Trang chủ >

Nghiên cứu - Phân tích

Thông tin kinh tế tài chính từ ngày 9/9/2024 đến ngày 13/9/2024

 Tin kinh tế vĩ mô

Người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão Yagi sẽ được miễn, giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Theo Luật Quản lý thuế, người nộp thuế bị thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão nằm trong đối tượng bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, tai nạn bất ngờ. Tại văn bản gửi 26 Cục thuế các địa phương phía Bắc, Tổng cục Thuế cho biết doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân bị ảnh hưởng do bão được miễn, giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên và sử dụng đất phi nông nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế với phần giá trị tổn thất do thiên tai. Tương tự, gia đình lao động bị ảnh hưởng cũng được hỗ trợ, nhưng không quá 1 tháng lương bình quân thực tế. Ngoài ra, họ được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm; miễn tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp, gia hạn nộp hồ sơ. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được miễn, giảm tối đa 30% số phải nộp năm nay. Số này cũng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.

Về thuế tài nguyên, người dân, doanh nghiệp được xét miễn giảm khoản phải nộp cho tài nguyên bị tổn thất. Trường hợp đã nộp, họ được hoàn trả hoặc trừ vào kỳ sau. Với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, họ được giảm 50% số phải nộp nếu thiệt hại bằng 20-50% giá tính thuế. Ngoài ra, các hộ, cá nhân kinh doanh có thể được giảm thuế thu nhập cá nhân tương ứng với mức độ thiệt hại, nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương hướng dẫn, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Cùng với đó, nhà chức trách cần có đầu mối hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hồ sơ thuế, tài liệu, chứng từ để xác định giá trị thiệt hại.

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Ngoài thiệt hại về người, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản, khiến GDP năm nay giảm 0,15%. Khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn.

Ngoài ngành thuế, nhiều ngân hàng cũng đưa ra chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại vì bão.

Thị trường Tiền tệ 

Thị trường ngoại tệ

Trong tuần từ 9-13/9, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 3 phiên đầu tuần và giảm trở lại ở 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 13/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.172 VND/USD, giảm 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết giá bán USD chốt ngày 13/9 ở mức 25.330 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 9-13/9 tiếp tục biến động giảm mạnh. Kết thúc phiên 13/09, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.543, giảm 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Đồng USD đã sụt giảm trở lại sau khi có thêm dữ liệu về giá sản xuất và báo cáo trợ cấp thất nghiệp, trong khi đồng EUUR tăng giá khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng 25 điểm.  Chỉ số USD Index (DXY) hiện giảm 0,45%, xuống mốc 101,23. So với phiên trước đó, tỷ giá EUR so với USD tăng 0,01%, đạt 1,1078. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,06% lên 1,3131. Tỷ giá USD so Yen Nhật giảm 0,2% ở mức 141,53.

Thị trường nội tệ

Tuần từ 09/09 - 13/09, lãi suất VND LNH giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 13/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,4% (-1,15 đpt); 1W 3,76% (-0,85 đpt); 2W 3,97% (-0,73 đpt); 1M 4,39% (-0,32 đpt).

Lãi suất USD LNH trong tuần qua biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 13/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,31% (không đổi); 1W 5,34% (-0,01 đpt); 2W 5,34% (-0,01 đpt) và 1M 5,40% (-0,02 đpt).

Trên thị trường mở tuần qua từ 09/09 - 13/09, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 18.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 8.833,45 tỷ đồng trúng thầu, có 46.403,83 tỷ đáo hạn trong tuần qua.

NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.

Như vậy, NHNN hút ròng 37.570,38 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 8.833,45 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.

Ngày 11/09, KBNN đấu thầu thành công 13.130 tỷ đồng/14.150 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 93%. Trong đó, kỳ hạn 7Y huy động được 165 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được toàn bộ 9.000 tỷ đồng gọi thầu, 15Y huy động được 3.350 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng và 30Y huy động được 615 tỷ đồng/650 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7Y là 2,05% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,71%, 15Y 2,90% và 30Y 3,10%, đều không đổi.

Trong tuần này, ngày 18/09, KBNN dự kiến chào thầu 11.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, 7Y chào thầu 500 tỷ đồng, 10Y 6.500 tỷ đồng, 15Y 3.500 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10335 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 11979 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua ít biến động. Chốt phiên 13/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,86% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2Y 1,88% (không đổi); 3Y 1,90% (không đổi); 5Y 1,96% (không đổi); 7Y 2,23% (-0,017 đpt); 10Y 2,72% (-0.02 đpt); 15Y 2,90% (-0,014 đpt); 30Y 3,18% (không đổi).

Thị trường Vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh vào các phiên cuối tuần nhờ triển vọng hạ lãi suất của Fed, trong khi giá vàng miếng trong nước không ghi nhận nhiều thay đổi. Hiện tại, giá vàng miếng SJC tại các cửa hàng được mua vào ở 78,50 triệu đồng/lượng và bán ra ở 80,50 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn trơn, ngược lại, ghi nhận biến động trong khoảng 50.000 - 500.000 đồng/lượng. Mức giá mua vào cao nhất của vàng nhẫn là 77,95 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra cao nhất là 79,20 triệu đồng/lượng. 

Thị trường Chứng khoán

Thế giới

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Sáu (13/09), với S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay trước khi diễn ra cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/09, chỉ số S&P 500 tiến 0.54% lên 5,626.02 điểm, thấp hơn 1% so với mức cao mọi thời đại đã đạt được vào tháng 7. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.65% lên 17,683.98 điểm. Cả 2 chỉ số này đều ghi nhận 5 phiên leo dốc liên tiếp. Chỉ số Dow Jones tăng 297.01 điểm (tương đương 0.72%) lên 41,393.78 điểm.

Tiện ích, dịch vụ truyền thông và công nghiệp là những lĩnh vực dẫn đầu đà tăng của thị trường vào ngày thứ Sáu, với mỗi lĩnh vực tăng khoảng 1%.

Nhà đầu tư cũng tiếp tục mua vào các cổ phiếu chất bán dẫn và công nghệ vốn hoá lớn, qua đó giúp thúc đẩy đà phục hồi trong tuần này sau khi các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo gần đây. Cổ phiếu Super Micro Computer và Arm Holdings lần lượt tăng 3.4% và 5.9%. Cổ phiếu Alphabet tiến 1.8% và cổ phiếu Uber vọt hon 6%.

Tuần này, S&P 500 tăng 4% và Nasdaq Composite vọt 5.9%, đánh dấu tuần tốt nhất trong năm nay của cả 2 chỉ số. Dow Jones cộng 2.6% trong tuần.

Phố Wall hiện đang hướng tới cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 17-18/09, tại đây ngân hàng trung ương hầu hết được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất 0.25%. Hiện tại, mức lãi suất mục tiêu của Fed là 5.25% - 5.5%.

Dữ liệu kinh tế phản ánh sự điều tiết lạm phát cũng có vẻ ủng hộ cho kỳ vọng hạ lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tại Mỹ tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi, giá bán buôn tăng 0.2% trong tháng 8, phù hợp với dự báo.

Trong nước  

Các chỉ số chính tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần. Kết phiên ngày 13/09, VN-Index giảm 0.37%, về mức 1,251.71 điểm; HNX-Index tăng 0.22%, đạt 232.42 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 22.25 điểm (-1.75%), HNX-Index giảm 2.23 điểm (-0.95%).

Thị trường tiếp tục trải qua tuần giao dịch đầy khó khăn khi giảm đến 4/5 phiên trong bối cảnh thanh khoản mất hút. Việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ và dòng tiền lớn dẫn dắt khiến tâm lý nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng, khối lượng giao dịch liên tiếp sụt giảm, thậm chí về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Kết thúc phiên 13/09, VN-Index đóng cửa với mức giảm 4.64 điểm, tương đương 0.37% so với phiên trước.

Xét về mức độ đóng góp, GAS và VNM là 2 trụ cột gây áp lực lớn nhất cho chỉ số hôm nay, mỗi cổ phiếu lấy đi của VN-Index gần 1 điểm. Trong khi đó, VCB, FPT và SAB nỗ lực níu giữ mốc 1,250 điểm cho VN-Index, đóng góp hơn 1 điểm tăng.

Các nhóm ngành ghi nhận diễn biến phân hóa với mức độ biến động không quá lớn, đều dưới 1%. Ở phía tăng điểm, nhóm công nghệ thông tin dẫn đầu thị trường với mức tăng 0.52%, đóng góp chính từ FPT (+0.53%), CMG (+0.59%) và VBH (+8%). Theo sau là nhóm bất động sản và nguyên vật liệu với mức tăng khiêm tốn lần lượt là 0.23% và 0.13%.

Ở nhóm tài chính, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng nổi bật trong hôm nay như FTS (+2.33%), MBS (+1.87%), BVS (+1.79%), SSB (+1.33%), PVI (+1.57%),… Tuy nhiên, không ít cổ phiếu lớn vẫn bị sắc đỏ chi phối, mặc dù mức độ giảm không đáng kể nhưng vẫn kìm hãm sắc xanh của chỉ số ngành, tiêu biểu là BID (-0.31%), CTG (-0.29%), TCB (-0.45%), VPB (-0.27%), MBB (-0.42%) và LPB (-0.81%).

Về phía giảm điểm, nhóm tiện ích phải “đội sổ” với mức giảm 0.9%, chịu áp lực chủ yếu từ cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành là GAS giảm 2.37%. Phần lớn các cổ phiếu còn lại chỉ biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Nhóm năng lượng cũng trải qua phiên giao dịch không mấy dễ dàng, hầu hết cổ phiếu đều bị sắc đỏ chi phối, như BSR (-0.43%), PVS (-0.74%) và PVD (-1.52%).

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 1,238 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 1,221 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 17 tỷ đồng trên sàn HNX.

 

 

 

Thị trường Upcom

Tuần qua từ ngày 09/09-13/09, giao dịch NĐTNN bán ròng 126,454 đơn vị, tổng giá trị ròng tương ứng đạt hơn hơn 6,5 tỷ đồng. Tự doanh mua ròng 8,317,077 đơn vị cổ phiếu, giá trị tương ứng hơn 186,4 tỷ đồng. Kết thúc tuần giao dịch, UPCOM-Index đóng cửa ở 92.95 điểm, tăng 0,24% so với tuần trước  

Chỉ số

Điểm

KLGD

(đơn vị)

GTGD

(tỷ đồng)

KLGD bình quân/

phiên trong tuần

GTGD bình quân/ phiên trong tuần

Vn-Index

1,256.35

2,687,133,406

61,780

537,426,681

12,356

HNX-Index

232.42

251,905,447

4,729

50,381,089

945

Thị trường Bất động sản

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản. Theo đó, Bộ cho biết trong quý II/2024, nguồn cung nhà ở thương mại tăng nhẹ so với quý trước; lượng giao dịch thuộc loại hình căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ có xu hướng giảm so với quý I/2024, trong khi lượng giao dịch đất nền có xu hướng tăng; giá giao dịch bất động sản có xu hướng tăng hơn so với quý trước. Tuy nhiên, Bộ đánh giá sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương. Đơn cử như một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi; đặc biệt tại Hà Nội xảy ra tình trạng giá căn hộ chung cư tại một số dự án và nhà ở riêng lẻ tại một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức … tăng cao bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, thời gian gần đây tại Hà Nội, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. 

Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa phương; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

Nguồn: Phòng Phân tích và Dự báo thị trường, SRTC