Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 29/01/2024 đến ngày 02/02/2024

Tin kinh tế vĩ mô

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng nhẹ so với tháng trước, nhiều chuyên gia dự báo lạm phát cả năm được kiểm soát dưới ngưỡng Quốc hội cho phép, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê về CPI tháng 1/2024, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và việc giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tăng 2,72%.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm một số nhóm chính sau: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,02% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm); Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,56%, làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm, do giá điện sinh hoạt tháng 1/2024 tăng 1,29% so với tháng trước và nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh, giá gas tăng 1,69%; Nhóm giao thông tăng 0,41%, làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng du lịch trọn gói tăng 0,7%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,43%; khách sạn, nhà khách tăng 0,13%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do các hãng thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động; Nhóm giáo dục giảm 0,12%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/2023/NĐ-CP yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023 – 2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tăng thấp hơn mức bình quân chung tăng 3,37% chủ yếu do giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động đẩy CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát năm 2024 chỉ khoảng 3,2-3,5%. Đồng ý với ý kiến này, Tổng cục Thống kê nhận định, về các yếu tố trong nước, năm 2023, nhiều giải pháp được tích cực triển khai như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp…

Vì vậy, lạm phát đã được kiểm soát mặc dù khá cao vào đầu năm. Những giải pháp trên tiếp tục được thực hiện ngay từ đầu năm 2024, nên áp lực lạm phát những tháng đầu năm nay không căng như năm ngoái và có khả năng được duy trì đến cuối năm.

Liên quan đến thị trường thế giới, tổng cầu năm nay khó có khả năng tăng mạnh, khiến giá nguyên vật liệu, nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, cũng khó tăng khi kinh tế thế giới, kể cả các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… khó có khả năng tăng mạnh. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương các nước đầu tàu kinh tế thế giới như Hoa Kỳ, EU, Anh đã tạm dừng tăng lãi suất chính sách, nhưng hiện tại, lãi suất ở những nền kinh tế này vẫn cao nhất trong mấy chục năm trở lại đây để kiểm soát lạm phát và chưa có dấu hiệu giảm mạnh. Lãi suất cao, cầu đầu tư và tiêu dùng giảm khiến lạm phát trên thế giới khó có thể tăng mạnh như năm 2023, hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố tạo áp lực lên lạm phát trong nước. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, đứt tuyến đường vận tải huyết mạch của thế giới, khiến chi phí vận chuyển hàng hải cũng như chi phí logistics tăng mạnh. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng có giảm thì giá cả vẫn có thể tăng. Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan gây nên tình trạng thiếu hụt lương thực, tạo áp lực lên giá lương thực thế giới. Tuy Việt Nam là một quốc gia chủ động được lương thực, thực phẩm, nhưng giá thị trường thế giới tăng cũng có thể đẩy giá trong nước tăng theo.

Đối với các yếu tố trong nước, năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã có kế hoạch trình Chính phủ tiếp tục tăng giá điện, cộng với 2 đợt tăng giá trong năm 2023, sẽ tác động mạnh đến CPI, đặc biệt là vào những tháng hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao do nắng nóng.

Học phí năm 2023-2024 ở khu vực công lập tạm thời chưa tăng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, nhưng năm học 2024-2025 có thể tăng nếu áp lực lạm phát không lớn. Ngoài ra, năm 2024, cải cách tiền lương mới và tăng lương tối thiểu vùng (tăng 6%) vào cùng một thời điểm là ngày 1/7/2024, tạo ra áp lực lạm phát, ví dụ viện phí của cơ sở công lập sẽ tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 29/1-2/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm mạnh ở tất cả các phiên. Chốt ngày 2/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.959 VND/USD, giảm tới 77 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.106 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm trở lại trong tuần qua. Kết thúc phiên 2/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.340 VND/USD, giảm mạnh 258 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua.

Đồng USD đã suy yếu khi các nhà đầu tư tiếp tục chuyển đặt cược việc cắt giảm lãi suất sang lần họp tới, trước thông tin việc làm công bố hôm nay. USD Index hiện ở mức 103,04. Tỷ giá EUR/USD tăng 0,06% ở mức 1,0879. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,05% ở mức 1,2750. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,04% ở mức 146,35. Đồng USD đã giảm so với đồng EUR và đồng Yen khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược Cục Dự trữ Liên bang đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất.

- Thị trường nội tệ

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 dù không đạt chỉ tiêu nhưng vẫn được đánh giá là nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng. Khác với chính sách điều hành những năm trước, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm, với mức tăng của cả hệ thống là 15%. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, câu hỏi đặt ra là liệu năm 2024 ngành Ngân hàng có đạt được mức tăng trưởng này?

Sau kết quả tích cực trong tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, với định hướng kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2024 là 15%. Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng do nhận định khó khăn của năm 2024 sẽ tiếp diễn. Ngân hàng trung ương các nước chưa hạ lãi suất, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ. Nhu cầu của toàn cầu giảm có thể dẫn đến xuất khẩu giảm, tác động rất lớn đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Do đó, NHNN có giải pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc giao ngay mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm để thúc đẩy tổng cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu được giao.

Trong khi đó, dù đã nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phân bổ ngay từ đầu năm, cũng không loại trừ khả năng dư nợ tín dụng trong các tháng quý I-2024 vẫn chứng kiến mức tăng trưởng âm. Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vay vốn các tháng trước và sau Tết Nguyên đán thường thấp, khách hàng có xu hướng trả nợ hơn là đi vay, thì phần dư nợ tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 vừa qua chỉ mang tính ngắn hạn, có yếu tố không bền vững, nên có thể tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay, với mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra trong khoảng 6-6,5%, kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu vốn tăng mạnh hơn, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn. Điều quan trọng hơn là lãi suất cho vay dự kiến sẽ tiếp tục về mức phù hợp hơn, khi chi phí của các ngân hàng đang trong lộ trình đi xuống, kích thích nhu cầu vay vốn đầu tư và tiêu dùng. Khác với các quốc gia có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển, nguồn cung ứng vốn cho doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ tín dụng ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 70%. Năm 2024, các nguồn huy động vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi. Trong đó, thị trường chứng khoán có cơ hội tăng nhưng giao dịch dự báo trầm lắng, biên độ tăng giảm lớn. Tất cả yếu tố đó khiến doanh nghiệp sẽ chủ yếu trông chờ vào nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và bổ sung vốn lưu động, nên NHNN áp dụng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mọi năm.

Những tháng cuối năm 2023, có một số tín hiệu khả quan cho nền kinh tế. Trong đó, số doanh nghiệp mới thành lập riêng quý IV-2023 là 42.952 đơn vị, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022. Từ tháng 9-2023, đơn hàng cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ khả quan hơn.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024 cho thấy, 22% số công ty được hỏi khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm… Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất, kinh doanh bình thường và khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố khách quan, để có thể tiếp cận tốt nguồn tín dụng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại: Có dự án tốt, kế hoạch kinh doanh cụ thể, phương án thu hồi vốn rõ rang.

NHNN cho biết, các dự báo cho thấy năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới, có thể ảnh hưởng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, NHNN tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia. NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Trong khi đó, đại diện của các ngân hàng thương mại cũng cho hay, mục tiêu của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng nhưng phải đi cùng với an toàn tín dụng.

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến với xu hướng tăng mạnh theo giá vàng thế giới. Phiên cuối tuần, giá vàng SJC đồng loạt quay đầu giảm từ 100.000 đồng/lượng đến 700.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Theo đó, mức giá mua - bán vàng SJC là 75,8 triệu đồng/lượng - giảm 600.000 đồng/lượng và 78,3 - 78,32 triệu đồng/lượng - giảm 400.000 đồng/lượng. 

 Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (24.500 đồng), giá vàng thế giới tương đương 60,18 triệu đồng/lượng, thấp hơn 18,14 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

S&P 500 tăng 4 tuần liên tiếp, chỉ số S&P 500 lập kỷ lục mới vào ngày thứ Sáu (02/02), khi kết quả kinh doanh hàng quý từ các công ty công nghệ bao gồm Meta vượt kỳ vọng và báo cáo việc làm tháng 1/2024 có kết quả tốt hơn dự báo.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/02, chỉ số S&P 500 tiến 1.1% lên 4,958.61 điểm, cao hơn mức đóng cửa kỷ lục trước đó là 4,927.93 điểm đã ghi nhận vào 29/01 Chỉ số Dow Jones cộng 134.58 điểm (tương đương 0.4%) lên 38,654.42 điểm, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1.7% lên 15,628.95 điểm.

Cổ phiếu Meta bứt phá hơn 20% sau khi kết quả kinh doanh hàng quý của gã khổng lồ truyền thông xã hội vượt kỳ vọng từ các nhà phân tích. Công ty mẹ của Facebook cũng tuyên bố sẽ chi trả cổ tức hàng quý lần đầu tiên và cho phép thực hiện chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 50 tỷ USD. Cổ phiếu Amazon vọt 7.9% sau kết quả lợi nhuận quý 4 vượt kỳ vọng.

Đà leo dốc của các cổ phiếu công nghệ đã giúp chuyển sự chú ý của nhà đầu tư khỏi báo cáo việc làm tăng nóng công bố trước đó vào ngày 02/02 vốn đã khiến lãi suất tăng vọt. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cộng 17 điểm cơ bản lên 4.02% sau khi Chính phủ báo cáo nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 353,000 việc làm trong tháng 1/2024, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 185,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Dylan Kremer, Giám đốc đầu tư tại Certuity, nhận định: “Biến động giá ngày hôm nay cho thấy lĩnh vực công nghệ có thể tách rời khỏi vấn đề lãi suất và giao dịch nhiều hơn dựa trên các yếu tố cơ bản”.

Báo cáo cũng bao gồm dữ liệu lạm phát dưới dạng tăng trưởng tiền lương lớn hơn so với dự báo. Tiền lương tăng 4.5% so với năm trước, cao hơn mức dự báo 4.1%. Báo cáo này và những phát biểu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 31/01 có thể thúc đẩy khả năng hạ lãi suất lùi sang tháng 5 hoặc nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, thay vào đó, nhà đầu tư tập trung vào khả năng phục hồi của nền kinh tế và làm thế nào điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận.

Tuần qua, S&P 500 tiến 1.4%, Nasdaq Composite cộng 1.1% và Dow Jones tăng 1.4%. Đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của các chỉ số chính sau khi sụt giảm hồi đầu năm 2024.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 29/01 - 02/02/2024 rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn. VN-Index giảm nhẹ kèm theo khối lượng giao dịch liên tục trồi sụt trong các phiên gần đây cho thấy tâm lý không ổn định của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay lại bán ròng cho thấy triển vọng ngắn hạn của thị trường vẫn còn rủi ro.

Các chỉ số chính giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, kết phiên, VN-Index giảm 0.47 điểm, về mức 1,172.55 điểm; HNX-Index giảm 0.01 điểm, kết phiên về mức 230.56 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tổng cộng giảm 3.12 điểm (-0.27%), HNX-Index tăng 1.13 điểm (+0.49%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch ảm đạm khi đà giảm tiếp tục duy trì so với tuần trước đó kèm theo khối lượng giao dịch có cải thiện hơn nhưng vẫn nằm dưới mức trung bình 20 tuần. Bên cạnh đó, khối ngoại đã quay lại bán ròng trong tuần vừa qua. Kết phiên, VN-Index đóng cửa với mức giảm 0.47 điểm, tương đương 0.04%.

Xét theo mức độ đóng góp, VCBFPT và GVR là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp hơn 2 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VPBBID và CTG là các mã có tác động tiêu cực nhất. Tính riêng VPB đã lấy đi hơn 0.6 điểm của chỉ số.

Kết phiên giao dịch trong ngày 02/02/2024, nhóm ngành công nghệ thông tin và bán lẻ ghi nhận đóng góp tích cực cho VN-Index khi 2 đại diện cho các nhóm này chính là cổ phiếu FPT và MWG đều tăng rất tốt với mức tăng lần lượt là 2.1% và 2.6%.

Ngoài ra, theo khung thời gian là tuần (weekly), ngành công nghệ thông tin đang nằm trong góc phần tư tăng trưởng khi VS-RS và VS-Mom đều nằm trên 100. Chỉ số VS-RS > 100 cho thấy nhóm này đang mạnh hơn thị trường chung (outperform) và VS-Mom > 100 có nghĩa là xu hướng này vẫn đang được đẩy cao hơn nữa. Nếu cổ phiếu của nhà đầu tư đang nằm trong nhóm này thì cần tiếp tục nắm giữ.

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng hơn 243 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 244 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 1 tỷ đồng trên sàn HNX.

PAC tăng 23.29%: PAC ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 23.29%. Cổ phiếu liên tục tăng mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Rising Window. Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến vào vùng quá mua (overbought) cho thấy rủi ro sẽ tăng lên nếu tín hiệu bán xuất hiện.

ST8 giảm 24.32%: ST8 tuần qua giao dịch đầy tiêu cực khi xuất hiện mẫu hình nến Black Marubozu và Falling Window kèm theo khối lượng giao dịch ở mức cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan. Ngoài ra, chỉ báo MACD đã cho tín hiệu bán và cắt xuống ngưỡng 0 cho thấy đà giảm trong thời gian tới sẽ còn tiếp diễn.

- Thị trường Upcom

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 78,3 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 1.327,3 tỷ đồng; tăng gấp hơn 6,6 lần về lượng và hơn 7,7 lần về giá trị so với tuần trước.

Trong đó, khối này mua vào 82,33 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.465,23 tỷ đồng (tăng gấp 4,4 lần về lượng và 3,3 lần về giá trị so với tuần trước); ngược lại bán ra 4,02 triệu đơn vị, giá trị 137,93 tỷ đồng (giảm 18,46% về lượng và 26,58% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,172,55

914,673,342

20,028,11

798,499,008

17,330,25

HNX-Index

230,56

77,617,011

1,427,54

68,250,512

1,319,91

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC