,5 triệu đơn vị, giá trị 164,78 tỷ đồng (giảm 5,7% về lượng và 33,63% về giá trị so với tuần trước).

 

Chỉ số

ĐIỂM

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD

bình quân/phiên

trong tuần

GTGD

bình quân/phiên

trong tuần

Vn-Index

1,334.89

738,173.557

23,303.30

643,107.648

19,175.90

HNX-Index

356.49

128,766.907

2,876.23

139,675.072

2,965.54

UpCom-Index

95,98

160,541.187

1,964.00

103,162.777

1,738.6

                                                                                                     Nguồn: Phòng Phân tích-Dự báo, SRTC