Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 3/9/2024 đến ngày 6/9/2024

 Tin kinh tế vĩ mô

Thủ tướng giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024 vượt 10% dự toán Quốc hội giao, để tạo nguồn cải cách tiền lương, xử lý phát sinh.

Tại Công điện ngày 2/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phục hồi tích cực. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán, bội chi, nợ công, Chính phủ, nước ngoài trong phạm vi Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, một số khoản thu ngân sách có tiến độ thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Kết quả giám sát cho thấy chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi chưa nghiêm, còn gian lận, trốn thuế. Quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai, thất thoát, lãng phí còn xảy ra tại một số bộ ngành, địa phương, đơn vị.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo cấp dưới tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu, tiết kiệm chi, cân đối ngân sách trong những tháng còn lại của năm.

Về thu ngân sách, các bộ ngành hoàn thiện chính sách, có giải pháp quản lý, chống thất thu. Các cơ quan này được giao tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế với nhà, đất; giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài; doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là ăn uống.

Trên cơ sở đó, thu ngân sách năm nay đặt mục tiêu vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với năm 2024. Việc này nhằm đảm bảo có nguồn chi theo dự toán, cải cách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Về chi ngân sách, Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên năm nay. Năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để cải cách tiền lương, các đơn vị phải tiết kiệm thêm khoảng 10%. Nguồn tiền này để giảm bội chi, hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Cũng liên quan tới chi ngân sách, năm nay, Thủ tướng giao gần 670.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các địa phương. Song, giải ngân nguồn vốn này 8 tháng mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, 19 bộ ngành, 31 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Thúc đẩy đầu tư, trong đó có đầu tư công, là động lực quan trọng để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm nay (theo Nghị quyết Chính phủ tháng 6).

Tại công điện hôm nay, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Với các dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm, ông yêu cầu điều chuyển sang dự án khác. "Mục tiêu giải ngân đạt trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần đẩy tăng trưởng kinh tế", công điện nêu.

Thị trường Tiền tệ 

Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 4-6/9, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, sau đó giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 06/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.202 VND/USD, giảm 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết giá bán USD chốt ngày 06/9 ở mức 25.362 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 04/09 - 06/09 tiếp tục biến động giảm mạnh. Kết thúc phiên 06/09, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.740, giảm tới 125 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh phiên đầu sau kỳ nghỉ lễ, sau đó giảm mạnh trở lại. 

Chỉ số USD Index (DXY) hiện ở mức 101,04, mức thấp nhất trong hơn một tuần khi thị trường lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái. So với ngày hôm trước, tỷ giá EUR so với USD tăng 0,28%, đạt 1,1112. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,2% lên 1,3177. Tỷ giá USD so với Yen Nhật giảm 0,36% ở mức 143,26.

USD đã giảm xuống trong tuần khi các chỉ số trên thị trường việc làm đưa ra những tín hiệu trái chiều về tình trạng nền kinh tế Mỹ. Một mặt, dữ liệu việc làm phi nông nghiệp tư nhân của ADP cho thấy các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng thêm 99.000 người lao động trong tháng 8, thấp hơn so với kết quả 111.000 vào tháng 7 cũng như dự báo 140.000 của các chuyên gia. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cho tuần kết thúc vào ngày 5/9 lại ở mức 227.000, giảm 5.000 so với kết quả đã điều chỉnh của tuần liền trước. Những dữ liệu trái chiều trên khiến nhà đầu tư không khỏi bất an.

Thị trường nội tệ

Tuần từ 04/09 - 06/09, lãi suất VND LNH trong tuần biến động tăng ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 06/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 4,59% (+0,12 đpt); 1W 4,61% (+0,08 đpt); 2W 4,70% (+0,10 đpt); 1M 4,71% (-0,01 đpt).

Trên thị trường mở tuần qua từ 04/09 - 06/09, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 24.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 23.665,13 tỷ đồng trúng thầu, có 27.573,21 tỷ đáo hạn trong tuần qua.

NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 14.699,8 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN bơm ròng 10.791,72 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 46.403,83 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành. 

Ngày 04/09, KBNN đấu thầu thành công 2.564 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 21%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 200 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 1.150 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng, 15Y huy động được 750 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng và 30Y huy động được 464 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,98% (+0,03 đpt), 10Y là 2,71%, 15Y 2,90% và 30Y 3,10%, đều không đổi so với phiên đấu thầu trước.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.979 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 13.423 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua ít biến động. Chốt phiên 06/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,86% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,88% (không đổi); 3Y 1,90% (không đổi); 5Y 1,96% (+0,01 đpt); 7Y 2,23% (-0,003 đpt); 10Y 2,72% (không đổi); 15Y 2,90% (-0,001 đpt); 30Y 3,18% (không đổi).

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng giám là chủ đạo vì áp lực chốt lời và dữ liệu kinh tế mới nhất từ Mỹ. Giá vàng trong nước, vì vậy, cũng điều chỉnh giảm nhẹ 500.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn ghi nhận biến động nhiều hơn dựa trên xu hướng của thị trường thế giới, dù mức biến động không lớn, chỉ trong khoảng 50.000 - 150.000 đồng/lượng. Hiện tại, giá mua vào thấp nhất đối với vàng nhẫn trơn hiện là 77,20 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra cao nhất là 78,65 triệu đồng/lượng.  

Thị trường Chứng khoán

Thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/09, chỉ số S&P 500 rớt 1.73% xuống 5,408.42 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 2.55% còn 16,690.83 điểm. Chỉ số này đã sụt hơn 10% so với mức đóng cửa cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones lùi 410.34 điểm (tương đương 1.01%) xuống 40,345.41 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn lao dốc khi nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tình hình nền kinh tế Mỹ.

Cổ phiếu Amazon rớt 3.7% và cổ phiếu Alphabet sụt 4%. Trong khi đó, cổ phiếu Meta Platforms mất hơn 3%. Cổ phiếu Broadcom lao dốc 10% do triển vọng quý hiện tại không mấy khả quan. Các cổ phiếu chất bán dẫn khác cũng giảm, với cổ phiếu Nvidia và Advanced Micro Devices đều sụt 4%. Chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF giảm 4% và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Diễn biến trong ngày thứ Sáu đã khép lại một tuần đầy biến động đối với thị trường chứng khoán. S&P 500 rớt 4.3% và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Nasdaq Composite sụt 5.8%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2022, còn Dow Jones giảm 2.9% trong tuần.

Dữ liệu việc làm mới của tháng 8 đã làm dấy lên lo ngại về thị trường lao động ì ạch. Một đợt dữ liệu suy yếu đã làm tăng lo ngại về tình hình nền kinh tế, khiến thị trường hoang mang và làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro trong những tuần gần đây. Cụ thể, báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 142,000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn so với dự báo tăng 161,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4.2%, trùng khớp với dự báo.

Nhà đầu tư chủ yếu kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất ít nhất 0.25% khi kết thúc cuộc họp chính sách vào cuối tháng này, nhưng xu hướng thị trường lao động suy yếu đã thúc đẩy nhà đầu tư kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất mạnh hơn. Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư đang có 2 luồng ý kiến về việc Fed sẽ hạ lãi suất 0.25% hay 0.50%.

Trong nước  

Các chỉ số chính tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần. Kết phiên ngày 06/09, VN-Index tăng 0.45%, lên mức 1,273.96 điểm; HNX-Index giảm 0.13%, về còn 234.65 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 9.91 điểm (-0.77%), HNX-Index giảm 2.91 điểm (-1.22%).

Thị trường bắt đầu tháng 9 với những tín hiệu không mấy tích cực khi bất ngờ lao dốc sau kỳ nghỉ lễ, áp lực điều chỉnh lan rộng. Tuy vậy, lực đỡ của nhóm cổ phiếu trụ và lực cầu giá thấp vẫn xuất hiện giúp chỉ số “lội ngược dòng” tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần, cởi bỏ phần nào tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Kết phiên 06/09, VN-Index đóng cửa với mức tăng 5.75 điểm, tương đương 0.45%.

Xét về mức độ đóng góp, 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số hôm nay đều thuộc nhóm VN30, đóng góp cho VN-Index hơn 5 điểm, dẫn đầu là BID, MSN và CTG. Ở chiều ngược lại, VIC, SSB và HDB là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất, tuy nhiên mức độ không quá đáng kể.

Sắc xanh quay trở lại ở hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, nhóm công nghệ thông tin trở thành nhóm dẫn đầu thị trường với mức tăng 1.06% nhờ lực gánh chủ yếu từ cổ phiếu FPT (+1.15%). Theo sau là nhóm nguyên vật liệu cũng tăng gần 1%. Nhiều cổ phiếu lớn tạo điểm nhấn đảo chiều tăng mạnh trong phiên chiều, điển hình như HPG (+1.4%), GVR (+1.77%), DPM (+3.45%), DCM (+2.33%), NTP (+3.16%) và BMP (+1.86%).

Trái lại, nhóm viễn thông đi ngược xu hướng chung, giảm hơn 1%. Mặc dù FOX (+5.44%), ELC (+1.28%) và FOC (+2.3%) vẫn ghi nhận sự bứt phá tốt nhưng không thể đỡ lại áp lực bán mạnh từ các cổ phiếu chiếm vốn hóa cao hơn như VGI (-2.16%), VNZ (-6.8%) và CTR (-0.4%). Nhóm công nghiệp giảm 0.64% là nhóm còn sót lại ở phía giảm giá hôm nay. Ảnh hưởng lớn từ sắc đỏ của các cổ phiếu ACV (-1.2%), VEA (-0.9%), HVN (-0.93%), MVN (-2.37%) và GMD (-1.02%).

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 1,438 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 1,464 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 27 tỷ đồng trên sàn HNX.

             Thị trường Upcom

           Tuần qua từ ngày 04/09-06/09, giao dịch NĐTNN bán ròng 185,111 đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn hơn 7 tỷ đồng. Tự doanh bán ròng 292,000 đơn vị cổ phiếu, giá trị tương ứng hơn 2,3 tỷ đồng. Kết thúc tuần giao dịch, UPCOM-Index đóng cửa ở 93.37 điểm, giảm 0.85% so với tuần trước  

 

Chỉ số

Điểm

KLGD

(đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,273.96

1,951,129,747

47,785

650,376,582

15,928

HNX-Index

234.65

144,929,554

2,943

48,309,851

981

 

Thị trường Bất động sản

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất. Theo đó, thửa đất có toàn bộ diện tích đất ở tại phường, thị trấn, phải đảm bảo diện tích không nhỏ hơn 50 m2 chiều dài trên 4 m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4 m trở lên, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới. Quy định này đã nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn từ 30 m2 (theo Quyết định số 20/2017 hiện hành) lên 50 m2. Với các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu để tách thửa được đề xuất là 80 m2, các xã vùng trung du là 100 m2 (quy định hiện hành là 120 m2) còn các xã miền núi tối thiểu 150 m2.

Việc nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn sẽ tạo cơ chế ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm. Bởi Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, trong đó mật độ dân số tập trung cao tại các quận. Theo báo cáo của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, mật độ dân số trung bình của 12 quận là 12.069 người một km2, gấp 4,5 lần mức trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đã đạt 9.570 người một km2, gần gấp đôi dự báo của quy hoạch chung. Quy mô dân số tăng nhanh với mật độ dày tạo áp lực cho hạ tầng kỹ thuật, chính sách an sinh xã hội, nhất là ở quận nội thành.

Đề xuất nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn cũng có thể tạo áp lực lớn cho người dân có nhu cầu về nhà, đất ở, nhất là trong bối cảnh giá bất động sản khu vực Hà Nội đã tăng mạnh và neo cao thời gian qua. Quy định mới cần cân bằng giữa việc đảm bảo nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân và tránh tình trạng lạm dụng, biến tướng, phá vỡ quy hoạch đô thị. Do đó, đề xuất nâng diện tích tách thửa tối thiểu phải khảo sát kỹ ý kiến người dân, nhất là nhóm ở khu vực các phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo thị trường, SRTC