Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 8/7/2024 đến ngày 12/7/2024

         Tin kinh tế vĩ mô

Nửa đầu năm, cơ quan thuế thu hồi gần 920 tỷ đồng về ngân sách của gần 1.500 người nợ thuế bị cưỡng chế bằng biện pháp cấm xuất cảnh.

Báo cáo tại hội nghị sáng 15/7, Tổng cục Thuế cho biết nhiều biện pháp cưỡng chế nợ (tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hóa đơn...) được ngành thuế áp dụng từ đầu năm với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Theo đó, họ ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Họ đã thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ).

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng cá nhân.

Cùng với biện pháp thu hồi nợ qua tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đưa ra 174.500 quyết định cưỡng chế thuế trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, gần 87% là quyết định cưỡng chế trích tiền, phong tỏa tài khoản, hơn 13% còn lại là thu hồi nợ thuế qua hóa đơn, giấy chứng nhận kinh doanh và kê biên tài sản. Ngoài ra, nhà chức trách cũng công khai thông tin để nhắc nhở với 631.800 người không nộp đúng hạn, gần 229.300 tỷ đồng.

Theo cơ quan thuế, từ đầu năm, họ giao giao chỉ tiêu thu nợ thuế tới từng cán bộ. Ngành thuế cũng theo dõi, lập danh sách doanh nghiệp, cá nhân nợ theo từng nhóm để có các biện pháp phù hợp. Tổng số tiền cơ quan thuế quản lý tính đến 30/6 khoảng 204.400 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái. Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính xử lý thu hồi nợ thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ trên tổng thữ thu ngân sách tối đa 8%; tiền nợ thuế, phí không quá 5%.

Liên quan tới tránh thất thu thuế trên các sàn thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cho biết từ đầu năm nay cơ quan này nâng cấp, tăng ứng dụng AI thu thập thông tin trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki... Dựa trên dữ liệu này nhà chức trách đối chiếu với thông tin kê khai, nộp của người nộp thuế để hướng dẫn họ đăng ký, khai, nộp thuế. Theo quy định, người bán hàng online phải nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Hộ kinh doanh phải nộp thêm thuế môn bài khi bán hàng trên thương mại điện tử.

6 tháng đầu năm, doanh thu quản lý thuế trên thương mại điện tử là 1,8 triệu tỷ đồng, thuế đã nộp khoảng 50.000 tỷ. Cơ quan quản lý cũng tăng kiểm tra với người nộp thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. 6 tháng đầu năm, nhà chức trách xử lý vi phạm 4.560 người nộp, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Thị trường Tiền tệ 

- Thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 8-12/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 12/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.248 VND/USD, chỉ tăng 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong tuần từ 8-12/7 tiếp tục biến động nhẹ. Kết thúc phiên 12/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.413 VND/USD, tăng nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần qua. 

Giá bán USD trên thị trường tự do giảm sâu sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 6 thấp hơn kỳ vọng, mở ra cơ hội cho Fed sớm hạ lãi suất. USD Index (DXY) hiện ở mức 104,50. Tỷ giá EUR so với USD giảm 0,01% ở mức 1,0868. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,02% ở mức 1,2912. Tỷ giá USD so với Yen Nhật tăng 0,22% ở mức 159,19. USD đã giảm giá vào phiên giao dịch hôm qua sau khi báo cáo lạm phát quan trọng được công bố vào cuối phiên. Đồng USD trước đó đã kéo dài đà giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nhắc lại triển vọng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ "hạ cánh mềm".

- Thị trường nội tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng đề xuất quy định các ngân hàng được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Tuy nhiên, Thông tư 34/2024/TT-NHNN mới được ban hành đã không còn quy định nội dung này.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 34/2024/TT-NHNN quy định việc cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Thông tư này thay thế cho Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15 tháng 12 năm 2011 quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. 

Đáng chú ý, Điều 14, Thông tư số 34/2024 quy định về Hoạt động đại lý bảo hiểm như sau:

1. Khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

2. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, NHNN vẫn cho phép ngân hàng được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm thay vì cấm hẳn như dự kiến ban đầu. 

Cụ thể, Thông tư 67 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Mặt khác, Khoản 5 Điều 15 Luật các TCTD quy định: Nghiêm cấm Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, Thông tư 34/2024/NHNN cũng nêu rõ, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tiếp tục thực hiện hoạt động thu phí bảo hiểm, thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận đã ký trước 01/7/2024 đối với các hợp đồng, thỏa thuận bảo hiểm mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý bảo hiểm. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn các hợp đồng, thỏa thuận bảo hiểm mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý bảo hiểm chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

Trước đó, khi lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 40/2011/TT-NHNN, NHNN đã đề xuất ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Cụ thể, hồi tháng 3/2024, NHNN công bố Dự thảo Thông tư với đề xuất sẽ cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư. Dự thảo nêu: Khi Giấy phép mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trừ sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan.

Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng đồng VND tại quầy của các ngân hàng trong tháng 7/2024 tiếp tục biến động so với cùng kỳ tháng trước, với mức tăng từ 0,1-0,6% tuỳ từng kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Lãi suất huy được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng, với mức tăng từ 0,1 – 0,6% tùy kỳ hạn và ngân hàng.

Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm đầu tháng 7/2024 không có sự biến động mới so với cùng kỳ tháng 6/2024. Biểu lãi suất đã được điều chỉnh tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được điều chỉnh tăng. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất huy động tăng 0,8% lên 5,6%/năm; kỳ hạn 7 đến 11 tháng tăng tới 1,4%, niêm yết ở mức 5,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng chạm mốc 6%/năm sau khi tăng 0,4% Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 13 đến 60 tháng được giữ nguyên mức 5,7%/năm.

Dự báo lãi suất huy động sẽ không còn dư địa để giảm tiếp dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý III/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm. Mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19 là 5,05%/năm.

Các chuyên viên phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Áp lực tăng lãi suất hiện vẫn chưa đủ lớn nhưng có thể lớn hơn trong những tháng cuối năm tuỳ thuộc vào tình hình diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát trong nước, chính sách lãi suất của các nước khác, hay diễn biến của nguồn cung ngoại tệ.

Thị trường Vàng

Tuần qua, vàng thế giới tiếp tục xác lập thêm một tuần tăng giá khi Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. Dù vậy, giá vàng trong nước vẫn ổn định sau các biện pháp bình ổn thị trường của cơ quan nhà nước, dao động trong khoảng 74,98 - 75,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 76,98 triệu động ở chiều bán ra.

Sau một tháng triển khai bán vàng online, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới được kéo lại gần. Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank (25.458 đồng), giá vàng thế giới tương đương 72,41 triệu đồng/lượng, thấp hơn 4,57 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Thị trường Chứng khoán

- Thế giới

Dow Jones vượt mốc 40,000 điểm, chỉ số Dow Jones tăng điểm vào ngày thứ Sáu (12/07) nhờ đà leo dốc của cổ phiếu Home Depot và Caterpillar, khi nhà đầu tư bắt đầu nắm lấy một số cổ phiếu ngoài các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu thị trường giá lên trong tuần này. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/07, chỉ số Dow Jones tăng 247.15 điểm (tương đương 0.62%) lên 40,000.90 điểm. Trong phiên, chỉ số này đã tăng lên mức cao mọi thời đại mới là 40,257.24 điểm. Đây là lần đầu tiên Dow Jones vượt mốc 40,000 điểm kể từ cuối tháng 5/2024. Cổ phiếu Home Depot tiến 1.7%, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc của cổ phiếu này trong tuần lên 7.5%. Cổ phiếu Caterpillar tăng gần 1.4% trong phiên. Chỉ số S&P 500 tiến 0.55% lên 5,615.35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.63% lên 18,398.45 điểm.

Trong phiên ngày thứ Năm (11/07), S&P 500 đã ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 4/2024, khi nhà đầu tư bán các cổ phiếu công nghệ lớn, khiến cổ phiếu Nvidia sụt 5.6%. Tuy nhiên, Dow Jones đã có thành tích vượt trội trong ngày thứ Năm, nhích 0.08% trong đợt bán tháo so với các chỉ số chính khác.

Vào ngày thứ Sáu, nhà đầu tư đã đổ xô vào các cổ phiếu công nghiệp thuộc Dow Jones nhờ hy vọng lạm phát hạ nhiệt sẽ kéo theo việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng 9. Dow Jones tăng 1.6% trong tuần này. Chất xúc tác là một báo cáo vào ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0.1% trong tháng 6. Chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000 vọt 6% trong tuần này sau khi tăng 1.1% vào ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư nhận thấy cái gọi là sự hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế chung sẽ tạo động lực cho các công ty nhỏ hơn. Thị trường leo dốc ngay cả sau những phản ứng ít ỏi đối với kết quả lợi nhuận quý 2 của các ngân hàng. Cổ phiếu JPMorgan mất 1.2% ngay cả khi ngân hàng này công bố doanh thu quý 2 tốt hơn dự báo của Phố Wall nhờ sự tăng vọt các loại phí. Cổ phiếu Citi giảm 1.8% mặc dù kết quả doanh thu và lợi nhuận quý 2 cao hơn kỳ vọng. Cổ phiếu Wells Fargo sụt 6% sau khi ngân hàng này cho biết thu nhập lãi ròng, thước đo chính về lợ nhuận cho vay của ngân hàng, không đạt kỳ vọng trong quý 2.

Số liệu về lạm phát bán buôn cao hơn dự báo một chút vào ngày thứ Sáu, nhưng Phố Wall đã hầu như bỏ qua số liệu này sau báo cáo giá tiêu dùng quan trọng hơn vào ngày thứ Năm (11/07) cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Cổ phiếu Nvidia tăng 1.4% trong ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư không thể cưỡng lại được một số cổ phiếu công nghệ yêu thích của họ bị bán tháo vào ngày hôm trước. Đà tăng gần 18% từ đầu năm đến nay của S&P 500 phần lớn được dẫn dắt bởi các cổ phiếu công nghệ. Lĩnh vực công nghệ đã bứt phá 33% vào năm 2024 và lĩnh vực dịch vụ truyền thông leo dốc 26%.

- Trong nước  

Chứng khoán tuần 08-12/07/2024 áp lực từ khối ngoại tăng cao. VN-Index giảm liên tiếp 3 phiên gần nhất trong tuần vừa qua với khối lượng giao dịch sụt giảm và duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc khối ngoại duy trì bán ròng khiến tình hình của chỉ số chuyển biến tiêu cực hơn. Các chỉ số chính tiếp tục điều chỉnh trong phiên cuối tuần. Kết phiên 12/07, VN-Index giảm 3.05 điểm, về mức 1,280.75 điểm; HNX-Index giảm 0.72 điểm, xuống mức 244.67 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 2.29 điểm (-0.18%), HNX-Index tăng 2.71 điểm (+1.12%).

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch giằng co, nỗ lực kéo chỉ số của phe mua trong 2 phiên đầu tuần chưa thành công khi nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trước ngưỡng cản mạnh 1,290-1,300 điểm. Xu hướng điều chỉnh diễn ra đến hết tuần, VN-Index dừng ở mốc 1,280.75 điểm. Kết phiên giao dịch ngày 12/07/2024, thị trường tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh thanh khoản yếu, dòng tiền tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Cụ thể, ngành dịch vụ tư vấn hỗ trợ ghi nhận mức tăng tích cực nhất thị trường với 3.79%, chủ yếu nhờ sự khởi sắc của mã cổ phiếu TV2 (+6.03%). Theo sau là ngành chế biến thủy sản, sản xuất nhựa - hóa chất và chăm sóc sức khỏe với mức tăng lần lượt là 1.47%, 1.31% và 0.91%.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 4.61 ngàn tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 4.6 ngàn tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 5 tỷ đồng trên sàn HNX.

VTO tăng 21.34%: VTO ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 21.34%. Cổ phiếu liên tục bật tăng mạnh với sự xuất hiện mẫu hình nến White Marubozu và Rising Window. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch hầu hết đều vượt trên mức trung bình 20 ngày cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đà tăng của cổ phiếu đã bị chững lại sau khi giảm điểm vào phiên cuối tuần qua. Bên cạnh đó, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought). Nhà đầu tư nên cẩn trọng nếu chỉ báo này cho tín hiệu bán trở lại. DXS giảm 11.72%: DXS trải qua tuần giao dịch đầy bi quan khi liên tục giảm mạnh với sự xuất hiện của mẫu hình nến Black Marubozu và Falling Window. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD đang cho tín hiệu bán và nằm dưới ngưỡng 0. Điều này chứng tỏ rủi ro tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn.

- Thị trường Upcom

Thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 4 phiên và 1 phiên mua ròng mạnh duy nhất ngày 11/7, tổng cộng bán ròng 1,28 triệu đơn vị, tổng giá trị vẫn là mua ròng 24,78 tỷ đồng, tăng 74,25% về lượng nhưng giảm 46,15% về giá trị so với tuần trước.

Cụ thể, khối này mua vào 5,7 triệu đơn vị, giá trị 457,88 tỷ đồng (tăng 125,85% về lượng và 88,68% về giá trị so với tuần trước); trong khi bán ra 6,98 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 433,1 tỷ đồng (tăng 114,23% về lượng và 120,24% về giá trị so với tuần trước).

Chỉ số

Điểm

KLGD

(triệu đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,280,75

606,308,137

15,253,43

728,639,937

19,460,95

HNX-Index

245,02

54,268,798

1,129,22

63,241,399

1,442,13

Thị trường Bất động sản

Số liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng ghi nhận, nguồn cung nhà ở thương mại có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 32 dự án đã hoàn thành, 16 dự án được cấp phép mới, 519 dự án đang triển khai. Đối với nhà ở xã hội, có 8 dự án đã hoàn thành.

Về giá giao dịch, đối với giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đối với loại nhà ở riêng lẻ và đất nền giá giao dịch cũng có xu hướng tăng, nguyên nhân được cho là giá chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh.

Về lượng giao dịch, có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công, bằng 110,26% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.

Về tín dụng bất động sản, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng.

Về tình hình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, khối lượng phát hành trong quý I/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Luỹ kế trong quý I có 14 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng.

Về nguồn vốn FDI, tính đến ngày 20/6/2024, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút được số vốn đăng ký của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,89 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 trong tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá về tình hình bất động sản 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng. 

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo, SRTC