Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 5/8/2024 đến ngày 9/8/2024

          Tin kinh tế vĩ mô

Thuế chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán tăng tốt đóng góp vào nguồn thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng đầu năm, đạt 114.600 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thu thuế thu nhập cá nhân lũy kế 7 tháng đầu năm ước khoảng 114.687 tỷ đồng, đạt 72% dự toán và tăng 15% so cùng kỳ năm trước.

Đóng góp lớn cho mức tăng thuế thu nhập cá nhân, theo Bộ Tài chính nhờ thuế thu từ chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán, lần lượt tăng 65% và 32%.

Năm ngoái, thuế thu được từ chuyển nhượng địa ốc lần đầu lao dốc sau nhiều năm, giảm 46%, xuống còn 18.600 tỷ đồng, do tình hình thị trường khó khăn. So với nền thấp của năm ngoái, nguồn thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chuyển nhượng có sự phục hồi.

Thuế thu nhập cá nhân là một trong 14 khoản thu, sắc thuế đạt tiến độ trên 65% kế hoạch cả năm. Một số khoản thu theo Tổng cục thuế đạt tiến độ khá như xổ số kiến thiết đạt 32.700 tỷ đồng; thu từ vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế khoảng 17.700 tỷ.

Ngoài ra, tiền thu sử dụng đất đạt 106.300 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ, song mới bằng 45% dự toán. Bộ Tài chính đánh giá, một số địa phương đã tổ chức tốt việc đấu giá, giao đất cho các dự án từ cuối 2023 phát sinh số nộp trong năm nay. Chẳng hạn, dự án EcoPark (Nghệ An) khoảng 1.000 tỷ đồng, Phố Mới (Hưng Yên) khoảng 700 tỷ; dự án khu dân cư Mai Bá Hương (Long An) 970 tỷ hay dự án của Công ty TNHH Đầu tư Bạch Đằng (Hải Phòng) 1.200 tỷ...

Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng thu nội địa ước đạt hơn 985.300 tỷ đồng, bằng 68% dự toán và tăng 16%. Thu từ dầu thô ước đạt gần 34.400 tỷ đồng, bằng 75% dự toán và giảm nhẹ so với cùng kỳ. Giá dầu thanh toán bình quân 7 tháng đạt 88 USD một thùng, tăng 18 USD so với dự toán. Sản lượng dầu thô thanh toán khoảng 4,7 triệu tấn, đạt hơn một nửa kế hoạch.

Bên cạnh đó, thu cân đối từ xuất nhập khẩu khoảng 158.500 tỷ đồng, bằng gần 78% dự toán, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Mức thu này có thể cao hơn do xuất nhập khẩu 7 tháng tăng mạnh. Tuy nhiên, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số mặt hàng theo Nghị định 94, theo Bộ Tài chính cũng đã làm giảm số thu này 10.500 tỷ.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Đến 15/7/2024, ngành thuế đã thực hiện hơn 28.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 42% kế hoạch cả năm. Tính đến cuối tháng 7, thu nợ thuế hơn 50.500 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 5-9/8, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 9/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.260 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần từ 5-9/8 tăng - giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 9/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.105 VND/USD, giảm mạnh 108 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do biến động tăng đầu tuần nhưng giảm mạnh phiên cuối tuần. 

Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 24.930 – 24.987 VND/USD, trong đó VietinBank có giá mua USD cao nhất. Còn giá bán ra hiện dao động trong phạm vi 25.310 - 25.472 VND/USD với Vietcombank, BIDV và Sacombank là các ngân hàng có giá chào bán USD thấp nhất.

USD Index (DXY) hiện ở mức 103,27. Tỷ giá EUR so với USD giảm 0,04% ở mức 1,0915. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,04% ở mức 1,2744. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,07% ở mức 147,31. Đồng USD đã tăng giá vào hôm qua sau khi dữ liệu mới về thị trường lao động Mỹ cho thấy trợ cấp thất nghiệp giảm nhiều hơn dự kiến ​​vào tuần trước, làm giảm bớt lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Sự tăng giá của đồng bạc xanh rõ ràng nhất là so với đồng yen, sau nhiều phiên giảm mạnh trong một tuần đầy biến động mà các nhà đầu tư phải chấp nhận việc hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất.

- Thị trường nội tệ

Tuần từ 05/08 - 09/08, lãi suất VND liên ngân hàng (LNH) tiếp tục biến động theo xu hướng giảm với tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 09/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,40% (-0,37 đpt); 1W 4,53% (-0,30 đpt); 2W 4,65% (-0,23 đpt); 1M 4,80% (-0,20 đpt). Lãi suất USD LNH vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 09/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,30% (không thay đổi); 1W 5,35% (-0,01 đpt); 2W 5,40% (không thay đổi) và 1M 5,43% (-0,01 đpt).

Tuần qua, thanh khoản hệ thống tương đối cân bằng trong tuần trước đó và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng nhẹ trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng là 13,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu ở 3 ngày đầu tuần.

Cụ thể, NHNN đã đẩy mạnh việc phát hành kênh mua kỳ hạn 7 ngày với khối lượng đạt 56,6 nghìn tỷ đồng trên tổng số 24 nghìn tỷ đồng đáo hạn, chủ yếu trong 3 ngày đầu tuần. Sau đó, trong những ngày còn lại, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh phát hành tín phiếu (35,7 nghìn tỷ đồng) trên tổng số 16,2 nghìn tỷ đồng đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn là 56,6 nghìn tỷ đồng và kênh tín phiếu là 97 nghìn tỷ đồng.

Từ tháng 7/2024 - 8/8/2024, NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với tổng giá trị là 234,85 nghìn tỷ đồng trong khi lô tín phiếu giá trị 210,78 nghìn tỷ đồng trước đó đã đáo hạn. Tuy nhiên, nhà điều hành vẫn thực hiện bơm 232,24 nghìn tỷ thông qua hợp đồng OMO trong khi số tiền 207,84 nghìn tỷ trước đó đáo hạn. Thay vì chỉ thực hiện hút tiền, NHNN tập trung vào việc duy trì lãi suất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày ở mức cao 4,5%, để kiểm soát tỷ giá. Tuy nhiên, vào ngày 5/8, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất OMO và tín phiếu về mứcc 4,25% khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 07/08, KBNN gọi thầu thành công 10.423 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 83%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động thành công 520 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 5.950 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu, 15Y huy động được 3.953 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,95% (+0,10 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,71% (-0,05 đpt), 30Y là 2,90% (-0,05 đpt).

Trong tuần này, ngày 14/08, KBNN dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10Y chào thầu 6.000 tỷ đồng, 15Y 4.500 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Ngày 07/08, KBNN gọi thầu thành công 10.423 tỷ đồng/12.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 83%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động thành công 520 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 5.950 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu, 15Y huy động được 3.953 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,95% (+0,10 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,71% (-0,05 đpt), 30Y là 2,90% (-0,05 đpt).

Trong tuần này, ngày 14/08, KBNN dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 1.000 tỷ đồng, 10Y chào thầu 6.000 tỷ đồng, 15Y 4.500 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng. Lợi suất TPCP trong tuần qua đi ngang ở các kỳ hạn 1Y đến 3Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại. Chốt phiên 09/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,88% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,89% (không đổi); 3Y 1,91% (không đổi); 5Y 1,98% (-0,001 đpt); 7Y 2,25% (-0,05 đpt); 10Y 2,74% (-0,05 đpt); 15Y 2,92% (-0,04 đpt); 30Y 3,19% (-0,004 đpt).

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh và xác lập một tuần giảm nhẹ vì tác động của đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Điều này cũng khiến giá vàng trong nước điều chỉnh giảm. Giá vàng trong nước đã giảm 1,3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. 

Trong tuần, các ngân hàng thông báo về thời gian giao vàng miếng cho các khách hàng. Theo đó, Vietcombank và Vietinbank sẽthực hiện giao vàng miếng SJC cho khách hàng sau hai ngày làm việc, kể từ ngày khách hàng hoàn thành đăng ký và thanh toán mua vàng miếng SJC thành công tại các điểm bán.

 Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (25.270 đồng), giá vàng thế giới tương đương 3,98 triệu đồng/lượng, thấp hơn 4,52 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

Chỉ số S&P 500 vừa trên một chuyến tàu lượn siêu tốc, nhưng cuối cùng lại về đích gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, đằng sau con số bình lặng đó là cả một câu chuyện đầy kịch tính bao hàm cả tín hiệu tích cực lẫn tiêu cực. Trong ngày thứ Hai (05/08), S&P 500 chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2022, khiến nhiều nhà đầu tư phải thót tim. Nhưng chỉ ba ngày sau, chỉ số này lại bật tăng mạnh mẽ, ghi nhận phiên tốt nhất kể từ năm 2022. Trong tuần qua, S&P 500 chỉ giảm 0.1%, cho thấy thị trường dường như đã ổn định trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/08, chỉ số S&P 500 tiến 2.3% lên 5,319.31 điểm và ghi nhận phiên tốt nhất kể từ tháng 11/2022. Chỉ số Dow Jones tăng 683.04 điểm (tương đương 1.76%) lên 39,446.49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 2.87% lên 16,660.02 điểm.

Không chỉ có cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng chao đảo dữ dội. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm - một chỉ báo quan trọng của nền kinh tế - lao dốc xuống dưới 3.7% trong ngày 05/08, nhưng rồi lại bật lên mức 4% khi tuần kết thúc. Chỉ số VIX - thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall - tăng vọt lên mức 65 trong ngày 05/08, cao nhất kể từ năm 2020, nhưng lại kết thúc tuần ở mức thấp hơn trước đó. Cũng hỗ trợ thị trường vào ngày thứ Năm (08/08) là đồng Yên JPY suy yếu so với đồng USD. Đồng JPY mạnh khiến giao dịch mua bán chênh lệch giá phổ biến với các quỹ phòng hộ bị huỷ bỏ là thủ phạm chính dẫn đến đà sụt giảm trong ngày 05/08. Các chỉ số chính vẫn ghi nhận mức giảm từ đầu tuần đến nay nhưng đã phục hồi phần lớn sau đợt sụt giảm vào ngày 05/08. S&P 500 mất 0.5% trong tuần, trong khi Dow Jones và Nasdaq Composite đều giảm 0.7%.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới nhất thấp hơn so với dự báo, giúp xoa dịu một số lo ngại gần đây về sức mạnh của thị trường lao động. Bộ Lao dộng Mỹ báo cáo vào ngày thứ Năm rằng số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ là 233,000 người trong tuần trướ, giảm 17,000 người so với tuần trước và thấp hơn so với dự báo 240,000 người từ Dow Jones. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4% sau dữ liệu về đơn xin trợ cấp thất nghiệp, một mức đã được thấy trước khi báo cáo việc làm tháng 7 gây thất vọng vào ngày 02/08 đã khiến thị trường chao đảo.

- Trong nước  

Các chỉ số chính có sự khởi sắc trong phiên cuối tuần. Tại phiên kết thúc ngày 09/08, VN-Index tăng 1.27% đạt mức 1,223.64 điểm; HNX-Index tăng 1.17% lên 229.38 điểm. Tuy nhiên, xét tổng thể trong cả tuần, VN-Index giảm 12.96 điểm (-1.05%) và HNX-Index giảm 2.18 điểm (-0.94%).

Thị trường trải qua một tuần giao dịch đầy thử thách khi ngay từ đầu tuần đã chứng kiến một cú giảm sốc gần 50 điểm, khiến VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1,200 điểm. Tuy nhiên, những nỗ lực phục hồi đã diễn ra khá tích cực trong các phiên sau đó. Dù thanh khoản chưa đạt được sự đồng thuận, đà phục hồi vẫn lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, phản ánh tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại. Kết phiên 09/08, VN-Index đóng cửa với mức tăng 15.32 điểm, tương đương 1.27%.

Xét về mức độ đóng góp, FPT, CTG và MWG là những mã cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index trong ngày hôm nay, giúp chỉ số này tăng gần 5 điểm. Ở chiều ngược lại, VIC, HVN và VHM là những cổ phiếu giảm điểm, khiến chỉ số chung mất hơn 1.5 điểm.

Lực cầu mạnh mẽ đã giúp sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành. Nhóm chứng khoán nổi bật với mức tăng hơn 4%, tiếp tục dẫn dắt thị trường. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều tăng mạnh: FTS tăng trần, SSI tăng 4.33%, VND tăng 3.06%, VCI tăng 4.5%, HCM tăng 4.73%, MBS tăng 4.26%, SHS tăng 4.79%, BSI tăng 6%, BVS tăng 4.93%, ...

Nhóm công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh, đặc biệt là FPT tăng 4.53%, VGI tăng 2.59%, CTR tăng 4.24%, FOX tăng 3.7%, và CMG tăng 4.31%. Nhóm tiêu dùng không thiết yếu cũng có diễn biến tích cực, với mức tăng trung bình 2.17%, nhờ sự đóng góp từ các cổ phiếu như MWG tăng 5.13%, PNJ tăng 1.38%, FRT tăng 2.01%, GEX tăng 3.13%, DGW tăng 4.47%, và PLX tăng 0.95%.

Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản gặp khó khăn khi không thể theo kịp đà tăng của thị trường chung do sự chi phối của sắc đỏ từ ba ông lớn nhà Vingroup (VIC, VHM, và VRE), ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số chung. Tuy nhiên, hầu hết các cổ phiếu khác trong nhóm này vẫn ghi nhận diễn biến tích cực, điển hình là KDH tăng 1.13%, NLG tăng 2.36%, DIG tăng 1.09%, KBC tăng 3.49%, IDC tăng 1.01%, PDR tăng 2.31%, DXG tăng 2.31%, và HDG tăng 2.33%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng bán ròng trong tuần này, với tổng giá trị bán ròng hơn 4,125 tỷ đồng trên cả hai sàn. Cụ thể, khối ngoại bán ròng gần 4,132 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 6 tỷ đồng trên sàn HNX.

            - Thị trường Upcom

            Tuần qua từ ngày 05/08-09/08, giao dịch NĐTNN bán ròng 264,665 đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 57 tỷ đồng. Tự doanh bán ròng hơn 1 triệu đơn vị cổ phiếu, giá trị tương ứng hơn 20 tỷ đồng. Kết thúc tuần giao dịch, UPCOM-Index đóng cửa ở 92.8 điểm, giảm 1,03% so với tuần trước  

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,223.64

3,696,367,255

85,351.75

739,273,451

17,070.35

HNX-Index

229.38

313,958,314

6,189.84

62,791,663

1,238

 

            Thị trường bất động sản

Từ 1/8, giá đất ở tại tp.HCM có thể tăng từ 5 đến 50 lần, có nơi lên tới 810 triệu đồng/m2. Điều này đang khiến dư luận có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến bảng giá đất sắp được áp dụng.

Dự thảo về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM đã được công bố với những quy định cụ thể về giá đất ở từng khu vực. Theo đó, giá đất ở đô thị cao nhất lên đến 810 triệu đồng/m2, áp dụng cho các tuyến đường trung tâm TP. HCM như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi (quận 1). Những con đường này nằm ở khu vực sầm uất có giá trị thương mại cao, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tại phường Thảo Điền - TP. Thủ Đức, giá đất cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể với mức giá lên tới 149 triệu đồng/m2.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thông qua Luật Đất đai 2024 là một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai của Đảng và Nhà nước. Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sự phát triển của thị trường đất đai, xây dựng Bất động sản (BĐS) tại Việt Nam theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn. Một trong những điểm nổi bật của Luật Đất đai (sửa đổi) là việc lập bảng giá đất tiệm cận giá thị trường.

Ngoài ra, những nhà đầu tư đã lập kế hoạch dựa trên giá đất cũ sẽ cần phải điều chỉnh lại chiến lược đầu tư của mình để phù hợp với mức giá mới. Quá trình điều chỉnh này có thể gây ra sự bất tiện và tốn kém thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án và ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính.

Đặc biệt, các doanh nghiệp BĐS nhỏ hoặc các nhà đầu tư cá nhân có thể gặp phải áp lực lớn hơn trong việc thích ứng với mức giá đất mới. Những doanh nghiệp này không có đủ nguồn lực để điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách linh hoạt, dẫn đến việc phải xem xét lại các kế hoạch đầu tư hoặc thậm chí phải rút lui khỏi thị trường. Điều này có thể tạo ra sự giảm sút trong hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường BĐS.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC