1. ĐỀ TÀI UB.2010.01: “ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020” Chủ nhiệm đề tài: TSKH. Nguyễn Thành Long Đơn vị chủ trì: Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán
1. ĐỀ TÀI UB.2010.01: “ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”
Chủ nhiệm đề tài: TSKH. Nguyễn Thành Long
Đơn vị chủ trì: Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ
và quỹ đầu tư chứng khoán
1.1. Nội dung của đề tài:
Chương I. Khái niệm về sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Chương II. Thực trạng và các thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chương III. Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
1.2. Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã tiếp cận vấn đề từ việc tổng hợp và xây dựng cơ sở lý luận cho vấn đề nghiên cứu là “sự phát triển của thị trường chứng khoán”. Từ khái niệm về sự phát triển của thị trường chứng khoán, đề tài đã tổng hợp 7 chỉ số phát triển thị trường chứng khoán, được chứng minh bằng các nghiên cứu thực nghiệm trên thị trường chứng khoán thế giới. Đó là các chỉ tiêu quy mô thị trường, tính thanh khoản của thị trường, mức biến động của thị trường, mức độ tập trung hóa của thị trường, mức độ hội nhập, mức độ quản lý và thể chế thị trường.
- Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán tại các quốc gia Đông Á trước và sau khủng hoảng tiền tệ Châu Á và Đông Âu từ những năm 1980, và tổng hợp, đánh giá về thành công và hạn chế, từ đó rút ra kinh nghiệm cho sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Đề tài đã phân tích rõ thực trạng, nêu lên hạn chế và các nguyên nhân hạn chế trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thị trường mở cửa đến năm 2010, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cơ sở cầu chứng khoán, các định chế trung gian, hệ thống giao dịch và lưu ký chứng khoán, hệ thống quản lý và giám sát thị trường chứng khoán, từ đó định vị vị trí của thị trường chứng khoán Việt Nam trong khu vực. Những nhận định của đề tài về thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có tính khái quát cao, vì vậy đảm bảo được tính khoa học và thực tiễn để xây dựng định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cho những năm tới.
- Dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, đề tài đã đưa ra định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020 với 8 mục tiêu và 7 nhóm giải pháp chính cụ thể là: hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý; tăng cung và cải thiện chất lượng nguồn cung cho thị trường; phát triển, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững; phát triển và nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường, phát triển các hiệp hội, tổ chức phụ trợ thị trường chứng khoán; tái cấu trúc thị trường, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền. Các nhóm giải pháp này sẽ cấu thành nên chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020.
2. ĐỀ TÀI UB.2010.02. “GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN MÔ HÌNH VÀ PHƯƠNG THỨC GIAO DỊCH CHO THỊ TRƯỜNG UPCoM Ở VIỆT NAM”
Chủ nhiệm đề tài: Th.S. Nguyễn Vũ Quang Trung
Đơn vị chủ trì: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
2.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Hoạt động của thị trường chứng khoán phi niêm yết trên thế giới.
Chương II. Thực trạng thị trường UPCoM tại Việt Nam.
Chương III. Đề xuất mô hình và phương thức giao dịch cho thị trường UPCoM.
2.2 Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò của thị trường phi niêm yết, nêu rõ được những sự khác biệt giữa thị trường chứng khoán niêm yết và phi niêm yết trong thực tiễn và lý thuyết; nghiên cứu một số mô hình và phương thức giao dịch tiêu biểu tại một số nước điển hình trên thế giới (Mỹ, Anh, Nhật, Đài Loan, Thái Lan). Từ đó đề tài đã phân loại và đánh giá các mô hình và phương thức giao dịch trên thị trường chứng khoán phi niêm yết (3 mô hình hoạt động và 2 phương thức giao dịch).
Ba mô hình hoạt động gồm: mô hình Sở Giao dịch chứng khoán tách biệt, trong đó có Sở Giao dịch chứng khoán dành riêng cho cổ phiếu chưa niêm yết; mô hình Sở Giao dịch chứng khoán có hai thị trường: niêm yết và phi niêm yết; mô hình hệ thống giao dịch điện tử giữa các nhà môi giới chứng khoán.
Hai phương thức giao dịch là: phương thức báo giá và phương thức khớp lệnh.
- Đề tài đã khái quát được kinh nghiệm vận hành hệ thống UPCoM từ khi ra đời, được coi là mảng thị trường phi niêm yết của Việt Nam hiện nay, đánh giá được thành công bước đầu và những vấn đề đặt ra đối với UPCoM trong thời gian tới.
- Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất mô hình giao dịch mới cho thị trường UPCoM ở Việt Nam là phương thức giao dịch tổng hợp (áp dụng đồng thời phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục và giao dịch thỏa thuận). Do mô hình này phân loại chứng khoán theo tính thanh khoản và áp dụng cơ chế giao dịch riêng cho mỗi loại chứng khoán nên sẽ làm tăng tính thanh khoản của thị trường, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện lệnh giao dịch của mình nhờ có những yết giá hai chiều liên tục của các công ty chứng khoán tạo lập thị trường. Đề tài cũng đặt ra vấn đề xây dựng nhà tạo lập thị trường, định hướng phát triển thị trường UPCoM theo mô hình thị trường phi niêm yết OTC thế giới. Đây là đóng góp thiết thực của đề tài.
3. ĐỀ TÀI UB.2010.03. “CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN ÁP DỤNG CHO TRUNG TÂM LƯU KÝ CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM”
Chủ nhiệm đề tài: Th.S. Hà Thị Tường Vy
Đơn vị chủ trì: Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán - Bộ Tài chính
3.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng chế độ kế toán áp dụng cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Chương II. Chế độ kế toán Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
3.2 Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã đưa ra đặc điểm cơ bản về tổ chức hoạt động và quản lý của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và ảnh hưởng của nó đến chế độ kế toán áp dụng tại trung tâm này.
- Đề tài đã khái quát thực trạng quy định về kế toán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán trên thế giới qua các thời kỳ và đặc điểm hệ thống kế toán Trung tâm Lưu ký chứng khoán của một số nước trên thế giới như Thái Lan, Bangladesh; các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán để vận dụng xây dựng chế độ kế toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
- Đề tài đã đề xuất chế độ kế toán áp dụng cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay gồm: chế độ báo cáo tài chính, hệ thống tài khoản kế toán, hình thức và hệ thống sổ kế toán, hệ thống chứng từ kế toán. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính ban hành văn bản pháp lý về chế độ kế toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, và đó là ý nghĩa thực tiễn của đề tài.
4. ĐỀ TÀI UB.2010.04. “PHƯƠNG PHÁP TÍNH LÃI SUY GIẢM TRÊN CỔ PHIẾU VÀ TRÌNH BÀY CHỈ TIÊU NÀY TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY ĐẠI CHÚNG TẠI VIỆT NAM”
Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Sơn
Đơn vị chủ trì: Vụ Phát triển thị trường chứng khoán
4.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Những vấn đề cơ bản về chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu.
Chương II. Thực trạng về tính lãi trên cổ phiếu hiện nay ở Việt Nam.
Chương III. Hoàn thiện phương pháp tính lãi trên cổ phiếu tối ưu.
4.2. Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã tổng hợp và hệ thống hóa một cách khoa học những vấn đề cơ bản về chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu, trong đó nêu lên khái niệm, phân loại của chỉ tiêu này, các chuẩn mực kế toán áp dụng cùng những bài học kinh nghiệm quốc tế quý báu của Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Trung Quốc.
- Đề tài đã nêu lên được thực trạng về việc tính lãi trên cổ phiếu hiện nay ở Việt Nam với khung pháp lý điều chỉnh, quy định về tính lãi trên hai Sở Giao dịch chứng khoán kèm theo các đánh giá về ưu điểm, bất cập trong việc tính và trình bày chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu.
- Đề tài đã đưa ra được các kiến nghị sửa đổi, bổ sung khung pháp lý điều chỉnh hiện tại và đề xuất về cách tính và trình bày chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu trong báo cáo tài chính áp dụng đối với các doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại Việt Nam nhằm khắc phục những bất cập trong việc tính và trình bày chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu ở Việt Nam hiện nay.
5. ĐỀ TÀI UB.2010.05: "HOÀN THIỆN LUẬT CHỨNG KHOÁN"
Chủ nhiệm đề tài: Th.S. Hoàng Đức Long
Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế
5.1. Nội dung của đề tài:
Chương I. Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện Luật Chứng khoán.
Chương II. Những vướng mắc cần hoàn thiện trong Luật Chứng khoán.
Chương III. Giải pháp hoàn thiện Luật Chứng khoán và tác động của việc hoàn thiện.
5.2. Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã luận giải được những vấn đề cấp bách trong việc hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là sau 3 năm kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực.
- Đề tài đã phân tích đối tượng, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa pháp luật về chứng khoán và pháp luật chung cũng như pháp luật các chuyên ngành khác trong lĩnh vực chứng khoán. Đặc biệt, đề tài đề cập đến các thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực thi Luật Chứng khoán năm 2007; những vấn đề về xung đột lợi ích đối với các chủ thể tham gia chịu sự điều chỉnh giữa Luật Chứng khoán và các văn bản luật khác.
- Trên cơ sở đánh giá tác động tích cực của Luật Chứng khoán, đề tài cũng chỉ rõ những điểm bất cập, hạn chế hiện nay của Luật Chứng khoán, cụ thể một số vấn đề chưa được điều chỉnh trong Luật đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi như: phát hành riêng lẻ, phát triển các chứng khoán mới (ETF, phái sinh, quỹ bất động sản); một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tế, cách hiểu giữa các luật chưa thống nhất, khó khăn trong việc thực hiện như quy định về công bố thông tin, về nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quy định về chào bán chứng khoán tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài, về tổ chức thị trường cho các sản phẩm mới…
- Đề tài đã khái quát được những nội dung cơ bản của pháp luật về thị trường chứng khoán ở một số quốc gia trên thế giới theo phạm vi quy định trong luật, mức độ chi tiết và thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn; quy định pháp lý dựa trên nhóm chế định pháp luật về công bố thông tin, quản trị công ty, thanh tra giám sát và cưỡng chế thực thi.
- Trên cơ sở nêu lên một số quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc hoàn thiện khung pháp luật về thị trường chứng khoán ở Việt Nam, đề tài đã đưa ra các nhóm giải pháp đề hoàn thiện Luật Chứng khoán. Đó là nhóm giải pháp về tính hợp pháp của Luật chứng khoán trong hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; giải pháp về tính thống nhất giữa Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật khác; nhóm giải pháp hoàn thiện nội dung của Luật Chứng khoán và tác động của việc hoàn thiện.
6. ĐỀ TÀI UB.2010.06. “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2010 - 2020”
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Hoàng Mạnh Hùng
Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ
6.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Những vấn đề cơ bản về phát triển nguồn nhân lực.
Chương II. Thực trạng nguồn nhân lực Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chương III. Các giải pháp, chiến lược phát triển nguồn nhân lực Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
6.2 Đóng góp của đề tài:
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về phát triển nguồn nhân lực.
- Đề tài đã phân tích thực trạng về phát triển nguồn nhân lực UBCKNN, đánh giá quá trình phát triển nguồn nhân lực UBCKNN qua các giai đoạn 1990 - 2000 và 2000 - 2010, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ cũng như thách thức, từ đó đưa ra những dự báo cũng như chỉ ra những yêu cầu đối với sự phát triển nguồn nhân lực UBCKNN.
- Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra đề xuất chiến lược phát triển nguồn nhân lực UBCKNN giai đoạn 2010 - 2020 và nhóm các giải pháp thực hiện.
7. ĐỀ TÀI UB.2010.07. “NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM”
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Dương Thị Phượng
Đơn vị chủ trì: Vụ Giám sát thị trường chứng khoán
7.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Chương II. Thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam và đề xuất nâng cao hiệu quả công tác giám sát giao dịch giai đoạn 20101 - 2015.
Chương III. Giải pháp.
7.2 Đóng góp của đề tài:
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận, tổng kết kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện giám sát giao dịch, xây dựng các tiêu chí giám sát, phát hiện hành vi lạm dụng thị trường trong giao dịch chứng khoán.
- Đề tài đã đánh giá thực trạng hành vi lạm dụng trong giao dịch chứng khoán tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó tập trung vào phân tích thực trạng công tác giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trên các phương diện khả năng đáp ứng của công tác giám sát giao dịch với thị trường; hiệu quả cưỡng chế thực thi pháp luật; hiệu quả răn đe và ngăn ngừa các hành vi lạm dụng thị trường. Trên cơ sở đó, đề tài phân tích những khó khăn, thách thức và đưa ra mục tiêu cho giai đoạn 2010 - 2015.
- Đề tài đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát giao dịch chứng khoán giai đoạn 2010 - 2015. Đó là sửa đổi, bổ sung, hoàn
8. ĐỀ TÀI UB.2010.08. “HOÀN THIỆN QUY TRÌNH, TIÊU CHÍ LỰA CHỌN CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐƯỢC CHẤP THUẬN”
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Lê Thị Hòa
Đơn vị chủ trì: Vụ Quản lý phát hành chứng khoán
8.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Cơ sở lý luận về quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức kiểm toán độc lập cho các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Chương II. Thực trạng hệ thống quy trình, tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán được chấp thuận hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chương III. Định hướng, giải pháp, điều kiện, lộ trình hoàn thiện quy trình, tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán chấp thuận hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
8.2 Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức kiểm toán độc lập cho các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Phân tích thực trạng hệ thống quy trình, tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán được chấp thuận hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian 2006 - 2010.
- Xuất phát từ quan điểm của mình, đề tài đã đưa ra các gói 15 giải pháp mang tính định hướng kèm theo lộ trình, điều kiện thực hiện nhằm giúp cơ quan quản lý từng bước hoàn thiện quy trình, tiêu chí lựa chọn công ty kiểm toán được chấp thuận.
9. ĐỀ TÀI UB.2010.09. “NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TRONG CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM”
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phạm Hồng Sơn
Đơn vị chủ trì: Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán
9.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Khái niệm và các vấn đề cơ bản của quản trị doanh nghiệp tại công ty chứng khoán.
Chương II. Thực trạng quản trị doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán Việt Nam và kinh nghiệm thế giới.
Chương III. Các đề xuất nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán Việt Nam.
9.2 Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã đề cập đến các nội dung cơ bản về quản trị doanh nghiệp bao gồm tổ chức doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, đặc biệt là áp dụng đối với các công ty chứng khoán.
- Đề tài đã khảo sát và đánh giá thực trạng quản trị doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán Việt Nam. Đề tài cũng tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và các nước phát triển về quản trị doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán như Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu… Từ đó, đề tài đưa ra những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện đối với công ty chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
- Đề tài đề xuất các nhóm giải pháp về thành viên hội đồng quản trị, về quản trị rủi ro với các công ty chứng khoán, về vai trò của UBCKNN, về quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán Việt Nam.
10. ĐỀ TÀI UB.2010.10. “XÂY DỰNG CHỈ SỐ NGÀNH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT TẠI VIỆT NAM”
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Phạm Nguyễn Hoàng
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu khoa học và
Đào tạo chứng khoán
10.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Tổng quan về chỉ số ngành chứng khoán.
Chương II. Các chỉ số ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chương III. Xây dựng hệ thống chỉ số ngành cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
10.2 Đóng góp của đề tài:
Ý thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và sử dụng hệ thống chỉ số ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đề tài đã:
- Xây dựng được tiêu chí và hệ thống phân ngành mang tính thực tiễn và phù hợp với thị trường cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam.
- Trên cơ sở áp dụng các phương pháp xây dựng chỉ số thông dụng của thế giới, nhóm nghiên cứu đã đưa ra hệ thống chỉ số phân ngành (gồm 11 nhóm ngành) cho các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
- Đề xuất phương pháp luận thích hợp và kỹ thuật điều chỉnh, duy trì chỉ số ngành, tập trung vào chế độ công bố thông tin cơ cấu sở hữu, về việc lựa chọn cổ phiếu vào rổ tính toán chỉ số ngành, về tính tin cậy của hệ thống chỉ số ngành và việc duy trì hệ thống chỉ số ngành.
11. ĐỀ TÀI UB.2010.11. “PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CÔNG TY GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thúy Hoàn
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Nghiên cứu khoa học và
Đào tạo chứng khoán
11.1. Nội dung đề tài:
Chương I. Tổng quan về thị trường trái phiếu công ty.
Chương II. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010.
Chương III. Phát triển thị trường trái phiếu công ty tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015.
11.2 Đóng góp của đề tài:
- Đề tài đã đi sâu phân tích nội hàm và vai trò thị trường trái phiếu công ty nói chung, tập trung vào thực trạng phát triển của thị trường trái phiếu công ty Việt Nam. Từ đó, đề tài chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển của thị trường trái phiếu công ty tại Việt Nam hiện nay như: môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều tồn tại; hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh; thiếu các tổ chức định mức tính nhiệm chuyên nghiệp, các nhà kinh doanh trái phiếu chuyên nghiệp, các nhà bảo lãnh phát hành; cơ chế xác định lãi suất trái phiếu doanh nghiệp chưa rõ ràng và phù hợp với thực tế thị trường; đường cong lợi suất chuẩn chưa được xây dựng; thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu đồng bộ; nhận thức về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của bản thân doanh nghiệp và công chúng đầu tư còn hạn chế…
- Xuất phát từ việc xây dựng mục tiêu, trên cơ sở đánh giá cơ hội phát triển của thị trường trái phiếu công ty giai đoạn 2011 - 2015, đề tài đã đưa ra nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp đối với các bên tham gia thị trường trái phiếu công ty như các doanh nghiệp - chủ thể phát hành, các tổ chức trung gian tài chính và các tổ chức liên quan, các cơ quan quan lý, tổ chức vận hành và giám sát thị trường nhằm đạt mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu công ty tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015.