Trang chủ >

Thư viện

UB.2020.02 - Đề tài "Ứng dụng hệ thống giám sát trên cơ sở rửi ro đối với các công ty chứng khoán tại Việt Nam"

Mã số đề tài: UB.2020.02

Chủ nhiệm đề tài : ThS. Lê Sử Năng – Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

           1.Tính cấp thiết của đề tài

Trong những thập niên gần đây, nhờ vào quá trình toàn cầu hoá và sự phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính, thị trường vốn thế giới đã có sự phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy hình thành những loại hình thị trường mới và sản phẩm, công cụ, phương thức giao dịch mới vô cùng đa dạng và phức hợp. Những phát kiến này một mặt đã hình thành lên một cơ cấu tài chính lớn, phức tạp, mang lại nhiều giá trị to lớn cho nền kinh tế. Mặt khác, việc gia tăng này đã kéo theo những thách thức, rủi ro được gây ra bởi chính các thành viên tham gia thị trường mà những cuộc khủng khoảng tài chính vừa qua đã cho thấy những chính sách tôn vinh “tự do thị trường” và “bàn tay vô hình của thị trường đã không còn phù hợp. Đối mặt với những chuyển mình của thị trường, hàng loạt các hoạt động giám sát trên nguyên lý quản lý rủi ro được thiết lập từ các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm quản lý thích hợp các rủi ro liên quan phát sinh từ hoạt động của tổ chức phức tạp.

Giám sát dựa trên cơ sở rủi ro (Risk based suppervison) đang dần trở thành phương pháp giám sát chi phối theo quy định của các tổ chức tài chính trên toàn thế giới. Đây là một hệ thống giám sát toàn diện, có cấu trúc chính thức, đánh giá rủi ro trong hệ thống tài chính, đưa ra nhận diện sớm và ưu tiên giải quyết các rủi ro trọng yếu. Tại nhiều quốc gia lớn, các cơ quan quản lý giám sát tập trung vào các rủi ro trọng yếu, xác định những rủi ro gốc rễ đối với các công ty, đưa ra cách thức giúp xác định và giải quyết các rủi ro, nhằm phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, giám thiểu được nhân lực, chi phí và thời gian.

Tại Việt Nam, từ giai đoạn 2008 đến nay, những hệ lụy từ việc ảnh hưởng khủng khoảng tài chính thế giới vẫn còn tiếp diễn ở một số Công ty chứng khoán. Nhiều tổn thất trong quá khứ , năng lực tài chính yếu kém, khả năng cạnh tranh chưa cao và công tác quản trị rủi ro chưa hiệu quả là những yếu tố làm cho công ty chứng khoán sau nhiều năm vẫn không thể khắc phục tình trạng lỗ lũy kế mà còn rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh khoản và phải nằm trong diện cảnh báo đặc biệt.

Theo phân tích và đánh giá sơ bộ, có nhiều nhân tố gây nên tình trạng trên nhưng một trong những nguyên do chính đó là công tác quản trị rủi ro tại các công ty được thực hiện một cách hình thức và phương pháp chưa thật sự toàn diện và phù hợp. Ngoài ra, các biện pháp giám sát hiện nay của cơ quan quản lý chủ yếu là các phương pháp giám sát trên cơ sở tuân thủ, phụ thuộc vào việc rà soát các giao dịch và lịch sử hoạt động trên mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh. Kết quả đánh giá với ít chú trọng về kiểm soát an toàn hệ thống hoặc quản lý rủi ro, khác với việc giám sát trên cơ sở quản lý rủi ro là trọng tâm nhằm vào quá trình chứ không nhằm vào một giao dịch cụ thể.

Năm 2020 là năm đánh dấu sự kiện thông qua Luật Chứng khoán mới, đóng góp một phần to lớn trong công tác hoàn thiện khung pháp lý đối với công tác quản lý thị trường chứng khoán nói chung và giám sát công ty chứng khoán nói riêng. Luật chứng khoán ra đời có những bước tiến và thay đổi mới khuôn khổ giám sát công ty chứng khoán. Điều này cũng đòi hỏi việc giám sát các công ty chứng khoán cần phải bám sát và nâng lên một tầm mới đề phù hợp và đáp ứng được sự phát triển chung của thị trường trong giai đoạn này.

Trước những bối cảnh chung và tính cấp thiết về việc giám sát rủi ro các công ty chứng khoán, nhóm nghiên cứu của Vụ Quản lý Kinh doanh quyết định thực hiện đề tài khoa học này với mục tiêu phân tích, đánh giá công tác giám sát công ty chứng khoán hiện nay với góc độ giám sát trên cơ sở rủi ro và đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác giám sát dựa trên cơ sở rủi ro các công ty chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đề tài nghiên cứu khoa học này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu xây dựng chính sách mới và trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng.

2.Mục tiêu của đề tài

Đề tài: Ứng dụng hệ thống giám sát trên cơ sở rửi ro đối với các công ty chứng khoán tại Việt Nam tập trung khảo sát, phân tích, đánh giá các phương pháp giám sát công ty chứng khoán hiện nay và nghiên cứu các phương pháp theo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với đặc thù của Việt Nam qua đó đề xuất xây dựng mô hình và các công cụ giám sát công ty chứng khoán dựa trên cơ sở rủi ro nhằm đạt các mục tiêu sau:

Sử dụng tối đa hiệu quả nguồn lực giám sát đối với cơ quan quản lý từ đó giảm thiểu được chi phí cho ngân sách trong việc giám sát;

Đánh giá được mức độ rủi ro trong hoạt động của công ty, từ đó phân bổ nguồn lực một cách phù hợp phù hợp để đạt được hiệu quả giám sát cao;

Phân loại được các hình thức, mức độ rủi ro của các công ty để đưa ra các biến số giám sát đối với các công ty khác nhau qua đó giảm thiếu được chi phí và thời gian cho cơ quan quản lý và công ty chứng khoán;

Chẩn đoán sớm được các rủi ro trong các hoạt động của công ty từ đó xác định cách giảm rủi ro theo yêu cầu, giảm thiểu các sai phạm không đáng có của công ty.

3. Kết cấu của đề tài

Đề tài được tổ chức thành 03 Chương như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về giám sát công ty chứng khoán

Chương 2: Thực trạng giám công ty chứng khoán tại Việt Nam

           Chương 3: Ứng dụng hệ thống giám sát trên cơ sở rủi ro đối với các công ty chứng khoán

 

Nguồn: Thư viện, SRTC